Chúa Thăng Thiên Để Ở Cùng
Chúa Thăng Thiên Để Ở Cùng
Một sự từ giã về phương diện không gian, để gần gũi theo cách vượt thời gian; một sự chia lìa trong thời gian, để ở lại siêu thời gian.
Đức Giêsu Phục Sinh muốn gặp các môn đệ tại nơi Người khởi sự việc loan báo tin mừng nước Thiên Chúa. Galilê miền đất của dân ngoại đã in đậm dấu ấn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vì từ nơi ấy xuất hiện Ánh Sáng thần linh xua tan bóng tối của tội lỗi và tử thần, đập tan quyền lực Satan gông xiềng nhân loại từ bao đời. Bây giờ, cũng nơi ấy, Đức Giêsu Kitô đã cho các môn đệ thấy Người đã “xuyên thủng” cõi đất hạn hẹp, chết chóc này tiến về trời, lên nơi Người đã xuất phát, trở nên cầu nối giữa cõi trời và cõi đất; trở nên trung gian giữa con người và Thiên Chúa; trở nên Con Đường duy nhất dẫn người tin về cõi trời hiển vinh.
Galilê còn là nơi Đức Giêsu Phục Sinh, trong tư cách là Đấng đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ban sứ vụ cho Nhóm Mười Một, để minh chứng họ đích thực là môn đệ, có sứ mạng làm cho công cuộc cứu độ của Đức Giêsu có sự liên tục, trải dài trên toàn cõi đất qua việc loan báo tin mừng, làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cho những ai tin và dạy họ tuân giữ những điều mà Đức Giêsu đã truyền cho các tông đồ. Như thế, sứ mạng của Đức Giêsu phục sinh được tiếp diễn và bây giờ qua họ, Người sẽ hoàn tất công việc của mình.
Việc trọng đại ấy xảy ra trên một ngọn núi. Người Do thái vẫn coi núi là nơi Thiên Chúa chọn để hiển linh, để ban giới luật và thông tỏ ý định của Người. Đức Giêsu trước khi công khai rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa, đã bị satan đưa lên một ngọn núi để cám dỗ Người đi trệch con đường Chúa Cha muốn; khi cho ba môn đệ thân tín thoáng thấy thần tính vinh hiển của Người trên núi Taborê, và trên núi Sọ, Đức Giêsu đã chịu chết trên thập giá để chuộc tội loài người. Bây giờ, Đức Giêsu phục sinh đưa các môn đệ lên một ngọn núi Thăng Thiên- để ở cùng Giáo hội.
“Mười một môn đệ.” Con số này vừa cho thấy sự khiếm khuyết của Hội thánh, vừa cho biết sự bất toàn của Hội thánh, vì khi “các ông bái lạy Người”, có “mấy ông lại hoài nghi.” Hoài nghi điều gì, ngờ vực vấn đề nào? Tin mừng Mátthêu không nói rõ. Mãi mãi đó là một bí ẩn, nhưng sẽ lộ tỏ dần qua từng thời kỳ của nhân loại, qua những diễn biến của những sự kiện lớn nhỏ của thế giới và Giáo hội, qua những người từng là môn đệ Đức Giêsu.
Vì thế Giáo hội mọi thời phải nắm vững tinh thần và sứ mạng của Đức Giêsu để vượt qua tình trạng hoài nghi này, vừa để làm sáng tỏ các chân lý đức tin để củng cố lòng tin của mình hơn, vừa giúp cho Giáo hội tin tưởng vào lời Đấng Phục Sinh – Lên Trời, luôn ở cùng mình mọi ngày cho đến tận thế.
Bao lâu Giáo hội còn trung thành thực thi mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh – Lên Trời, dạy cho muôn dân những huấn lệnh như chính Người đã dạy, làm phép rửa cho họ Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bấy lâu Giáo hội sẽ dễ dàng vượt qua sự hoài nghi ấy. Các môn đệ sẽ nhận ra sự hiện diện của Người, khi họ công bố tin mừng của Đấng Phục Sinh – Lên Trời; khi họ vững tin vào quyền bính tối thượng của Người trên mọi yếu tố vũ trụ.
Tác giả Mátthêu không nói việc Đức Giêsu trao quyền bính cho họ, nhưng nhấn mạnh đến sự quả quyết của Đức Giêsu về sự kết hợp giữa Người với họ. Bao lâu họ còn duy trì chân tính của người môn đệ, kết hợp khắn khít với Đức Giêsu, còn trung thành thực thi sứ mạng của Người, thì chính Người, trong tư cách siêu việt, sẽ bộc lộ quyền năng ấy qua họ.
Vì thế lời rao giảng của Hội thánh không chỉ là trình bày sứ điệp Cứu rỗi của Đức Kitô mà còn phải kiến tạo nên một cộng đoàn có cùng một đức tin, một phép rửa, một lối sống theo Lời Chúa, trong tương quan mật thiết vừa có tính cá biệt, vừa có tính chung nhất, với Đấng đã Phục Sinh – Lên Trời ở ngay trong tâm hồn họ, trong đời sống họ, trong sứ mạng của họ. Đức Giêsu Phục sinh – Lên Trời luôn là điểm trung tâm của Giáo hội và quy chiếu mọi hoạt động của Giáo hội.
Tác giả Mátthêu đã khéo léo đóng khung mầu nhiệm Emmanuen: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, vào lúc Đức Giêsu được sinh ra cho đến ngày Người được Phục Sinh – Lên Trời, là có ý nhắm đến sự Hiện diện của Người trong không gian và thời gian của lịch sử, vừa cho thấy chiều kích mầu nhiệm bao trùm của Người trên toàn thể lịch sử nhân loại và vũ trụ.
Giáo hội không bao giờ cô đơn vì Chúa Kitô tử nạn và phục sinh luôn ở cùng Giáo hội. Người luôn hướng dẫn, nâng đỡ và bầu cử cho Giáo hội trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, giúp Giáo hội đem quyền bính tình yêu của Người đến cho nhân loại.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR