Tại Sao Dùng Dụ Ngôn
23/07/2020
Thứ Năm Tuần XVI Mùa Thường Niên
Mt 13, 10-17
Tại Sao Dùng Dụ Ngôn
Nếu không phải là người hiểu biết nghệ thuật tranh vẽ, chúng ta sẽ thấy vô vị khi chiêm ngắm những bức tranh nổi tiếng của hoa sĩ tài ba Picasso. Chúng ta sẽ không hiểu hết ý nghĩa thâm thuý mà người nghệ sỹ diễn tả qua nét cọ của mình.
Điều này cũng giúp chúng ta hiểu được phần nào sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì”. Khi nhắc lại những lời trên đây của tiên tri Isaia, Chúa Giêsu không có ý che dấu mọi sứ điệp yêu thương mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ cho chúng ta, nhưng vì chúng ta là những người thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Chúng ta không thể lãnh hội được những tư tưởng của Chúa, vì lòng dạ chúng ta chai đá.
Thiên Chúa chỉ mặc khải những bí mật về Nước Thiên Chúa cho ai có lòng khiêm tốn và tin tưởng cũng như những người có lòng ước ao muốn biết về chân lý của Chúa. Các dụ ngôn của Chúa Giêsu sẽ soi sáng cho chúng ta nếu chúng ta đón nhận với một tâm trí và con tim cởi mở. Nếu chúng ta tiếp cận Lời Chúa với sự thờ ơ, hoài nghi thì chúng ta cũng sẽ “nghe mà không hiểu”, “nhìn mà không thấy.”
Lời Chúa chỉ có thể cắm rễ trong tâm hồn những ai sẵng lòng đón nhận và hết lòng tin tưởng. Nếu chúng ta muốn nghe và hiểu Lời Chúa, chúng ta phải có thái độ tôn kính và lòng tin.
Và rồi trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, ta thấy Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.
Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Ðể hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”.
Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và ai là người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe”.
Tin Mừng hôm nay phần nào giải đáp thắc mắc cho chúng ta khi ghi lại lời Chúa Giêsu: “Phần các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con thật có phúc vì được nghe”. Mối phúc ấy, Chúa dành cho những người đơn sơ, bé mọn như có lần Ngài đã thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã mạc khải mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn”.
Kẻ bé mọn ở đây không phải là người nhỏ bé về thể lý hay nhỏ tuổi mà là người đơn sơ, chân thành, khiêm hạ. Thật vậy, khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói về nước trời thì những người khôn ngoan, thông thái như các luật sĩ và biệt phái không những không hiểu mà còn tìm cách bắt lỗi Chúa; trong khi những người nghèo khó, đơn sơ, chất phác lại đón nhận và tin theo Ngài. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó khi nói với các tông đồ: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con thật có phúc vì được nghe”.
Thực vậy, qua kinh nghiệm cuộc sống, nhất là khi chúng ta có dịp đến phục vụ những người tàn tật, những người mù, những người câm điếc, chúng ta mới nhận ra rằng sự kiện chúng ta thấy được và nghe được, là một ơn huệ; và khi nhận ra đôi mắt và đôi tai của chúng ta là một ơn huệ, chúng ta được mời gọi nhận ra Đấng ban ơn để tạ ơn và ca tụng, và chia sẻ ơn huệ mà chúng ta có cho người khác, nhất là cho những người tàn tật, không có cùng một ơn huệ như chúng ta.
Thật thế, nếu chúng ta nghe ra sứ điệp được truyền đạt “ngày này cho ngày kia” và “đêm này cho đêm kia” kể từ khởi nguyên của thế giới sáng tạo, chúng ta sẽ nghe được sứ điệp Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Và ngược lại, nếu chúng ta đón nhận sứ điệp Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ nghe được sứ điệp của ngày và đêm. Bởi lẽ, cả hai, công trình sáng tạo và Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, có cùng một nội dung, đó là Ngôi Lời Thiên Chúa; và Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,và không có Người,thì chẳng có gì được tạo thành.(Ga 1, 3)