Vài suy tư về môi sinh dưới cái nhìn của Học thuyết Xã hội Công giáo
Dẫn nhập
Theo cái nhìn truyền thống về Học Thuyết Xă Hội của Giáo Hội, khi nói về việc hưởng dùng những tài nguyên của trái đất, người ta chú ý nhiều đến những tài nguyên, những của cải, những sản phẩm do con người làm ra qua sức lao động. Trọn cả dòng suy tư trong học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo dường như bị cuốn hút bởi “hai cực”: “Tư Bản và Lao Ðộng”, “Con Người và Tiền Vốn”.
Giờ đây, trong giai đoạn mới, xuất hiện một “phân cực mới”, với tên gọi mới là “môi sinh”, là “thiên nhiên”. Từ đây, suy tư của Học thuyết xã hội của Giáo hội không còn được trình bày theo hai phân cực “Tư Bản và Lao Ðộng”, nhưng theo ba phân cực “Tư Bản, Lao Ðộng và Môi Sinh”[1].
Trong phạm vi bài này, người viết xin trình bày vai trò của môi sinh đối với đời sống con người dưới cái nhìn của Giáo hội.
* Sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên có ngay từ những ngày đầu sáng tạo
Sáng thế, quyển sách đầu tiên của Kinh thánh Kitô giáo, đã diễn tả mối tương quan hài hòa giữa con người với thiên nhiên qua những hình ảnh biểu trưng sống động: thiên nhiên là công trình tạo dựng của Thiên Chúa và là ân huệ Người ban cho con người. Chính Người đã tạo dựng vạn vật từ hư vô và khi nhìn nhận từng tạo vật “Người đều thấy nó tốt đẹp” (x. St 1,4). Do đó, thiên nhiên không phải là sức mạnh thù nghịch ghê gớm, mà còn là “cách thế biểu lộ chương trình yêu thương và sự thật”[2] của Thiên Chúa đối với loài người.
Giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn đề cao vai trò trung tâm của con người trong vũ trụ và phủ nhận cái “hào quang thần thánh” mà một số tôn giáo đã phủ lên vũ trụ vạn vật. Theo Kinh thánh, ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm quản trị toàn thể vạn vật để giúp chúng sinh sôi nảy nở và phát triển hài hòa (x. St 1,26-30). Nhờ ủy thác này, nhân loại mạnh dạn khám phá và chế ngự thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi để khoa học hình thành và phát triển. Qua khoa học kỹ thuật, con người ngày càng mở rộng chủ quyền của mình trên toàn thể vũ trụ.
Theo Vaticanô II, nhờ lý trí và khoa học kỹ thuật, con người đã đạt được những kết quả phi thường trong việc khám phá cũng như chế ngự thế giới vật chất. Giáo huấn xã hội Công giáo đánh giá cao những đóng góp của khoa học kỹ thuật trong các lãnh vực của cuộc sống nông nghiệp, công nghiệp, y tế, thông tin, giáo dục…
* Khủng hoảng môi sinh
Tuy nhiên do quá nhấn mạnh về việc con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên hai vai trò ngôi vị và xã hội luôn được đề cao, trong khi đó, vai trò môi trường của con người bị xem nhẹ thậm chí bị lãng quên. Con người đã lạm dụng trách nhiệm làm chủ thiên nhiên của mình.
Vì thế trong mấy thế kỷ vừa qua, đặc biệt kể từ cuộc cách mạng công nghiệp từ thế kỷ XVII, con người không những không tôn trọng những quy tắc nền tảng nói trên, mà trái lại đã khai thác thiên nhiên một cách tùy tiện, ích kỷ và tàn bạo. Kết quả bi thảm là đã phá vỡ mối tương quan hài hòa giữa con người với môi trường và đẩy Trái Đất đến bờ vực thẳm của diệt vong. Càng cố gắng chinh phục và chế ngự Trái Đất theo quan điểm duy kỹ thuật, con người càng ô nhiễm hóa vũ trụ và tạo nên những gánh quá nặng cho môi trường. Thay vì cộng tác với Tạo Hóa để giúp thiên nhiên phát triển hài hòa, con người đã “hành hạ” và “bức tử” thiên nhiên[3].
