Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Mầu Nhiệm Tình Yêu
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Mầu Nhiệm Tình Yêu
Mặc khải cho thế gian về mầu nhiệm phong phú khôn tả của chính mình, Thiên Chúa đã bày tỏ theo cách tiệm tiến, tùy theo từng cấp độ và tùy theo khả năng tiếp thu của người ta.
Chẳng ai có thể buộc Thiên Chúa phải tỏ mình, nhất là với những kẻ người không yêu, và mức độ tỏ mình nhiều hay ít, tùy theo Người yêu thương nhiều hay ít, như khi tỏ mình cho Môsê, “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: “Đức Chúa ! Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6)
Do vậy, những lời của Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô thật quan trọng. Vì đó là mặc khải về chiều kích sâu xa nhất về bản tính của Thiên Chúa, đồng thời bày tỏ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh đức tin độc thần của người Do thái. Khi khẳng định “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”, Đức Giêsu hé lộ mầu nhiệm Người là Con Thiên Chúa – và Người Con của Thiên Chúa chính là món quà tình yêu cao cả nhất, vĩ đại nhất và thánh thiện nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho thế gian, một thế gian Thiên Chúa rất mực yêu thương.
Tân Ước cho thấy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong năm biến cố chính, là truyền tin (Lc 1,26-36), Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan (Mt 4,16-17/ Mc 1,911/ Lc 3,21-22), bữa Tiệc Ly (Ga 14,16-17.26), trên thập giá (Ga 19,30) và Chúa thăng thiên (Mt 28,16-20/ Lc 24,49/ Ga 20,19-22)
Và các tông đồ, những thành phần chính yếu của Giáo hội tiên khởi đã ra đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa trong quyền năng Chúa Thánh Thần, “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Kỷ nguyên Kitô giáo bắt đầu với việc rao giảng tin mừng như thế, và cũng kể từ đó, ơn cứu độ được đổ xuống dồi dào chứa chan trên những người tin.
Vì là những Mầu nhiệm, nên chỉ được đón nhận trong đức tin để hiểu những mặc khải, chứ không thể dùng lý trí thuần tự nhiên với các chiều kích vốn tuân thủ theo thứ logic thuộc về thế giới vật chất hữu hình này.
Đức tin và mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bắt nguồn trong Kinh thánh và mặc khải của Đức Giêsu được Giáo hội tin nhận và rao giảng; được xác minh và giáo huấn, được định tín trong kinh Tin Kính và đã được tuyên xưng trong mọi thánh lễ, khi ban các bí tích và cầu nguyện qua các thế kỷ.
Giáo hội dạy rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc vũ trụ, vạn vật và con người. Tuy Ba Ngôi hoạt động chung với nhau trong mọi công trình, nhưng việc tạo dựng được qui về Chúa Cha,việc cứu chuộc về Chúa Con và việc thánh hóa về Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu đời sống và đời sống Kitô hữu, vốn được tạo thành giống mầu nhiệm hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Suy niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, người tín hữu sẽ học được nhiều điều về chính mình, về tinh thần và cách sống hiệp thông, hiệp nhất với nhau trong tình thương, chiếu theo mẫu mực Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thiên Chúa duy nhất, ngoài Thiên Chúa ra không có Thiên Chúa nào khác. Đó là khẳng định đức tin của cả Người Do thái lẫn người Kitô hữu. Nhưng Thiên Chúa độc nhất trong đức tin của người Công giáo, nhờ mặc khải của Con Thiên Chúa – Chúa Giêsu Kitô lại tin rằng, có Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là cộng đoàn của Các Ngôi Vị, chứ không phải là cá vị đơn độc, Ba Ngôi Vị bằng nhau, sống với nhau và mỗi Ngôi Vị đều cần có Hai Ngôi Vị kia để là Thiên Chúa.
Nếu trong Thiên Chúa Ba Ngôi không có sự đồng nhất, nhưng là duy nhất trong khác biệt. Mỗi Ngôi Vị là duy nhất và cả ba đều chia sẻ chung một bản tính Thiên Chúa trong sự duy nhất hoàn toàn, thì mỗi người cũng là độc đáo duy nhất, nhưng phải cần đến nhau, trong yêu thương để phát triển thành người, để sống cho ra một con người đúng ý của Thiên Chúa.
Mỗi người trong chúng ta đều là cá nhân độc đáo duy nhất, nhưng chúng ta chia sẻ chung một cội nguồn, một bản tính và một vận mệnh chung. Là hữu thể xã hội, chúng ta cần phải tùy thuộc lẫn nhau và nhờ những tương quan với nhau mà chúng ta khám phá ra mình là ai và trở nên con người mà Thiên Chúa quan phòng muốn chúng ta phải trở thành.
Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi là cộng đoàn tình yêu, thì Tình Yêu Thánh mà Thiên Chúa đổ vào lòng người tin cũng phải là bản sắc của cộng đoàn Kitô hữu(x.Rm 5,5). Cộng đoàn ấy trước tiên là gia đình, là cái nôi tình yêu, nơi mọi thành viên cần cắm rễ sâu và lớn lên trong tình yêu để trở nên là “hình ảnh” của Thiên Chúa Ba Ngôi.