Tản mạn về Thư Chung 1980 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam
Tản mạn về Thư Chung 1980 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam
Kỷ niệm 40 năm Thư Chung 1980, những nghiên cứu về “thần học bối cảnh” phía sau bức thư đã được tiến sĩ Peter Hải bên Úc trình bày rất tường tận. Các nghiên cứu khác thì nhiều người có khả năng hơn để tham gia.
Tòa soạn báo Công giáo và Dân tộc nhờ tôi viết vài cảm nghĩ “tản mạn” về Thư Chung 1980. Ở nơi quê hương của Chúa, vào cái tuổi mà bạn bè cũ đã về hưu, tôi vẫn chưa đạt mức “bảy nghiệp”, nên vẫn bận rộn. Viết gì sâu xa thì không dám, nhưng viết tản mạn thì một ông lão đã chạm mức trần cao của Thánh vịnh: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi” chịu lắm, chỉ sợ người thời nay không có thời giờ đọc chuyện thời xưa thôi !
Lm Giuse Nguyễn Công Đoan gặp ĐGH Phanxicô trong dịp kỷ niệm 50 năm sống trong dòng Tên, năm 2016 |
Ăn cơm mới nói chuyện cũ
Tôi nói ăn cơm mới, vì đã được biết và đã ăn vài bữa cơm của Ðức TGM Leopoldo Girelli, hiện là Sứ Thần Tòa Thánh bên cạnh Nhà nước Israel, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestin, do tính phức tạp của vùng đất này. Trước khi nhận nhiệm sở tại đây, ngài là “Ðại diện không thường trú” của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam từ năm 2011-2017.
Hai năm trước, có một đoàn hành hương từ Sapa tới Giêrusalem, xin thăm ngài. Tôi được gọi giúp dịch thư từ bằng tiếng Việt giữa hai bên, rồi trong buổi gặp gỡ thân mật diễn ra ngay tại nhà chúng tôi – vì lúc ấy Tòa Khâm sứ đang sửa chữa, không đủ chỗ tiếp tám chục người. Ðáp lời chào mừng của đoàn, ngài mở đầu : “Khi tôi rời Việt Nam, tôi chỉ xỏ đôi giày mang theo, còn trái tim tôi để lại ở đó”. Ngài nói rất chân thành và chứng tỏ ngay sau đó : đoàn chỉ xin thăm, đến khi thăm rồi thì xin ngài chủ sự thánh lễ. Ngài hỏi tôi : “Sáng nay tôi dâng lễ rồi thì sao?”. Tôi trình với ngài : “Ðây là ngoại lệ, không có lần thứ hai cho người hành hương và cho ngài đâu!”. Ngài vui vẻ đi mặc áo lễ. Tôi đồng tế bên cạnh. Cảnh “mẹ gà con vịt”. Ngài mở đầu bằng tiếng Việt : “Nhân danh Cha…, Bình an của Chúa ở cùng anh chị em…”. Sau đó thì tôi đọc tiếp bằng tiếng Việt. Ngài giảng bằng tiếng Ý, tôi dịch. Ðến kinh Tiền Tụng và Kinh Nguyện Thánh Thể cũng vậy… Trái tim ngài vẫn còn ở Việt Nam.
Ăn cơm mới nhớ chuyện cũ, tôi nhớ chứ không có gì để nói, vì lúc đó tôi đi ra miền Trung gõ cửa từng Ðức Giám mục để xin ý kiến về tương lai của Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X, Ðà Lạt do Dòng Tên phụ trách, khi về thì nghe kể lại. Nghe tâm tình của Ðức Khâm sứ ở đây, tôi bỗng cúi mặt bùi ngùi, nhớ lại Vị Khâm sứ cuối cùng tại Việt Nam, Ðức cha Henri Lemaitre, rời đi năm 1975, ôm theo một trái tim đầy khắc khoải và chiếc áo dòng bị kéo đứt nút làm kỷ niệm.
Bốn mươi lăm năm qua đi giữa Ðức Khâm sứ cuối cùng và vị Ðại diện không thường trú đầu tiên, đánh dấu hai giai đoạn lịch sử thật trái ngược. Giữa những biến chuyển toàn cầu, đường lối Tin Mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam được phát biểu trong Thư Chung năm 1980 và được toàn thể Hội Thánh kiên trì thực thi, đã chuyển nối giữa hai câu chuyện trong tương quan giữa Hội Thánh và chính quyền, giữa Tòa Thánh Vatican với Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Từ Thư Chung 1951 đến Thư Chung 1980
Chuyện tản mạn về Thư Chung 1980 đưa tôi ngược về năm 1951, lúc tôi lên mười. Tôi còn là cậu giúp lễ ở một xứ đạo xa xôi, chuẩn bị vào Tiểu Chủng viện năm 1952, chưa biết gì ngoài chuyện sợ bom đạn, vì chiến tranh đang lên tới đỉnh cao.