* Giáo hội lên tiếng kêu gọi bảo vệ Thiên nhiên Môi trường
Hiện trạng xuống cấp trầm trọng môi trường toàn cầu gần đây khiến Giáo hội không thể im lặng. Giáo hoàng Phaolô VI năm 1967, trong thông điệp “Bát Thập Niên”, đã đề cập rõ vấn đề môi trường: “Đột nhiên con người hôm nay nhận thức rằng, do khai thác thiên nhiên một cách vô ý thức, mình bị đặt trước nguy cơ phá huỷ thiên nhiên và trở thành nạn nhân của chính hành động phá hoại có tác động dội lại trên con người”. Ngài xác nhận: vấn đề môi trường liên quan tới toàn thể nhân loại. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy kề vai sát cánh cùng nhau gánh vác trách nhiệm về định mệnh chung bảo vệ thiên nhiên của cả thế giới[4].
Theo thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cuộc khủng hoảng môi trường là hậu quả của chủ nghĩa tiêu thụ và khai thác thiên nhiên một cách vô tội vạ, phát xuất từ triết lý lệch lạc về vai trò con người, theo đó con người tự coi mình là chúa tể, là ông chủ tuyệt đối của thế giới, mà quên rằng Thiên Chúa đặt con người ở giữa vườn Êđen không phải là để làm bá chủ mà là để quản lý. Do đó, “lạm dụng thiên nhiên là ăn cắp của công”[5]. Như vậy tuy con người được phép sử dụng tạo vật, nhưng không có nghĩa là con người muốn sử dụng nó như thế nào tuỳ thích, mà phải có bổn phận giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên để người khác cũng được hưởng.
Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn cho rằng bổn phận người Kitô hữu còn là tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường. Đầu tư vào sản xuất, cần quan tâm đến tác động môi trường. Dù không phải là nhà sản xuất, mỗi người đều phải biết bảo vệ và gìn giữ môi trường sống của mình và của mọi người, bằng những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày, như không xả rác nơi công cộng, không làm mất vệ sinh trong khu xóm…Thánh Kinh kể lại rằng khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm chăm sóc, trông coi công trình tạo dựng của Ngài (x. St 1,28). Vì thế, đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng[6].
* Cái nhìn và định hướng của bản thân
– Cái nhìn
Nhìn vào thực trang hiện nay của môi trường mình đang sinh sống quả thực có những vấn đề cần phải quan tâm và lên tiếng. Trước tiên, ý thưc tạo môi trường thiên nhiên lành mạnh chưa được người dân chú ý. Nhiều người còn có cái nhìn thiển cận chỉ biết nhắm đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài của hành động thiếu tôn trọng và hủy hoại môi trường của mình. Đơn cử như việc chặt phá rừng, những người dân vào rừng chặt trộm cây, họ không biết được rằng chặt phá rừng như thế sẽ dẫn đến hậu quả lớn là thiên tai, bão lụt. Việc xả rác tại các sông ngòi cũng đáng báo động, người dân mới chỉ biết vất rác ra khỏi nhà mình còn lại các chất bẩn độc hại ngấm vào nguồn nước, rồi mình lại dùng lại nước đó sẽ gây bệnh tật thì ít người nghĩ tớ. Do đó mới có hiện tượng ở một số sông ngòi, kênh mương tràn rác thải, nước ô nhiễm bốc mùi nghiêm trọng, những đường ống cống sình lầy…Gần đây nhất là dịch lợn tai xanh, người dân chống dịch bệnh bằng cách mang lợn chết thả trôi lềnh bềnh trên song. Vấn đề phân loại rác trong cộng đoàn và gia đình cũng thế, rác phân hủy được và rác không phân hủy bỏ chung lẫn lộn…
– Định hướng
Là một tu sĩ, bản thân hiểu rõ sứ mệnh “bảo vệ và truyền bá việc bảo vệ môi trường” của mình hơn ai hết, bởi vì “thế giới xuất hiện trước mắt con người như một bằng chứng về Thiên Chúa, là nơi Ngài bày tỏ quyền năng sáng tạo, quan phòng và cứu độ của Ngài”[7]. Tu sĩ đi theo Chúa là mong ước được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chính vì thế càng phải có trách nhệm góp phần bảo vệ công trình Ngài đã sáng tạo, hầu có thể đưa thiên nhiên về đúng ý định ban đầu Thiên Chúa tạo dựng.
Vì thế, trong đời sống của mình, trước tiên với cá nhân người tu sĩ phải biết tôn trọng và phát triển thiên nhiên bằng cách yêu mến, chăm sóc và trồng cây xanh nơi mình sinh sống. Tập nếp sống ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, tôn trọng và chia sẻ tài nguyên cho mọi người vì thiên nhiên là tài sản chung Thiên Chúa ban cho con người.
Tiếp đến, trong đời sống cộng đoàn, tu sĩ phải biết góp phần mình vào việc sử dụng thiên nhiên một cách hợp lý, việc phân loại và xử lý rác thác phải được thực hiện cách cẩn thận, đi sát giáo huấn của Giáo hội và hưởng ứng cụ thể lời kêu gọi của Giáo hội trong việc bảo vệ môi trường, giúp chị em học hiểu và áp dụng cách thực tế thông điệp Laudato Si’ về môi trường của Đức Giáo Hoàng Phanxico… Trong đời sống tông đồ, người tu sĩ phải làm gương sáng trong việc bảo vệ thiên nhiên. Trong việc coi sóc thiếu nhi hãy dạy cho các em yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, tổ chức những buổi trồng cây, làm cỏ, tưới nước trong khuôn viên nhà thờ, dạy các em không xả rác bừa bãi, có những thùng rác công cộng ở các nơi trong khu vực giáo xứ. Có những chương trình tổ chức đi đua về việc bảo vệ môi trường. Cổ vũ việc làm sạch môi trường sống bằng những hình thức phù hợp để giúp các em ý thức trách nhiệm và lợi ích của mình khi tôn trọng môi trường, đồng thời chỉ cho các em biết tác hại của việc tàn phá thiên nhiên chính là phá hại cuộc sống của mình.
Kết luận
Trên đây là một vài suy nghĩ về vấn đề môi sinh dưới cái nhìn của Học thuyết xã hội Công giáo, được người viết tổng hợp và trình bày. Thiết nghĩ vấn đề môi sinh hiện nay là vấn đề hết sức khẩn thiết mà ai trong chúng ta cũng nhận ra. Cái đáng nói ở đây là nguyên nhân của sự khủng hoảng môi trường hiện tại không nằm ở “môi trường” mà nằm ở vấn đề “đạo đức” của chính chúng ta, những con người được Thiên trao quyền cai quản thiên nhiên mà Ngài đã sáng tạo. Vì lợi ích cá nhân, một số người đã khai thác thiên nhiên một cách “tàn bạo”, khai thác không phải để phát triển mà là “tiêu diệt”. Môi trường là cái nôi cho con người sinh sống, trái đất như ngôi nhà chung của chúng ta, một khi “tiêu diệt” nó là đang tiêu diệt chính chúng ta. Những khủng hoảng của biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường…chính là tiếng kêu cứu của thiên nhiên đang gào thét và ước mong làm thức tỉnh con người trước lối sử dụng khai thác quá mức.
Hy vọng mỗi chúng ta đáp lại tiếng kêu cứu ấy bằng cách góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ và phát triển môi sinh theo đường hướng của Giáo hội.
[1] Dựa theo suy tư của Giáo sư Giorgio Campanini, chuyên viên về chính trị học theo tinh thần kitô giáo. Tập sách có tựa đề như sau: Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội: những thành quả đạt được và những thách thức mới, xuất bản năm 2007, Roma, nhà xuất bản EDB.
[2] Biển Đức XVI, Thông điệp Tình yêu trong sự thật, số 48.
[3] Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo, NXB Phương Đông, tr. 460.
[4] Thiên Kim, Giáo hội và Môi trường sinh thái. http://www.giaoducconggiao.net.
[5] GLHTCG số 2415.
[6] Phạm Minh Mẫn, Lá thư Mục tử, 2009. http://lambich.net.
[7] Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình, Toát yếu Học thuyết xã hội Công giáo, tập II, Tủ sách chuyên đề, Lưu hành nội bộ, tr. 238.
Hoa cát