Sao lại có ta trên đời?
Sao lại có ta trên đời?
Nhiều lúc chúng ta tự hỏi: mình sinh ra trên đời để làm gì nhỉ? Tại sao lại “có” mình ở đây? Nếu như thế giới này không có mình, nó sẽ ra sao? Nếu mình chưa từng tồn tại, thì gia đình mình có khác đi không? … Những câu hỏi kiểu này thường mang đến cho chúng ta một cảm xúc chơi vơi nào đấy và mãi mãi, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra được câu trả lời thoả đáng. Lý do là vì “mình đã hiện diện ở đây rồi”, nên không có chuyện “mình không hiện hữu”, để có thể suy ra điều gì khác với khả thể đó.
tontai.jpg
Chúng ta nhận biết mình là người trong thân xác mà chúng ta đang thụ hưởng. Nói cách khác, chúng ta hiện diện trên đời qua thân xác này. Thân xác ấy chính là ta, và ta được nhận biết cũng như tiếp cận với thế giới qua nó. Nếu một ngày nào đó, thân xác này không còn thì dường như ta cũng biến mất. Nhưng có bao giờ các bạn nghĩ, thân xác ấy từ đâu mà ra? Tại sao chúng lại có hình thù thế này? Điều đầu tiên chúng ta phải chân nhận là chính chúng ta không thể làm ra mình. Chúng ta thành hình cùng với sự thành hình của thân xác, chứ chúng ta không hiện hữu trước nó để rồi tạo ra nó. (Nói đùa: nếu chúng ta làm ra nó, chắc là chúng ta đã khiến nó hoàn hảo hơn rất nhiều rồi, phải không?). Cha mẹ đưa chúng ta vào đời, xương cốt máu thịt ta là được lãnh nhận từ cha mẹ. Nhưng xét cho cùng, họ cũng không phải là người “tạo dựng” nên chúng ta. Bào thai lớn lên như thế nào trong dạ mẹ, mẹ đâu có biết. Chín tháng mười ngày cưu mang, cũng là những tháng ngày hồi hộp, chờ đợi. Cha mẹ cố gắng cung cấp cho bào thai những môi trường tốt nhất để hy vọng là nó sẽ phát triển bình thường, mạnh khoẻ, sau này sẽ đẹp đẽ, thông minh, ngoan ngoãn… Cha mẹ hy vọng điều đó, chứ cha mẹ không có quyền năng để biến nó thành thực tế như mình muốn.
Như thế, nói một cách văn hoa, chúng ta nợ Ai Đó thân xác và sự sống này. Chúng ta lãnh nhận từ Ai Đó hồng ân cao cả này. Đã từng có một khoảng thời gian ta chưa tồn tại và rồi cũng sẽ có một khoảng thời gian ta hết tồn tại. Khoảng hiện hữu của ta trong thế giới vật chất này chỉ là một quãng ngắn ngủi, chẳng thấm vào đâu. Ta vốn dĩ không cần phải tồn tại vì có ta hay không, mọi sự vẫn có và xoay vòng. Sự hiện hữu của ta không ảnh hưởng gì mấy đến sự hiện hữu của muôn loài. Nó không quyết định số phận của thế giới. Có chăng, nó chỉ đóng góp một chút, chút nhỏ nhoi nào đấy mà thôi!
Vốn không cần phải hiện hữu, nhưng Tạo Hoá đã cho ta hiện hữu. Ngài ban cho ta thân xác này và đặt để ta vào một khoảng thời gian nào đó trong dòng chảy dài của lịch sử. Sự hiện hữu của ta có một giá trị nào đó hơn hẳn mọi loài cây cỏ hay động vật khác. Chính bản thân ta cũng cảm thấy điều đó mà không cần ai phải dạy bảo cho. Trong chúng ta, có một sự sống thần linh nào đó chảy tràn, được thể hiện qua cảm thức tôn giáo mà mọi con người, mọi thời đại, mọi xã hội đều có. Quả vậy, ngay khi ý thức được, chúng ta đã biết là mình “có” ở đây rồi. Ta thấy mình đã là “con người”, nhưng người lớn cứ bảo ta phải cố gắng học tập và rèn luyện nhân cách để “nên người” hơn. Chữ “nên người hơn” làm chúng ta suy nghĩ! Nó có nghĩa là gì? Tại sao đã là người rồi mà phải trở nên người hơn nữa? Nó có vẻ muốn nói đến một hành trình tiến tới không ngừng nghỉ. Ngày nào người ta thôi nỗ lực phấn đấu, ngày đó “tính người” sẽ giảm đi, bớt “người” hơn. Và nếu chúng ta để ý, hình như “tính người” hệ ở một sự trưởng thành về nhân cách, trong việc vận dụng đầy đủ và hiệu quả những năng lực đặc nét Trời ban, hơn là một sự to khoẻ về thể lý hay giàu sang về vật chất!
Chúng ta có một khởi đầu trong tiến trình hiện hữu và cũng có một đích đến trong việc “trở nên người hơn”. Đấng Tạo Hoá cho ta điểm xuất phát, để ta vươn đến cùng đích mà bởi đó ta được dựng nên. Con người nối kết với Đấng ấy qua hành vi ngợi khen, tôn kính và phụng sự, nghĩa là đặt mình hoàn toàn trong bàn tay của Ngài, trao dâng cho Ngài trọn vẹn tâm tình mến yêu và quy hướng mọi sự về Ngài với ý thức rằng ta hiện hữu là hiện hữu trong Ngài và cho Ngài. Việc chúng ta có mặt trên đời không phải là kết quả của một sự tình cờ nào đấy, nhưng được kết tinh từ ý định của Tạo Hoá. Ngài muốn ta hiện hữu và trao ban cho chúng ta một sứ mạng để thực thi. Hành trình cuộc sống là hành trình khám phá ra sứ mạng đó và chu toàn nó.
Chúng ta thường sợ sự thinh lặng và trạng thái “không làm gì”. Nhưng sự thinh lặng sẽ giúp chúng ta đi vào thế giới bên trong, và khám phá ra bản thân mình và một Đấng nào đó, giữa ta với Ngài có mối tương giao với nhau. Ta không thể tách ra khỏi Ngài vì bất cứ khi nào ta lìa xa Ngài, ta tự biến mình thành hư không. Càng gắn kết với Ngài, ta càng thấy mình được tròn đầy hơn, “người” hơn, sức sống thần linh trong ta sẽ dồi dào mãnh liệt hơn, cuộc đời của ta sẽ ý nghĩa hơn vì đã tìm thấy được điểm tựa cho vòng tuần hoàn bất tận của kiếp lưu vong này. Ngài chính là đích đến của ta, là nơi ta sẽ tiến về bởi vì ta được dựng nên là để hướng về Ngài và thụ hưởng sự sống nơi Ngài. Chính nét đẹp và vinh quang của Ngài thu hút ta, làm cho lòng ta sẽ chẳng bao giờ được mãn nguyện hoàn toàn khi chưa tìm gặp được Đấng đó.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