Có bao nhiêu ơn Chúa Thánh Thần?
Có bao nhiêu ơn Chúa Thánh Thần?
Trong tuần lễ chuẩn bị lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, các tín hữu đọc kinh cầu xin bảy ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần chỉ ban bảy ơn thôi hay sao? Còn các đặc sủng Thánh Linh thì xếp ở chỗ nào?
Chúa Thánh Thần không chỉ ban 7 ơn mà thôi, nhưng còn rất nhiều ơn nữa. Trước khi vào đề, thiết tưởng nên lưu ý hai điểm liên quan tới vấn đề dịch thuật. Trước hết là danh xưng của Ngôi Ba Thiên Chúa: trong tiếng La-tinh danh xưng là Spiritus Sanctus (tiếng Pháp là Saint Esprit, tiếng Anh là Holy Spirit), nhưng được dịch sang tiếng Việt bằng ba từ ngữ: Chúa Thánh Thần, Thánh Linh, Thần khí. Một cách tương tự như vậy, các từ ngữ “ân ban, ân huệ, linh ân, đặc sủng, đoàn sủng, hồng ân, quà tặng, tặng phẩm” chung quy cũng hàm ngụ một tư tưởng thần học là “điều được trao ban”. Do đó, trước khi nói đến các ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, thì cần phải nói đến chính Thánh Thần là Đấng được Chúa Cha ban cho chúng ta. Điều này được nêu bật nơi nhiều tác phẩm của Tân ước, thí dụ như Tin mừng thánh Luca (11,13), Tin mừng thánh Gioan (14,26; 15,26), và thánh Phaolô đồng hoá Thánh Thần với tình yêu được đổ tràn xuống tâm hồn chúng ta (Rm 5,5). Sau đó, người ta mới bắt đầu nghĩ tới những tác động của Thánh Thần nơi chúng ta, và tìm cách mô tả chi tiết thành các ân huệ mà Ngài ban cho các tín hữu, xét theo từng cá nhân hoặc xét theo phần tử của cộng đoàn. Đó là nguồn gốc của thần học về các ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Có bao nhiêu ân huệ của Chúa Thánh Thần?
Không thể nào làm một bản thống kê đầy đủ được. Như vừa nói, ân huệ lớn nhất mà thánh Phaolô ghi nhận đó là agape tức là lòng yêu mến, nói ở thư Rôma chương 5 câu 5. Cần móc nối tư tưởng này với thư thứ nhất gửi Côrintô chương 13, (quen gọi là bài ca đức ái), khi thánh Phaolô đặt agape như chóp đỉnh của mọi thứ ân huệ. Mãi đến thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô mới trình bày hệ thống của các ân huệ Thánh Linh dựa theo hai danh sách: một danh sách 7 ơn Chúa Thánh Thần nhắm đến việc tăng trưởng nhân đức; còn một danh sách khác dựa theo các đặc sủng hay đoàn sủng.
Danh sách 7 ơn Chúa Thánh Thần có cơ sở nào trong Kinh thánh không?
Danh sách này dựa theo một bản văn của Cựu ước, ở sách Isaia 11,1-3. Bản văn Do thái viết như sau: “Từ gốc tổ Giessê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Giavê sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê. Lòng kính sợ Giavê làm cho Người hứng thú”. Đoạn văn này nói đến Đấng Mêsia được Thần khí của Thiên Chúa trang bị với những đức tính của tiền bối: khôn ngoan và trí tuệ như vua Salomon; mưu lược và hùng mạnh như vua Đavit, hiểu biết và kính sợ Chúa như các tổ phụ. Bản văn Do thái chỉ nói đến ba cặp thần khí (nghĩa là 6 ơn), nhưng ơn “kính sợ” được lặp lại hai lần. Nhằm tránh sự trùng hợp, bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy-lạp và La-tinh đã sửa đổi thành “hiếu thảo”, và như vậy là đếm được bảy. Số 7 tượng trưng cho sự sung mãn. Tự nó, bản văn của ngôn sứ Isaia nói đến những đức tính của Đức Mêsia; nhưng thánh Augustinô và thánh Grêgôriô Cả áp dụng vào những ân huệ mà Thánh Linh ban cho các Kitô hữu.
Bảy ân huệ ấy có ích lợi gì cho đời sống đạo không?
Có chứ. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 1831) viết rằng “các ơn này bổ túc và hoàn thiện những nhân đức nơi những người lãnh nhận, giúp cho người tín hữu dễ dàng và mau mắn tuân theo các điều Thiên Chúa soi sáng”. Thực ra, sách Giáo lý Công giáo chỉ nói cách tổng quát vậy thôi, chứ không đi sâu vào chi tiết về bản chất của mỗi ân huệ. Thần học cổ điển đã xếp đặt các ân huệ cách hệ thống từ trên xuống dưới và giải thích vai trò mỗi ân huệ như thế này. Đứng đầu là ơn khôn ngoan (hay cũng dịch là ơn Cao minh) giúp chúng ta gắn bó với Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc chân thật. Thứ hai là ơn thâm hiểu (hay cũng dịch là ơn hiểu biết) ban cho ta sự hiểu biết sâu sắc các chân lý đức tin. Thứ ba là ơn minh luận (hay cũng dịch là ơn thông minh) giúp ta phán đoán giá trị của các thụ tạo theo ánh sáng đức tin. Thứ bốn là ơn chỉ giáo (hay là ơn biết lo liệu) ban cho ta biết chọn lựa con đường nào ý Chúa hơn cả và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn. Bốn ân huệ này thuộc về trí tuệ; ba ân huệ hợp còn lại thuộc về ý chí, đó là: thứ năm, ơn sùng hiếu (hay hiếu thảo, đạo đức) ban cho ta tôn thờ Thiên Chúa với tinh thần con thảo và liên hệ với mọi người như con cái cùng Cha. Thứ sáu là ơn dũng cảm (hay mạnh bạo), giúp ta vượt thắng mọi khó khăn hoặc chịu đựng đau khổ nhờ sức mạnh Chúa ban. Thứ bảy là ơn kính sợ, giúp ta tránh tội và loại bỏ sự quyến luyến của cải trần thế khi nó làm mất lòng tôn kính mến yêu Chúa. Đó là giải thích bản chất của từng ân huệ. Còn khi bàn về vai trò của chúng, thì thánh Tôma Aquinô cho rằng bình thường chúng ta thực hành điều tốt nhờ các nhân đức; các ân huệ của Chúa Thánh Thần tăng cường sức lực để chúng ta thực hiện các nhân đức “cách anh hùng”, điển hình như trường hợp mà Giáo hội đòi hỏi nơi hồ sơ phong thánh. Dù sao, đây là lối giải thích của thánh Tôma Aquinô về sự cần thiết của bảy ân huệ Chúa Thánh Linh. Trên thực tế, Chúa Thánh Thần ban các ân huệ cho tất cả mọi tín hữu chứ không riêng gì cho các vị thánh. Duy có điều là các vị thánh ngoan ngoãn để cho Thánh Thần dẫn dắt, còn chúng ta thì làm ngơ giả điếc, không đếm xỉa đến tiếng thôi thúc của Thánh Thần tiến đến sự trọn lành.
Bảy ơn Chúa Thánh Thần có khác với các đặc sủng Thánh Linh không?
Xét về từ ngữ thì không có gì khác. “Ơn Chúa Thánh Thần” và “đặc sủng Thánh Linh” đều là những ơn ban (hồng ân, tặng phẩm) của Ngôi Ba Thiên Chúa. Nhưng xét về mục tiêu, thì các nhà thần học Trung cổ đã phân chia ra thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm bảy linh ân như vừa nói, mục tiêu là giúp các tín hữu nên thánh. Nhóm thứ hai gồm những ân huệ mà Thánh Linh ban cho các tín hữu nhằm giúp ích cho cộng đoàn Giáo hội. Đạo lý này dựa theo giáo huấn của thánh Phaolô. Khi viết thư cho các cộng đoàn, thánh tông đồ nhận thấy Thánh Linh đã ban cho các tín hữu rất nhiều ân huệ: những ân huệ này mang tính cách đa dạng, không phải ai ai cũng lãnh được (nghĩa là người có người không), và có người lãnh được ơn này nhưng không nhận được ơn kia (nghĩa là không đồng đều). Không nói ai cũng đoán được, chuyện ghen tương phân bì đương nhiên xảy ra: kẻ không có thì ghen tị với kẻ có; người có thì vênh váo tự phụ với người không có; giữa hai người đều có thì tranh chấp với nhau, xem ai trọng hơn ai. Trong bối cảnh đó, thánh Phaolô đã giải thích về vai trò của các đặc sủng thế này: Chúa Thánh Thần không phân phát đồng đều các ân huệ cho mỗi người bởi vì mục tiêu của chúng không phải là để tôn vinh cá nhân, nhưng là để xây dựng cộng đoàn. Cộng đoàn được ví như một thân thể, với nhiều bộ phận, cơ quan, chức năng khác nhau. Tất cả mọi bộ phận đều quan trọng cho sự hoạt động của thân thể: mắt cần đến chân tay, đầu cần đến trái tim, vv. Không cơ quan nào có quyền lên mặt tự đắc, khinh chê các bộ phận khác, bởi vì nhiều khi chính những cơ quan bé nhỏ tế nhị nhất lại là cơ quan sinh tử.
Có bao nhiêu đặc sủng tất cả?
Thánh Phaolô đã liệt kê bốn danh sách các đặc sủng: hai danh sách ở chương 12 của thư thứ nhất gửi Côrintô, câu 8 đến câu 10, và câu 28 đến câu 30. Danh sách thứ ba ở thư gửi Rôma chương 12 câu 6. Danh sách thứ bốn ở thư gửi Êphêsô chương 4 câu 11. Trong bốn danh sách, người ta thấy có những đặc sủng trùng hợp với nhau, nhưng cũng có nhiều dị biệt. Từ đó, ta có thể nhận xét rằng không thể nào làm bản thống kê toàn thể các đặc sủng được. Con số các đặc sủng không bị giới hạn, và được Chúa Thánh Thần ban phát cho Giáo hội tuỳ theo nhu cầu mỗi nơi mỗi thời.
Có dấu hiệu nào nhận biết rằng mình đã nhận được một đặc sủng không?
Tùy chúng ta hiểu đặc sủng theo nghĩa nào, mà ta đánh giá về sự hiện hữu của nó. Có người hiểu đặc sủng theo nghĩa là ân huệ khác thường, chẳng hạn như: chữa bệnh, nói ngôn ngữ lạ, nói tiên tri; theo nghĩa này đặc sủng hiếm lắm. Người khác thì hiểu đặc sủng theo nghĩa bình thường, chẳng hạn như ơn phục vụ, ơn an ủi; theo nghĩa này, số người lãnh đặc sủng lên cao hơn. Dù sao, các nhà tu đức đã lưu ý hai điểm sau đây: thứ nhất, các đặc sủng này được ban nhằm xây dựng cộng đoàn, chứ không phải để khoe khoang vênh váo; vì thế đừng ai sử dụng đặc sủng để tìm cầu danh lợi cá nhân. Thứ hai, người nhận đặc sủng chưa chắc đã là người thánh thiện; vì thế Chúa Giêsu đã cảnh cáo rằng vào ngày phán xét, có người tự hào rằng mình đã nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ nhân danh Chúa, nhưng họ sẽ nghe tiếng đáp lại: “Ta không biết các ngươi” (Mt 7,23). Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô rằng hãy ước ao đặc sủng cao quý nhất, đó là đức ái.
Ngoài 7 ân huệ và các đặc sủng, Chúa Thánh Thần còn ban những ơn nào nữa không?
Chúng ta không thể nào thiết lập danh sách kiểm kê các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tôi chỉ muốn thêm một điều là ngoài 7 ân huệ (nhằm giúp các tín hữu nên thánh) và các đặc sủng (nhằm xây dựng cộng đoàn), các nhà thần học còn nói đến 12 hoa trái của Thánh Linh, dựa theo đoạn văn Gl 5,22-23, được sách Giáo lý công giáo trích dẫn ở số 1832, đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hoà, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết”.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành