Nói dối, tội trọng hay tội nhẹ?
Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng 10 điều răn đưa ra những nghĩa vụ quan trọng. “Tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? – Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19, 16-17).
Không ai có thể được miễn trừ khỏi những điều buộc của 10 điều răn, bởi vì chúng đã được Thiên Chúa khắc ghi trong trái tim của nhân loại và chúng liên quan đến những bổn phận thiết yếu.
Nói dối
Điều răn thứ 8 liên quan đến nói dối: “Ngươi không được làm chứng gian hại người” (Xh 20, 16).
Điều răn thứ tám cấm làm sai lệch sự thật trong mối tương quan với người khác.
Các hành vi xúc phạm đến sự thật, bằng lời nói hay hành động, thể hiện qua việc từ chối tham gia việc đạo đức công bình. Chúng là sự bất trung nghiêm trọng đối với Thiên Chúa, và theo nghĩa này, chúng làm suy yếu các nền tảng của Giao ước.
Sự thật hay chân thật là đức tính thể hiện sự chân thành trong các hành động và trong việc nói những lời chân thật, bằng cách tránh nước đôi, giả vờ, giả hình.
Trước quan Philatô, chính Chúa Kitô tuyên bố rằng Ngài đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Điều này đã đủ cho chúng ta thấy được chiều kích quan trọng của việc chỉ nói sự thật và không bao giờ nói dối.
Xúc phạm sự thật
Một hành vi xúc phạm đến sự thật là làm chứng dối và khai man. Đó là một tuyên bố trái với sự thật; là một hành vi dối trá gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Một người được cho là khai man khi đứng trước tòa án thực hiện lời thề bằng những lời chứng dối.
Những kiểu hành động này vừa góp phần kết án người vô tội và tha bổng cho kẻ có tội hoặc làm tăng thêm hình phạt mà bị cáo có thể phải chịu, và làm tổn hại nghiêm trọng đến việc thực thi những bản án công lý, công bình của các thẩm phán.
Trong bối cảnh liên quan đến các mạng lưới xã hội, kiểu nói dối này – tuyên truyền tin tức giả mạo, fake news – dùng để phá hoại hình ảnh của một người qua internet.
Theo nghĩa này, gièm pha và vu khống cả hai đều làm chứng gian, vì chúng phá hủy danh tiếng và danh dự của người khác.
Danh dự là bằng chứng xã hội được trao ban nơi phẩm giá con người, và tất cả mọi người đều có quyền cơ bản để tôn vinh tên tuổi, danh tiếng và sự tôn trọng của mình. Vì vậy, gièm pha và vu khống người khác làm tổn hại đến đức công bình và đức ái.
Tính nghiêm trọng của việc nói dối
Chúng ta đi đến cốt lõi của sự dối trá.
Nói dối là nói những lời sai trái với ý định lừa dối.
Thiên Chúa coi việc nói dối là công trình của ma quỷ: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).
Nói dối là xúc phạm trực tiếp đến sự thật. Nói dối là lời nói hay hành động trái ngược với sự thật, dẫn đến sai lầm. Nói dối phá hoại mối tương quan của con người với sự thật và với tha nhân. Lời nói dối xúc phạm đến mối tương quan nền tảng của con người và lời nói của họ với Thiên Chúa.
Mức độ nghiêm trọng của việc nói dối được đo bằng bản chất của sự thật, tùy theo hoàn cảnh, mà qua đó nó bóp méo những ý định của người nói sự thật và gây thiệt hại cho các nạn nhân.
Khi nào nó trở thành tội trọng
Cho dù nói dối đôi khi là tội nhẹ, nhưng nó trở thành tội trọng khi làm tổn hại nghiêm trọng đến đức công bình và bác ái.
Ý định cố tình lừa dối người khác thông qua những tuyên bố sai lầm trái với sự thật, chúng thể hiện sự thiếu công bằng và bác ái. Lỗi này trở nên nặng hơn khi ý định lừa dối có thể gây ra hậu quả tiêu cực làm cho nhiều người đi trệch với sự thật.
Nói dối chứa đựng trong nó sự chia rẽ của thần dữ và toàn bộ sự dữ do nó gây ra. Đó là điều tiêu cực cho toàn xã hội: chúng phá hủy nền tảng tin cậy giữa con người và làm suy yếu các mối tương quan xã hội (GLCG 2464-2487).
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