Chẳng Nóng Giận
Chẳng Nóng Giận
Giận là có một cảm xúc mạnh không tốt đẹp, đối với một người hay về một việc nào đó. Có những cái giận chính đáng, ví dụ như khi chúng ta thấy người lành bị ức hiếp, khi con cái bị hư hỏng vì cãi lời cha mẹ, khi sự an toàn của gia đình chúng ta bị người khác tước đoạt hay mạng sống người thân bị đe dọa. Những lúc đó chúng ta giận và muốn hành động để can thiệp, cứu vớt, hoặc sửa lại những chỗ sai trật. Đó là những cái giận chính đáng.
Tuy nhiên, khi phân tích sự giận dữ thông thường của con người, các nhà tâm lý học cho biết, chúng ta nổi giận khi người chung quanh làm những điều trái ý chúng ta hoặc điều chúng ta trông mong không xảy ra như chúng ta mong muốn. Ví dụ như ông chồng đi làm về vừa mệt vừa đói, nghĩ rằng ở nhà vợ đã chuẩn bị cơm nước sẵn sàng nhưng về nhà thấy vợ đi shopping chưa về hoặc đang nói điện thoại với bạn mà cơm chưa có, ông chồng sẽ nổi giận vì điều mình trông mong không có. Một ví dụ khác, người vợ đi bác sĩ nhờ chồng đón về nhưng đứng mãi ở điểm hẹn không thấy chồng đến vì chồng mải nói chuyện với bạn quên đi đón vợ. Điều người vợ trông mong đã không xảy ra nên người vợ nổi giận. Nóng giận là một cảm xúc tràn đến với chúng ta thường xuyên mỗi ngày, có người nóng giận luôn luôn, bất cứ chuyện gì cũng có thể nổi giận được.
Người ta cho biết, người nào xem cái tôi của mình càng lớn thì càng hay nóng giận, người nào biết mình có nhiều uy quyền cũng hay nóng giận. Điều này rất đúng, chúng ta thường thấy người trên nổi giận với người dưới, người lớn tuổi nổi giận với người nhỏ tuổi. Trong gia đình cũng vậy, người nào có nhiều uy quyền thì nóng giận nhiều. Các ông chồng hay nổi giận với vợ, cha mẹ nổi giận với con cái. Ngược lại, nếu trong gia đình người chồng hiền lành, người vợ lấn lướt chồng thì trong gia đình đó bà vợ là người hay nổi giận với chồng. Khi cha mẹ quá dễ dãi với con, chiều con quá đáng, khi không được điều theo ý muốn, con cái sẽ nổi giận với cha mẹ.
Nóng giận hay giận dữ là một cảm xúc không tốt đẹp. Lời Thánh Kinh dạy rằng người có tình yêu thật không nóng giận. Thánh Phao-lô viết: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ganh tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận” (I Cô-rinh-tô 13:4-5). Khi chúng ta đối xử với người chung quanh bằng lòng nhân từ, nhịn nhục, không kiêu ngạo, không vì lợi ích riêng thì dĩ nhiên chúng ta sẽ không hay giận. Người có tình yêu thật không nổi giận cách dễ dàng, không đụng đâu giận đó, ai làm gì, nói gì cũng giận, vì người đó có tấm lòng nhân từ, khoan dung, biết nghĩ đến người mình yêu thương.
Tính nóng giận rất nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình, vì người hay nóng giận là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến điều lợi cho mình chứ không biết nghĩ đến người khác, cũng không thông cảm với người khác. Hơn nữa, khi nóng giận chúng ta dễ có những lời nói hay hành động gây tổn thương cho người chung quanh mà khi nguôi giận chúng ta khó có thể lấy lại hay sửa lại những tổn thương đó.
Để gia đình có một không khí đầm ấm, yêu thương, chúng ta cần làm theo lời Chúa dạy như sau. Thánh Phao-lô khuyên: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc cùng mọi điều hung ác” (Ê-phê-sô 4:31). “Lúc trước anh em sống trong những nết xấu đó và ăn ở như vậy, nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác” (Cô-lô-se 3:7,8). Trong Kinh Thánh hai chữ thường đi đôi là buồn giận và hung ác, hay nóng giận và hung ác. Chúa biết khi giận chúng ta thường có những lời nói hay hành động tàn ác để cho hả cơn giận của mình. Vì thế Lời Chúa dạy chúng ta phải loại bỏ khỏi đời sống những điều buồn giận và hung ác.
