Lãnh đạo như Giêsu 2
Tôi có mong muốn noi theo gương mẫu lãnh đạo của Chúa Giê-su?
Bạn có thể nói rằng, “Trước khi tôi nhìn nhận Chúa Giê-su là mẫu gương lãnh đạo của tôi thì tôi cần hiểu lãnh đạo như Giê-su nghĩa là như thế nào.” Bản chất và khái niệm cốt lõi của lãnh đạo như Giê-su được tóm lược trong mệnh lệnh “giữa anh em thì không được như vậy” mà Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ trong việc lãnh nhận và thực thi vai trò lãnh đạo. Hãy đọc Mt 20:25-28
“Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Đối với những môn đệ của Chúa, lãnh đạo phục vụ không phải là một lựa chọn, mà là một mệnh lệnh. Lãnh đạo phục vụ trở nên một tuyên bố sống động về việc chúng ta là ai trong Chúa Kitô, chúng ta đối xử với nhau như thế nào và chúng ta bày tỏ tình yêu của Chúa Giêsu cho thế giới ra sao.
Phần thú vị trong việc học hỏi lãnh đạo như Giê-su là Ngài sẽ không dẫn đưa chúng ta vào bất cứ hoàn cảnh nào một cách đơn độc, với một hoạch định để chúng ta thất bại. Gêrêmia 29: 11-14 cho ta thấy điều này:
“Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của Ðức Chúa -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng. Bấy giờ các ngươi kêu cầu Ta, các ngươi đến cầu nguyện với Ta, Ta sẽ nhận lời các ngươi. Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta, Ta sẽ cho các ngươi được gặp – sấm ngôn của Ðức Chúa. Ta sẽ đổi vận mạng của các ngươi và sẽ thu họp các ngươi về từ khắp các dân, từ mọi nơi Ta đã xua các ngươi đến – sấm ngôn của Ðức Chúa -, Ta sẽ dẫn các ngươi trở về nơi Ta đã bắt các ngươi phải rời xa để đi đày.”
Như trong mọi việc, khi Chúa Giê-su nói với chúng ta về lãnh đạo thì Ngài nói về điều gì đúng đắn và hiệu quả. Chúng ta có thể xác tín rằng Lời của Ngài là minh chứng về tình yêu vô điều kiện và sự hy sinh của Ngài cho sự sống đời đời của chúng ta. Là những người theo Chúa Giêsu, chúng ta phải tin vào Ngài trong mọi hoàn cảnh, và chúng ta có thể mạnh dạn cầu xin Ngài ban ơn khôn ngoan trong mọi sự, cả trong vai trò lãnh đạo của chúng ta.
Có khi nào bạn tự hỏi: “Chúa Giê-su có phải là một mẫu gương lãnh đạo phù hợp trong thế giới ngày nay không?”
Một rào cản thường gặp nhất trong việc noi theo mẫu gương lãnh đạo của Chúa Giêsu là sự nghi ngờ tính phù hợp của những điều mà Chúa Giêsu dạy trong những tình huống lãnh đạo cụ thể của bạn. Dù với tâm thế thế nào đi nữa thì chúng ta cũng gặp phải cùng một sự hoài nghi như Phê-rô khi Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô làm một việc khá bất thường và không đúng chút nào trong nghề đánh cá của ông. Hãy đọc Lc 5:1-11 bạn sẽ được giải đáp.
Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Bạn nghĩ Phê-rô đang nghĩ gì khi trả lời, “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả?” Nghe có vẻ như có thể ông ấy suy nghĩ đại lọai là: “Tôi đang lắng nghe Chúa Giêsu giảng cho đám đông một cách uy quyền và khôn ngoan. Tôi tôn trọng Ngài là người thầy và lời giảng của Ngài là Lời Chúa. Nhưng giờ đây Ngài yêu cầu tôi làm một việc trái ngược với kiến thức và bản năng của tôi trong công việc của mình. Ngài không biết đánh bắt cá. Tôi biết rõ về cá và việc đánh bắt cá, đó là công việc của tôi và điều Ngài yêu cầu không thực tế chút nào. Nếu tôi làm theo lời Ngài nói, có lẽ tôi sẽ phí thời gian và công sức và các thợ chài của tôi sẽ cho tôi là tên khùng điên.”
Tuy nhiên, sự nghi ngờ của Phê-rô không ngăn cản sự tin tưởng của ông vào người hướng dẫn ông. Nhờ lòng tin, ông đã chứng kiến một thành quả phi thường và ông chìm đắm trong nhận thức về sự khác biệt quá lớn lao giữa chính con người ông và những gì Chúa Giêsu nói.
Hãy dành ít phút để nhìn lại sứ mạng nơi trần thế của Chúa Giêsu. Bạn có đón nhận Chúa Giêsu như một người tư vấn cho vai trò lãnh đạo trong cuộc sống và nơi công sở của bạn không? Hãy nhìn lại những thách đố trong vai trò lãnh đạo dưới đây mà bạn có thể đang đối diện và tự hỏi, “Chúa Giêsu có bất cứ hiểu biết thực tiễn hoặc kinh nghiệm phù hợp nào trong việc giải quyết những vấn đề về lãnh đạo mà tôi gặp phải hàng ngày không?”
- Làm việc hoặc sống với và chăm lo cho người không hoàn hảo
- Huấn luyện, phát triển và ủy nhiệm
- Chịu áp lực liên tục từ đối thủ cạnh tranh
- Liên tục chịu thử thách về sự cam kết và tính chính trực
- Xử lý những đối đầu, chỉ trích và loại trừ
- Đối diện những yêu cầu đối nghịch từ bạn và thù
- Bị cám dỗ về sự thỏa mãn, được công nhận và sử dùng quyền cách sai trái
- Đối diện với hàng loạt những vấn đề cá nhân
- Giao tiếp hiệu quả trong môi trường đa văn hóa
- Thách thức những điều cũ và hệ thống cấp bậc để đổi mới
- Nỗ lực truyền đạt về viễn cảnh mới một cách thấu đáo
- Để ý đến những vai trò lãnh đạo yếu kém, thậm chí cho dù có rủi ro cho cá nhân
- Đặt sự nghiệp hoặc tương quan vào tâm thế để phục vụ một mục đích cao cả hơn
Hầu hết trong mọi tình huống câu trả lời của bạn đều là “Có”. Tại sao vậy? Bởi vì tất nhiên Chúa Giêsu đã đối diện với mọi tình huống bạn gặp phải. Thư gởi tín hữu Do Thái có nói về Chúa Giêsu thế này:
Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách… Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. (Dt 2:18, 4:15-16)
Ngoài hình ảnh nhà lãnh đạo, với những trải nghiệm cá nhân qua nhiều năm tháng, Chúa Giê-su cũng thấu hiểu những thách đố trong đời sống và công việc hàng ngày. Dù là Thiên Chúa, Chúa Giê-su không quản ngại làm công việc của một con người. Ngài đã sống ba mươi năm đầu tiên trên thế gian như một người lao động – thợ mộc thành Nazareth. Chúng ta sẽ khó mà nhận ra hết được sự tuyệt vời của việc Chúa Giê-su hiểu công việc trong một ngày và biết những khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu. Ngài biết sự nản lòng khi gặp phải một khách hàng khó chịu và một khách hàng không thực hiện trách nhiệm thanh toán của mình. Ngài biết sự khó khăn trong việc sống trong một gia đình bình thường và trong một gia đình gia thế, và Ngài biết các vấn đề vay quanh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày nơi dương thế.
Suy ngẫm:
Nếu bạn có nghi ngờ về việc noi gương lãnh đạo của Chúa Giêsu, hãy viết ra giấy những lý do vì sao bạn nghi ngờ. Điều gì về Chúa Giê-su làm bạn phải nghi ngờ? Điều gì từ phía bạn khiến cho bạn chần chừ?