Năm 1954, tôi theo chủng viện di cư vào Nam rồi tiếp tục học hành. Ngày 29.4.1975, giữa tuổi “băm…”, tôi mới bắt đầu làm việc. Sau năm 1954, do hoàn cảnh, các giám mục ở miền Bắc gần như hoàn toàn cắt đứt với bên ngoài, nên vẫn sống với Thư Chung 1951.
Từ Ðức Thánh Cha Piô XI đến Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI
Tư tưởng của loài người tiến triển không ngừng. Thời đại của những khám phá khoa học về mọi lãnh vực từ thế kỷ XVI thúc đẩy sự phát triển tư tưởng ngày càng nhanh. Trong khi đó thì Hội Thánh trước thời Công đồng Vatican II, có thể nói là tự bằng lòng với một khung giáo lý vững vàng, bất di bất dịch, một nền thần học chủ yếu là giải thích các tín điều, một nền triết học chủ yếu kế thừa của Hy Lạp. Triết học này được coi là “nữ tỳ phục vụ thần học”. Những người giảng dạy thần học, triết học chủ yếu là người phương Tây, một số người vốn tự coi là trung tâm của thế giới, coi các dân khác là man-di mọi rợ. Sau thánh Tôma Aquinô thì thần học và triết học được giảng dạy trong Hội Thánh trở thành khung tư tưởng, dường như không có chỗ cho sáng tạo nữa. Kinh Thánh là Lời Chúa, nguồn ánh sáng và sức sống của tín hữu và cả Hội Thánh, đôi khi cũng bị giáng cấp làm một “nữ tỳ phục vụ thần học”. Cuộc cải cách của Luther và nhiều người khác làm cho Sách Thánh trở thành một kho báu phải bảo vệ nhờ hàng rào của tiếng Latinh, thứ ngôn ngữ đã ra khỏi đời sống hằng ngày của người Âu châu.
Nhắc lại những yếu tố này để hiểu sự thay đổi tư tưởng, thái độ của Hội Thánh là kỳ công của Chúa Thánh Thần, để giải phóng Lời Chúa và mở mạch nước ban sự sống của Thiên Chúa cho loài người. Chuyện này đã xảy ra ngay từ thời ban đầu, như sách Công Vụ Tông Ðồ kể cho chúng ta. Chúa Thánh Thần vẫn là Ðấng dẫn dắt Hội Thánh từ bên trong, con người thì luôn có khuynh hướng gây cản trở bằng cách nhốt Thánh Thần lại, hoặc bỏ Thánh Thần để theo “thần lạ”. Nhìn lại những thách đố từ bên trong này, để thấy rõ hơn Công đồng Vatican II quả là một cuộc hiển linh mới của Chúa Thánh Thần, để đưa Hội Thánh vào thiên niên kỷ mới.
Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Hội Thánh bắt đầu chuyển mình với Ðức Lêô XIII, rồi Thánh Giáo Hoàng Piô X. Nhưng thái độ lập hàng rào tự vệ trỗi dậy mạnh mẽ với các trào lưu duy lý và thực nghiệm ứng dụng vào suy tư thần học và giải thích Sách Thánh.
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, vị “Giáo Hoàng chuyển tiếp”
Sau thời lãnh đạo đầy gian truân nhưng sáng chói của vị Giáo Hoàng thông minh tài giỏi Piô XII, các Hồng y họp nhau và thấy cần một vị Giáo Hoàng chuyển tiếp, giải pháp một “Ông Già Chuyển Tiếp” được chọn và Hồng y Roncalli ở tuổi “sắp chạm trần nhà” được bầu lên. Thiên Chúa vẫn giàu óc khôi hài hơn con người, như chúng ta vẫn thấy trong lịch sử mà Sách Thánh kể lại. Thiên Chúa hay dùng những người mà người ta coi thường để làm những việc to lớn. Các ngươi muốn chuyển tiếp hả, Ta sẽ chuyển tiếp theo cách của Ta chứ không phải theo cách của các ngươi.