Có những ông chồng vì tính hay nóng giận vô lý mà không khí trong gia đình lúc nào cũng nặng nề, khó thở. Cũng có những bà vợ vì hay nổi giận mà chồng con lúc nào cũng e dè sợ sệt, không dám bày tỏ phản ứng cũng không dám nói lên ý kiến của mình. Điều đáng thương cho những gia đình đó là người hay nóng giận không nhìn nhận hay không nhìn thấy khuyết điểm của mình để mà sửa đổi, trái lại có người còn hãnh diện về tính nóng giận của mình. Chúng ta thường nghe những người đó nói: Tính tôi như vậy đó, không đổi được, khôn hồn thì đừng có đụng đến tôi, hoặc: Đã biết tôi hay nóng tính thì đừng có làm gì cho tôi giận. Những người nói như thế là thiếu nhân từ, ích kỷ, không biết nghĩ đến người khác, cũng không có tình yêu thật đối với người thân.
Như vậy nếu vợ chồng muốn bớt đi những lúc giận dữ, cãi vã nhau chúng ta phải làm sao? Thưa quý vị, như chúng tôi đã chia xẻ từ đầu loạt bài này, chúng ta không thể dùng sức riêng hay khôn ngoan riêng của mình để sống với nhau trong yêu thương tốt đẹp như Lời Chúa dạy, nhưng chúng ta phải nhờ vào sức của Chúa. Chúng ta cần đến với Chúa, tin nhận Ngài và dâng cuộc đời chúng ta cho Chúa làm Chủ. Khi có Chúa Cứu Thế Giê-xu ngự trị trong tâm hồn chúng ta và tình yêu của Chúa chan hòa trong cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ có đủ sức để sống với người chung quanh trong ngọt ngào, yêu thương như Lời Chúa dạy.
Khi giận, chúng ta thường có những phản ứng khác nhau, có người thì bày tỏ rõ ràng, nổi giận đùng đùng lên, có những lời nói không đẹp, những hành động gây tổn thương cho người chung quanh, khiến vợ con hay chồng con phải đi tránh nơi khác hoặc nơm nớp lo sợ không biết sẽ có điều gì xảy ra. Có người mỗi khi có chuyện buồn giận ai thì không nổi giận nhưng cố nén giận. Biết là mình đang giận nhưng cố giữ cảm xúc đó trong lòng, không để lộ ra ngoài. Nếu chúng ta nén giận để chờ một cơ hội thuận tiện hơn mới nói ra cái giận của mình thì là điều tốt, đó là người khôn ngoan, làm đúng theo Lời Chúa dạy là: Mau nghe, chậm nói chậm giận. Nếu mỗi khi giận vợ hay chồng mà chúng ta bày tỏ ngay cách mạnh mẽ sẽ dễ làm hay nói những điều đau lòng nhau. Nếu không nói ra, nhưng cứ ôm giữ những buồn giận đó trong lòng, để chồng chất lên hết ngày này sang ngày khác thì rất là nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình. Những buồn giận đó sẽ trở thành đắng cay có thể đưa đến chỗ hận thù và không sao giải quyết được.
Cũng có người khi vợ hay chồng làm điều gì khiến mình buồn giận thì không nổi giận cũng không nén giận nhưng nuốt giận, tức là kể như mình không có gì buồn giận cả, không nhận là mình giận nhưng cứ tiếp tục bình thản vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Người đó muốn tỏ ra mình là người cao thượng, không phiền giận ai cả. Đây là người không sống thật với chính mình. Những vợ chồng sống với nhau như thế cũng khó có hạnh phúc vì người gây ra buồn giận sẽ không biết và không sửa đổi nên điều buồn giận sẽ tiếp tục xảy ra. Trong khi đó người giận mà nuốt giận không nói ra, những phiền giận đó sẽ chất chứa trong lòng và có thể gây ra nhiều chứng bệnh nghiêm trọng khó chữa như căng thẳng thần kinh, đau bao tử, đau tim, cao máu, v.v…
Như vậy khi vợ chồng có điều phiền giận nhau chúng ta nên phản ứng như thế nào? Giận là một trong những cảm xúc quan trọng và cần thiết trong đời sống. Chúng ta không thể biết yêu thương, vui buồn mà không biết giận ghét. Điều quan trọng là chúng ta phải biết lúc nào nên giận lúc nào không nên giận và chúng ta có thể điều không nên giận điều gì, và quan trọng hơn cả, khi giận chúng ta phải xử sự như thế nào. Lời Chúa trong Thánh Kinh không cấm chúng ta giận cũng không dạy rằng giận là có tội, nhưng Lời Chúa dạy rằng chúng ta phải chậm giận, tức là đừng có hay giận và mau giận, khi giận phải kềm chế cơn giận của mình, và điều quan trọng nhất là khi giận đừng có hành động vì lúc đó chúng ta thiếu khôn ngoan sáng suốt, hành động lúc đang giận là điều vô cùng nguy hiểm, sẽ khiến chúng ta phạm tội ác và gây những thiệt hại lớn lao, không bao giờ sửa chữa được. st