Thiệt thòi của người môn đệ
13.7 Thứ Hai
Mt 10, 34-11,1
THIỆT THÒI CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. “Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng”. Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.
Trang Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều kiện để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu thật gắt gao và quyết liệt; vì để có thể trung thành sống theo ý Chúa người ta phải hy sinh, phải vác thập giá và phải hy hiến thậm chí cả mạng sống mình. Tại sao đòi hỏi của Chúa lại có vẻ khắc nghiệt như thế, Ngài không có sự nhân nhượng nào sao? Thưa vì tình yêu Chúa dành cho con người thật cao sâu nhiệm lạ. Người yêu thương con người và muốn cho họ được hạnh phúc thật, và hạnh phúc đó chỉ có được khi con người sống theo đường lối và thánh ý của Người.
(34) “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. (35) Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. (36) Kẻ thù của mình chính là người nhà. (37) “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.
Thoạt nghe qua những lời trên, chúng ta cảm thấy thật lạ lùng. Đức Giê-su chẳng phải là vua bình an sao? Chẳng phải Người chúc phúc cho những kẻ xây dựng hòa bình và Người không muốn chiến tranh, thù hận, gây hấn? Vâng đúng vậy, Người là vua bình an và Người muốn con Người luôn sống trong bình an. Do đó, chúng ta phải hiểu nội dung ý nghĩa thực sự của bản văn Lời Chúa:
Tình cảm giữa cha mẹ, con cái và giữa những người thân là một tình cảm thiêng liêng cao quí, chắc chắn Chúa không bao giờ cấm đoán, nhưng thậm chí Ngài còn muốn chúng ta phải tôn trọng, bảo vệ và vun đắp; bởi vì Chúa muốn chúng ta yêu thương tất cả mọi người kể cả kẻ thù huống hồ là những người thân yêu, thương mến của ta. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta phải có những lựa chọn thật quyết liệt giữa việc thực thi ý muốn của Chúa và việc làm đẹp lòng những người thân yêu nhất của chúng ta. Nếu tình cảm ấy khiến chúng ta không thể thi hành thánh ý Thiên Chúa, hay đối nghịch với ý Chúa thì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải dứt khoát, phải hy sinh những tình cảm ấy để sống theo thánh ý của Người cho dù điều đó có thể gây mâu thuẫn, chống đối trong tương quan với tha nhân, ví dụ: chồng hay cha mẹ bắt người phụ nữ phá thai vì mang thai ngoài ý muốn….
Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê, người tôi tớ tốt lành của Thiên Chúa có nói: dù chỉ là một sợi chỉ nhỏ ràng buộc nơi chân con chim sẻ cũng khiến nó không thể bay được vào khung trời tự do. Vì vậy ta không thể tự do để tiến lên tới Chúa nếu tâm hồn ta còn bị những ràng buộc trì trệ; hay con thuyền đời ta còn bị những dây thừng dây cáp của những tình cảm, những đam mê trói buộc thì làm sao nó có thể tự do để lướt trôi trên biển cả mênh mông đầy những bão dông thử thách của cuộc đời để cập đến bến bờ quê hương vĩnh cửu bình an.
Từ bỏ những gì là ngoài thân mà ta quyến luyến gắn bó đã là khó, từ bỏ chính mình còn ngàn lần khó hơn gấp bội. Theo Chúa phải vác thập giá, tức là chấp nhận những khó khăn, gian khổ và hy sinh. Đời người có muôn ngàn những thập giá lớn nhỏ mà ta phải vác lấy. Tuy nhiên, thập giá sẽ vơi nhẹ nếu ta đón nhận cách tự nguyện và bước theo Đức Ki-tô trong niềm tin yêu và tín thác. Chỉ có tình yêu mới khiến cho người ta dám hy sinh, tự nguyện hy sinh. Yêu mến và hiệp thông với Thiên Chúa, con người sẽ có tình yêu Thiên Chúa chảy tràn trong mình – tình yêu khiến con người tự do chấp nhận và sẵn sàng cho đi tất cả, kể cả mạng sống mình – tình yêu làm sống động và nảy sinh nhiều hoa trái yêu thương trong cuộc sống.
Cuối cùng Chúa hứa ban thưởng xứng đáng cho tình yêu và lòng quảng đại của chúng ta dành cho tất cả mọi con người dù là người bé nhỏ nhất (c. 40- 42). Thường Đức Giê-su không dạy hay đòi hỏi chúng ta phải đọc bao nhiêu kinh, dâng bao nhiêu thánh lễ, làm được bao nhiêu việc thiện, thực hiện được bao nhiêu công trình… để được thưởng công, tuy đó là những công việc tốt đẹp mà bổn phận chúng ta phải làm để thờ phượng Chúa và làm ích cho tha nhân và cuộc sống; nhưng Ngài lại đòi hỏi và ban thưởng khi chúng ta thực thi những điều tốt đẹp cho tha nhân xuất phát từ tấm lòng yêu thương mến thương – Người coi đó như là việc làm cho chính Người và có giá trị hơn tất cả (Mt 25, 31-46)
Chính khi từ bỏ không còn gì để bám víu, không còn gì để lo giữ hoặc sợ mất ; Chính khi dấn thân đến quên mình và vác Thánh Giá đi theo Chúa. Người môn đệ trở nên giống Chúa hoàn toàn. Khi ấy người môn đệ sẽ được phần phúc vinh quang với Chúa. Vì như Chúa đã nói : Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.