Ðức Gioan XXIII kể lại rằng ngài chưa bao giờ nghĩ tới triệu tập một Công Ðồng chung, nhưng cứ nghe một tiếng nói bên trong thôi thúc và ngài quyết định theo tiếng nói bên trong ấy, mọi người chung quanh kinh hồn bạt vía khi nghe ngài công bố, vì nghĩ tới công việc chuẩn bị và thời hạn ngài đã đưa ra (năm ấy tôi lên tuổi hai mươi, bắt đầu học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Ðà Lạt). Lần này quả là Hội Thánh toàn cầu, mọi màu da tiếng nói, hai ngàn giám mục từ 141 nước có mặt. Các Hội Thánh Kitô giáo không hợp nhất với Rôma cũng được mời tham dự trong tư cách quan sát viên.
Các Công Ðồng, từ Giêrusalem đến Vatican I đều lo đối phó với những vấn đề nhất định. Công đồng Vatican II đã dứt khoát chọn hướng đi mới : trở về nguồn để canh tân. Ðối nội thì trình bày giáo lý cách tích cực và đối ngoại thì cởi mở, đối thoại, hợp tác. Hai hiến chế mở ra cái nhìn mới về bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, truyền sức sống và năng động mới cho Hội Thánh toàn cầu. Các sắc lệnh và tuyên ngôn khác đặt Hội Thánh của Chúa ở giữa lòng thế giới như một cộng đoàn huynh đệ khiêm tốn, để phục vụ và mở rộng tình huynh đệ mà Chúa Giêsu đem tới cho cả loài người.
Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, vị Giáo Hoàng chắp cánh bay tới chân trời góc biển
Khóa họp thứ nhất kết thúc, trong khi chuẩn bị khóa II thì “Giáo Hoàng chuyển tiếp” đã hoàn thành sứ mạng đưa Hội Thánh rời bệ phóng để bay tới chân trời mới bằng năng lượng của Thánh Thần. Chúa cho ngài được nghỉ ngơi. Ðức Phaolô VI tuyên bố tiếp tục Công Ðồng như đã dự trù và đã bắt đầu. Công Ðồng hoàn tất việc thảo luận các vấn đề theo kế hoạch và bế mạc.
Từ khi thánh Phêrô di chuyển tới Antiôkhia rồi tới Rôma và bị đóng đinh ở đó, như Chúa Giêsu đã báo trước cho ông biết ông phải chết cách nào (x. Ga 21,19), Ðức Phaolô VI là người kế vị thánh Phêrô đầu tiên hành hương trở về Thánh Ðịa. Và trên núi Ôliu là nơi Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong đêm cuối cùng, rồi sau khi Phục Sinh đã lên trời trước mặt các môn đệ, Ðức Phaolô VI đã ôm hôn Thượng phụ Giáo chủ Chính Thống giáo Hy Lạp Athenagoras, như một cử chỉ hòa giải sau khi hai bên (Latinh và Hy Lạp) đã “tuyệt thông” với nhau từ năm 1054. Ðức Phaolô VI cũng là vị giáo hoàng đầu tiên bay tới trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York để phát biểu trước Ðại Hội Ðồng, và là vị giáo hoàng đầu tiên bay tới chân trời phía Ðông để gặp gỡ Hội Thánh vùng châu Á Thái Bình Dương. Về phương diện ngoại giao, ngài cũng mở về phía các nước Ðông Âu.
Từ Giám mục Giám quản Tông tòa đến Giám mục Chánh tòa tại Việt Nam
Tin Mừng đã đến Việt Nam lần đầu từ năm 1533, nhưng chỉ như một tia sáng lóe lên, không để lại dấu vết gì. Năm 1615, các cha Dòng Tên mới bắt đầu gầy dựng được các cộng đoàn tín hữu đông đúc lâu bền. Nhưng phải chờ nửa thế kỷ sau mới có Giám mục Giám quản Tông tòa, Ðức cha Pierre Lambert de la Motte tới. Hội Thánh lớn lên giữa những cơn bách hại kế tiếp nhau. Phải ba trăm năm sau mới có người Việt Nam đầu tiên làm Giám mục Giám quản Tông tòa. Rồi năm 1960, Ðức Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm, đưa Hội Thánh tại Việt Nam từ chế độ “Giám mục Giám quản Tông tòa” sang chế độ “Giám mục Chánh tòa”, nghĩa là nhìn nhận Hội Thánh tại Việt Nam đã trưởng thành ngang tầm với các Hội Thánh kỳ cựu.
Bối cảnh gần của Thư Chung 1980
Bởi vì được nhờ viết “tản mạn” nên lão tám chục đã tản sang bối cảnh xa, từ năm lên mười của đời mình, khi Thư Chung 1951 ra đời. Bây giờ lại tản về bối cảnh gần, từ khi đất nước tạm chia đôi năm 1954. Hai bên bờ sông Bến Hải là hai thể chế chính trị, hai nếp sống khác nhau. Hội Thánh hai bên cũng không thể đi chung một nhịp. Các giám mục ở phía Nam đã tham dự Công Ðồng, từ bước chuẩn bị đến ngày bế mạc, và áp dụng ngay. Hội Thánh ở miền Bắc thì cắt đứt với bên ngoài, sang thập niên 70 mới bắt đầu có chút liên lạc. Tôi nhớ không lầm thì năm 1974, các linh mục, tu sĩ Việt Nam chúng tôi đang học hay làm việc ở Rôma, đã được tiếp đón Ðức cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn tại Rôma.
Tìm lại nhịp bước chung giữa Hội Thánh ở hai miền
Cuối năm 1976, toàn cõi Việt Nam trở thành một Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, sự giao thông từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc ngày càng dễ dàng, thì Hội Thánh ở miền Bắc cũng nhận được đầy đủ các văn kiện của Công Ðồng với bản dịch tiếng Việt, và hai bên bắt đầu tìm lại nhịp bước chung. Miền Bắc cần thời gian để chuyển từ thông điệp chống cộng 1936 và Thư Chung 1951 sang đường lối của Công đồng Vatican II.
Trước ngày 30.4.1975, ÐTC Phaolô VI, đã ủy quyền cho các Giám mục Việt Nam, nếu không liên lạc được với Tòa Thánh thì có thể phong chức giám mục, rồi khi nào có thể thì báo lại. Nhưng Việt Nam là Việt Nam. Năm 1977, Ðức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình vẫn có thể đi Rôma dự cuộc họp Thượng Hội đồng Giám mục về việc giảng dạy giáo lý, và đã gây tiếng vang lớn với bài phát biểu nêu vấn đề : Làm thế nào dạy giáo lý cho thế hệ trẻ lớn lên trong nền giáo dục của một nước theo chủ nghĩa Mác-xít ? Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam đã họp được hai lần năm 1976 và 1978, tìm cách ứng dụng đường lối cởi mở, đối thoại, hợp tác và phục vụ của Công Ðồng và của Hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI.
Năm 1980 đã đi vào lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam như cột mốc của một khúc quanh quan trọng. Lần đầu tiên Hội đồng Giám mục toàn quốc Việt Nam họp. Cuộc họp diễn ra tại Thủ đô Hà Nội suốt một tuần lễ, và bế mạc ngày 1 tháng 5. Lúc đó cả nước có 40 vị giám mục thì 33 vị đã về họp. Dư luận chờ xem các giám mục sẽ nói gì, vạch ra đường hướng nào cho Hội Thánh bước đi trong một nước Xã Hội Chủ Nghĩa.
Các giám mục phía Nam đã hai lần họp bàn về hướng đi của Hội Thánh dưới chế độ mới, nên thấy rõ ràng Công đồng Vatican II đã đưa Hội Thánh sang trang, mở đầu một trang sử mới mà không cần nhắc chuyện cũ của thời đã qua. Trước khi họp nhau lần đầu, các giám mục hai miền đã có nhiều dịp trao đổi với nhau, hiểu biết nhau, hiệp nhất với nhau trong tinh thần của Công Ðồng, nên khi họp nhau lại thì dễ dàng đưa ra đường lối chung. Chẳng ai có thể vặn đồng hồ lịch sử lại. Mỗi thế hệ phải viết trang sử của mình nhờ đào sâu và sống thực với căn tính của mình. Lịch sử dân tộc và đất nước đã sang trang, Hội Thánh phải cùng đi trong trang sử mới. Hội Thánh tại Việt Nam lúc ấy, giám mục, giáo sĩ giáo dân toàn là Con Rồng Cháu Tiên. Vậy thì cần xác định rõ căn tính của Hội Thánh và cách thức đồng hành với dân tộc.
Phúc Âm làm cho Kitô hữu là Kitô hữu và Hội Thánh là Hội Thánh của Chúa Kitô. Hội Thánh kết hợp mọi tín hữu của Chúa Kitô trên toàn thế giới, có chung một Thiên Chúa là Cha, một Ðức Giêsu Kitô là Chúa, một Thánh Thần liên kết mọi người bằng một đức tin, một phép Rửa, để nên một Thân Thể của Ðức Kitô. Một Hội Thánh duy nhất dưới quyền Ðấng kế vị thánh Phêrô và các giám mục, tương tự như các thế hệ ban đầu với thánh Phêrô và các tông đồ : “Hội Thánh duy nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền” như chúng ta vẫn tuyên xưng.
Trong Hội Thánh duy nhất này, mỗi người vẫn giữ nguyên màu da tiếng nói, văn hóa của mình; vẫn sống giữa lòng dân tộc, chung vận mệnh với dân tộc của mình, cùng bảo vệ và thăng tiến giống nòi, xây dựng và bảo vệ quê hương, tổ quốc của mình; yêu đồng bào, yêu quê hương, yêu đất nước của mình, nhưng không kỳ thị loại trừ các dân tộc khác, vì tất cả mọi người và mọi dân tộc đều là con cái Thiên Chúa và được Ðức Kitô cứu chuộc.
Bức thư đã đề ra những giáo huấn rõ ràng dứt khoát, nói lên bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, trách nhiệm của mọi người tín hữu của Chúa Kitô, đối với Hội Thánh cũng như đối với đồng bào, dân tộc, quê hương, đất nước. Cả một trăm đứa con của Mẹ Âu Cơ phải được tôn trọng như nhau, được đón nhận Phúc Âm và sống theo bản sắc của mình, trong một Hội Thánh trên giải đất hình chữ “ S “ven bờ Thái Bình Dương này.
Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc vì hạnh phúc của đồng bào
Cũng như Chúa Kitô là Con Thiên Chúa đã vì loài người chúng ta mà xuống thế làm người, thì Hội Thánh của Chúa Kitô cũng vì loài người. Không phải loài người chung chung, trên mây hay trong mơ, mà cụ thể :
Chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa (s.9).
Hai ngàn năm trước ở Giêrusalem, Thánh Thần đã nổi gió mạnh (Cv 2,2) đưa các môn đệ lên đường loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ở ngưỡng cửa của thời đại toàn cầu hóa, gió mạnh này lại nổi lên trong Công Ðồng Vatican II để đưa Hội Thánh đi vào kỷ nguyên mới. Năm 1980 tại thủ đô Hà Nội, gió mạnh của Chúa Thánh Thần lại cuốn các giám mục và toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam vào hướng đi mới giữa lòng dân tộc.
Sự chân thành của Hội Thánh tại Việt Nam được kiểm chứng bằng hành động. Những biến chuyển trên thế giới và sự kiên trì của Hội Thánh tại Việt Nam trong đường lối của Chúa Thánh Thần đã đưa lại kết quả như chúng ta đang sống hôm nay.
Thay lời kết
Từ mười hai năm nay, được sống và phục vụ Hội Thánh tại Thành Thánh Giêrusalem, nơi Chúa đã chết, sống lại, sai các môn đệ đi tới tận cùng thế giới rồi lên trời, tôi có dịp gặp gỡ những người từ bốn phương trời, mười phương đất đến hành hương, nghiên cứu, học hỏi. Biết nguồn gốc của tôi, họ thường hỏi hai câu: Việt Nam còn là nước cộng sản không ? Tình trạng Hội Thánh ở Việt Nam thế nào ? Trả lời câu thứ nhất : Nước tôi vẫn là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam do Ðảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Trả lời câu thứ hai : Tôi chỉ về phía tòa Khâm sứ: Ðức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, trước khi nhận nhiệm vụ Khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestin, đã là người đầu tiên làm Ðại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần sẽ có Sứ thần Tòa Thánh đấy ! Chúng tôi mới có thêm một giáo phận và đang chờ có thêm vài giáo phận nữa.
Ai cũng trố mắt ngạc nhiên “chưa thấy thế bao giờ”. Tôi giải thích : “Ở đâu có mà thấy ? Chỉ có ở Việt Nam tôi mới có thôi !”.
Vâng, Việt Nam vẫn là Việt Nam, có những nét rất riêng !
Chúng tôi là Con Rồng Cháu Tiên, biến hóa khôn lường, không rập khuôn của ai hết.
Nhưng chúng tôi tin rằng được như thế là vì Chúa Giêsu vinh quang ở với chúng tôi, và Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng tôi như lời Chúa Giêsu đã hứa; mà chúng tôi cũng để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, như cha ông chúng tôi vẫn sống từ khi đón nhận Tin Mừng, suốt bốn trăm năm qua.
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô muôn đời. Amen. Ha-lê-lui-a!
Lm GIUSE NGUYỄN CÔNG ÐOAN – Dòng Tên