Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: một con người gắn với cầu nguyện
Hôm nay nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Karol Wojtyla, vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tương lai. Vào buổi sáng thứ Hai (18/05), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tại bàn thờ nơi vị thánh được chôn cất tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Thánh Gioan Phaolô II được bầu chọn làm Giáo Hoàng trong vòng thứ hai mật nghị bầu chọn giáo hoàng năm 1978 đã được triệu tập sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I là vị đã qua đời sau một triều giáo hoàng vắn vỏi. Triều đại của Thánh Gioan Phaolô II kéo dài từ năm 1978 đến năm 2005.
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, thư ký riêng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và Nguyên Tổng Giám Mục Krakow, Ba Lan, nói về kinh nghiệm sống và làm việc của Ngài với thánh nhân.
Một con người của cầu nguyện
Đức Hồng Y Dziwisz nhớ lại là Ngài đã sống với Thánh Nhân sau khi Ngài được Thánh Phaolô VI bổ nhiệm làm Hồng Y năm 1967, và tiếp tục sau khi Đức Wojtyla trở thành Giáo Hoàng. “Bí mật con người của Ngài là chiều sâu đời sống thiêng liêng”, Đức Hồng Y Dziwisz nói. “Ngài luôn cầu nguyện, Ngài học giá trị của cầu nguyện khi còn là một cậu bé và khía cạnh này sâu hơn sau đó”.
Một con người của lòng nhân từ và yêu thương
“Chúng ta phải không được lãng quên tính cách ngoại thường của Ngài”, Đức Hồng Y Dziwisz nhấn mạnh. Ngài nhấn mạnh rằng Thánh Gioan Phaolô II đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng và tình yêu lớn lao ngay cả khi họ nghèo, yếu đuối hay bệnh tật.
Đức Hồng Y đưa ra dẫn chứng về một em bé có bệnh AIDS mà vị thánh gặp trong chuyến thăm của Ngài đến San Francisco tại Hoa Kỳ. Đức Hồng Y nhắc lại là vị thánh “đã nắm lấy tay của các em bé, hôn chúng và chúc lành cho chúng và đưa bé trở lại với gia đình”. Cử chỉ này, Đức Hồng Y Dziwisz nói, “thật sự quan trọng hơn cả bài giảng, đặc biệt là vào thời gian ấy”. Đức Hồng Y người Ba Lan cũng chỉ ra rằng Thánh Gioan Phaolô II đã tạo ra một bầukhis của gia đình với những người mà Ngài sống cùng tại những căn hộ giáo hoàng. Ngài nhấn mạnh rằng sự đơn sơ và tốt lành lớn lao của vị thánh đã đánh động mọi người để trở nên tận tuỵ hơn nữa trong công việc của họ.
“Ngài để lại một di sản lớn lao vốn không chỉ quan trọng cho hôm qua và hôm nay, mà còn cho cả tương lai”.
Đan Sĩ (Vatican News)