Can đảm lên !
CAN ĐẢM LÊN !
Trong thân phận làm người, Chúa Giêsu cũng phải đối diện với nỗi cô đơn. Ngài không lập gia đình, không có một người bạn đời để chia sẻ. Bù lại, Ngài có những người thân yêu ở làng Nazareth. Nhưng ngay cả cha mẹ Ngài cũng không hiểu hết được Ngài (Lc 2, 50). Khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài có những người bạn mới là các môn đệ.
Tiếc thay, họ không phải là những người luôn luôn hiểu Ngài. Ngài muốn chia sẻ cho họ tất cả cái riêng tư giữa Ngài với Cha. Nhưng họ chưa đủ sức kham nổi. Chúa Giêsu không phải là người thích cô đơn, khép kín. Ngài dễ đến với dân chúng, với mọi hạng người. Ngài gặp gỡ họ, loan Tin Vui, và cho họ được tâm thân an lạc. Các bệnh nhân, tội nhân, trẻ em, phụ nữ, cũng không ngại đến với Ngài để trò chuyện hay chia sẻ một bữa ăn.
Dù vậy tìm được một sự đồng cảm trọn vẹn nơi con người vẫn là điều khó đối với Chúa Giêsu, bởi lẽ Ngài còn thuộc về một thế giới khác trên cao. Ngài mãi mãi là một màu nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp của con người. Chỉ khi trở về với nguồn cội đời mình, Chúa Giêsu mới ra khỏi được nỗi cô đơn trống trải ấy. “Tôi không (xét đoán) một mình, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi” (Ga 8, 16). Chính vì Chúa Giêsu luôn nói và làm mọi sự theo ý Cha, nên Ngài chẳng bao giờ cô đơn . “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi một mình, vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).
Vào giây phút chia ly này, khi Chúa Giêsu biết điều sắp xảy đến: “Anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả, và để Thầy một mình. Nhưng Thầy không một mình đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (c. 32). Chúa Giêsu không cô đơn trong cuộc sống, mà ngay cả khi Ngài kêu lớn tiếng trên thập giá : “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?” (Mc 15, 34), lúc đó lại là lúc Chúa Giêsu gần Cha hơn cả, kết hợp với Cha hơn cả. Chúa Giêsu thực sự chẳng bao giờ cô đơn tuyệt đối, vì Cha thực sự chẳng bao giờ bỏ Ngài, và Ngài cũng chẳng bao giờ bỏ Cha.
Chúa Giêsu khẳng định: “Trời đất qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21, 33). Thật vậy, thực tại trần thế này chỉ như ngôi nhà tạm bợ, mọi sự rồi sẽ qua đi, Lời Chúa thì tồn tại qua muốn thế hệ, đó là Lời sáng tạo, Lời thông ban sự sống và Lời Cứu Độ toàn thể nhân loại. Đây là điều mà Thánh sử Gioan đã xác quyết trong những trang đầu của Tin Mừng: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1).
Mỗi người tín hữu kitô được mời gọi lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Quả thật Lời Chúa không chỉ được nghe bằng đôi tai nhưng hơn cả cần được nghe bởi con tim. Một con tim biết rung lên những nhịp đập của tình yêu thương, lòng cảm thông, tâm hồn chia sẻ… sẽ lắng nghe được Lời Chúa và tiếng tha nhân, để từ đó sẽ có những lựa chọn, quyết định và hành động phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Chúa không hứa với chúng ta ai theo Người thì sẽ được mọi tiện nghi, thuận lợi. Theo Chúa thì phải chấp nhận thử thách gian lao. Lịch sử Hội Thánh đã minh chứng điều đó. Điều quan trọng là chúng ta hãy tin tưởng vào sự chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, để can đảm, trung thành với ơn nghĩa Chúa, vượt qua mọi thử thách trong đời sống đức tin. Với cái nhìn đức tin, chúng ta nhận ra rằng, những thiên tai, bệnh tật, tai nạn… là những biến cố Chúa dùng để cảnh giác chúng ta điều chỉnh lại lối sống của mình cho phù hợp với Tin Mừng.
Có lẽ giữa muôn vàn thử thách, bách hại của thế gian đối với người Kitô hữu, nếu người nào luôn ở trong Chúa, gắn liền với Chúa, đều cảm thấy bình an sâu thẳm trong tâm hồn cho dù họ đau đớn, mất mát. Chúa tiên báo trước, để các môn đệ và ngay cả chúng ta không lạ lẫm gì khi mình đi ngược dòng với thế gian, bị thế gian cho rằng là những con người dại dột. Hơn nữa, các môn đệ phải hy sinh, đau khổ rất nhiều, chịu bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời, vì Tin Mừng, vì chính Chúa Giêsu là niềm tin, là đối tượng tôn thờ duy nhất của họ.
Đời sống đức tin của các Kitô hữu mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay thì hoàn toàn khác. Ở giữa thế gian này, người tín hữu có thể phải chịu đủ mọi thử thách, thậm chí họ chẳng bao giờ được an ủi về mặt lợi lộc, vật chất thế gian. Nhưng họ vẫn có sự bình an, thanh thản trong thẳm sâu tâm hồn dù họ gặp phải muôn vàn khốn khó giữa cuộc sống cơm áo gạo tiền thường ngày.
Chúa Giêsu là sức mạnh và là niềm trông cậy của những ai tin tưởng nơi Ngài. Ngài là niềm hy vọng của những kẻ sầu khổ, thất vọng, là ánh sáng chiếu soi tăm tối. Chúa bảo chúng ta hãy can đảm lên, vì có Chúa ở bên, vì có Chúa là đấng thấu suốt tâm can mỗi người. Trong những gian nan khốn khó, chúng ta cũng hãy can đảm vì Ngài sẽ không cho những gì xảy ra quá sức chịu đựng; bởi Ngài đã chiến thắng sự dữ và thần chết. Vì tình yêu mà Chúa đã vượt thắng mọi sợ hãi, và chấp nhận khổ giá.
Cùng vác thập giá với Thầy là số phận của người môn đệ Ðức Kitô. Mặt khác, an bình và hy vọng là quà tặng của Ðấng Phục Sinh và là bảo chứng cho những người môn đệ trung tín sẽ được cùng phục sinh với Ngài. Người Kitô hữu không trốn chạy trước gian nan khốn khó nhưng chiến thắng nó bằng phương thế và tinh thần của Chúa Kitô. Mời bạn dùng tinh thần lạc quan Kitô đó để loan báo Tin Mừng Phục Sinh trong cuộc sống của mình.
Ta xin Chúa cho ta luôn can đảm, cho ta nhớ rằng Chúa đã không báo trước cho con nhuãng điều thuận lợi, may lành, mà là báo trước những sự đau khổ, bất lợi và thiệt thòi gắn liền với ý tưởng phụng sự Chúa . Vì thế, khi gặp những nghịch cảnh, tan không ngỡ ngàng nhưng biết đón nhận với lòng yêu mến Chúa. Với tình yêu, ta sẽ vượt qua tất cả. Khi ta thông phần vào thập giá Chúa thì ta cũng được chia sẻ phần vinh quang Phục sinh.