HIển dung như Chúa
Ngày 6 tháng Tám Chúa Hiển Dung
Đn 7, 9-10. 13-14; 2Pr 1, 16-19; Mt 17, 1-9
HIỂN DUNG NHƯ CHÚA
Cuộc Hiển Dung là cuộc tôn vinh được sống trước của Chúa Giêsu. Người đã xuất hiện trong tất cả những phẩm tính của Người: Con Người, tôi trung của Đức Chúa, Messiah, Con Thiên Chúa, và với tất cả các liên hệ của Người trong lịch sử cứu độ. Cuộc Hiển Dung vừa tăng cường uy tín cho sứ mạng của Đức Giêsu vừa củng cố quyền bính của các tông đồ. Nếu quyền hành của Phêrô (16,18) và của Nhóm Mười Hai (Mt 18,18) lên tới trời là bởi vì ở dưới thế này, Đức Kitô đã đăng quang, nhằm xác nhận các quyết định của các ông.
Tin Mừng thánh Luca trình bày quang cảnh Chúa Giêsu Hiển Dung để tỏ bày vinh quang của Người. Qua đó, Người khích lệ và nâng đỡ cho niềm tin của các môn đệ cũng như của mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu Hiển Dung khi Người đang “cầu nguyện”, trong sự kết hợp thân mật với Chúa Cha “dung mạo của Người bỗng đổi khác”. Chúa Cha đã làm cho vinh quang của Chúa Con được chiếu tỏa trên núi thánh, để xác nhận về sứ mạng đã giao phó cho Người: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. Tin Mừng Luca sử dụng thuật ngữ “người được tuyển chọn” từ bài ca thứ hai về Người Tôi tớ, trong lúc Hiển dung và khi trên thập giá (x. Lc 23,35), để nhấn mạnh mối liên hệ giữa cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Người chính là “Đấng Thánh của Israel” bị “người đời khinh chê” (Is 49,7).
Dung mạo Thiên Chúa được hiển dung nơi Chúa Giêsu Na-da-rét trên ngọn núi cao đã làm cho tâm hồn ba môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh phúc vô biên. Vì thế, Phêrô muốn sống mãi giờ khắc tuyệt vời ấy và không muốn rời bỏ khung cảnh thần tiên đó. Ông đề nghị dựng lều ở lại lâu dài trên núi: “Bấy giờ ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.”
Sau khi biến hình sáng chói, Chúa Giêsu và các tông đồ phải đi xuống núi và trở về cuộc sống thực tế hằng ngày. Chúa Giêsu không muốn đi theo con đường tắt dễ dàng. Ngài muốn đi trọn con đường và sứ mệnh mà Cha đã trao phó. Sứ mệnh cứu độ không chỉ qua sự giảng dạy và thực hành các phép lạ, nhưng là chấp nhận đau khổ và cái chết. Không có một hy lễ nào cao trọng hơn hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá. Con Thiên Chúa đã đi đến cùng tận trong tất cả mọi trạng huống của cuộc đời. Từ khi Chúa hạ thân nghèo hèn trong máng cỏ cho tới lúc thân trần treo trên thập giá. Không có một con người nào dám bươc xuống thẳm sâu như Chúa. Chúa đã bước xuống và cứu con người lên.
Chúng ta không thể đi con đường tắt để đến ơn cứu độ. Chúng ta hãy cố gắng sống tốt từng phút giây mà Chúa đã ban. Hoàn tất tốt giây phút hiện tại trong yêu thương tha thứ và chia sẻ bác ái. Hãy ngước nhìn lên thập giá của Chúa để tìm nguồn ủi an và gắn kết yêu thương. Chúa sẽ dẫn chúng ta đến nguồn ơn cứu độ. Chúng ta biết rằng phải qua thánh giá mới đạt tới vinh quang.
Đồng thời, chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa hơn nơi biến cố Hiển Dung của Chúa Giêsu: Người đến để hoàn thành toàn bộ lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu ước. Sự hiện diện của ông Môsê đại diện cho Lề luật và của ông Êlia đại diện cho các Ngôn sứ nhằm mục đích làm sáng tỏ công trình cứu độ Chúa Giêsu thực hiện. Các ngài nói về sự “chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem”; hình ảnh “núi” và “mây che phủ”, cùng với nỗi sợ hãi của các môn đệ, nhắc nhớ về biến cố Thiên Chúa hiện ra trên núi Sinai. “Lều” mà Phêrô xin được dựng gợi lại hình ảnh dân Israel ngày xưa đi trong sa mạc tiến vào đất hứa. Chúa Giêsu chính là Môsê mới, hướng dẫn dân Israel mới là toàn thể nhân loại đi về Đất hứa là Nước Trời; Ngài cũng tiếp tục công việc của ngôn sứ Êlia là đưa con người ra khỏi tình trạng thờ ngẫu tượng để quay về với Thiên Chúa.
Lễ Hiển Dung hôm nay mời gọi chúng ta hãy tìm lại hình ảnh ban đầu của tạo dựng. Hãy gạn đục khơi trong để hình ảnh của Chúa luôn tỏ hiện ra nơi bản thân của chúng ta. Hãy tìm lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu của mình, một hình ảnh chưa bị lòng ham muốn danh lợi thú làm hoen ố, mới thấy phẩm giá cao đẹp của con người thật cao qúy hơn muôn loài. Có ý thức được sự cao qúy nơi phẩm giá làm người mới biết trân trọng và gìn giữ cho mình và cho anh em. Phẩm giá con người cao qúy hơn mọi danh lợi thú trần gian, thế nên đừng bao giờ vì một chút bổng lộc trần gian, một chút vui sướng mau qua mà đánh mất phẩm giá của mình và làm tổn thương đến phẩm giá của tha nhân.
Qua biến cố Hiển Dung, Chúa Giêsu muốn khích lệ và nâng đỡ cho niềm tin của các môn đệ. Chính ba môn đệ này cũng chứng kiến đau khổ của Đức Giêsu trong vườn cây dầu sau này (x. Mt 26,37). Cả hai trường hợp các ông đều ngủ. Sức nặng của những khổ đau đã đè nặng các ông. Vì thế, biến cố Hiển Dung của Chúa Giêsu cho các môn đệ cảm nếm trước vinh quang thần linh của Người, giúp các ông hiểu rằng để đến vinh quang phục sinh phải qua đau khổ thập giá.
Như thế, cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu giúp chúng ta ý thức về một nguy hiểm: đó là sự chán nản, nhụt chí, thất vọng khi gặp những khó khăn thử thách và đau khổ trong đời sống đức tin. Để vượt qua mối nguy hiểm này và để trung tín đến cùng với Thiên Chúa, chúng ta cần biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để sống xứng đáng là người được Thiên Chúa tuyển chọn.