Một cõi đi về
Nội dung
MỘT CÕI ĐI VỀ
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Đi về là đi về đâu ? Phải chăng vấn nạn và câu hỏi này luôn luôn ở trong tâm trí của mỗi người chúng ta.
Với người không tin thì sau cái chết coi như chấm hết. Với người tin của chúng ta thì sự sống thay đổi chứ không mất đi như trong lời kinh Tiền Tụng an táng hay cầu hồn. Chính vì vậy, quê hương của người Kitô hữu không phải ở trần gian này. Trần gian này phải chăng chỉ là quán trọ, chỉ là nơi con người hành hương.
Thực tế ta thấy có những người sống chung với ta, có khi là ông, là bà, là cha, là mẹ đã lìa bỏ cõi trần, lìa bỏ ta mà đi trước. Và, cuộc chia ly nào cũng để lại một nỗi trống vắng khôn tả.
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Hàn Mạc Tử đã thốt lên tâm tình đó trong bài thơ "Những giọt lệ"
Tâm trạng mất và dại khờ ấy ngày hôm nay ta bắt gặp nơi các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Khi Thầy trò ly biệt với nhau và Thầy biến mất thì tâm hồn của các môn đệ bàng hoàng, hoang mang và trống vắng.
Thế nhưng rồi, ta lại thấy lần ra đi này không phải như lần ra đi trước là lên đồi Canvê để đón nhận cái chết : "Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? ..."
Sách Công Vụ Tông Đồ nói tiếp : "Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv 1,11)
Thật thế, không phải đến ngày Chúa lìa xa các môn đệ các môn đệ mới thấy Chúa nhưng trước đó đã thấy Chúa phục sinh rồi. Chứng tích niềm tin về Chúa Giêsu phục sinh của các chứng nhân và của Hội Thánh tiên khởi đã được bày tỏ.
Những lần hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh, những phép lạ nhân danh Chúa Giêsu phục sinh và những lời rao giảng về Chúa Giêsu phục sinh đã “chuyển biến” tâm hồn nhiều người : “Chúng tôi phải làm gì ? - Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (Cv 2,37-38). Niềm tin này đã nối kết họ nên một cộng đoàn hiệp nhất “một lòng một ý, không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32).
Từng ngàn, từng vạn và từng triệu người tin vào Chúa Giêsu phục sinh. Không chỉ những người dân đơn sơ chất phác tin vào Chúa Giêsu phục sinh nhưng còn có cả những người trí thức, những viên chức cao cấp (x. Cv 5,34 ; 8,27-40) ; Kể cả người đã quyết liệt chống đối, tiêu diệt những người tin vào Chúa Giêsu phục sinh, ông Saolô, cuối cùng đã trở thành Tông đồ nhiệt thành rao giảng và hiến dâng cuộc đời, mạng sống cho Chúa Giêsu phục sinh (x. Cv 9,1-22).
Niềm tin này không chỉ là một chấp nhận của lý trí, con tim, nhưng còn là niềm tin trong cuộc sống, trong suy nghĩ, hành xử ... ; không chỉ trong một dân tộc, vào một thời điểm nào đó, nhưng là nơi mọi dân tộc, mọi nơi, mọi lúc ... bằng chứng tá tử đạo, bằng chứng tá đời sống ... tất cả đều trở nên bằng chứng sống động, hùng hồn về sự phục sinh của Chúa Kitô : Mầu nhiệm phục sinh là cốt lõi của niềm tin Kitô giáo (x. 1C 15,14-19). Niềm tin của các tín hữu tiên khởi và của chúng ta hôm nay được xây dựng trên lời chứng của các Tông đồ, những “chứng nhân về cuộc phục sinh của Chúa Kitô” (Cv 1,22 ; x.Lc 24,48).
Ta thấy rằng ngay từ khi sống lại, Chúa Kitô đã bước vào tình trạng mới, tình trạng vinh hiển (x. Ga 20,19-29). Trong thời gian này, Người đã hiện ra với các Tông đồ và với những người mà Người muốn (x. 1 C 15,5-8) để thuyết phục họ tin vào sự phục sinh của Người (Ga 20,19-29 ; Lc 24,13-43), và dạy bảo các ông về Nước Thiên Chúa (x. Cv 1,2-3) trong 40 ngày (x. Cv 1,3). Trong lần hiện ra cuối cùng, Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ sứ mệnh loan báo tin mừng rồi được rước lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Mc 16,14-19).
Niềm tin vào Chúa sống lại giúp chúng ta biết chuẩn bị cho cuộc sống mai sau, và như thế, cùng với việc chăm lo phát triển sự sống thể xác, chúng ta cũng biết quan tâm đến sự sống vĩnh cửu, hầu mai sau chúng ta được chung hưởng vinh quang hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng.
Và như vậy, với biến cố lên Trời, một lần nữa ta được hướng lòng về những sự trên trời chứ không phải ở dưới đất. Cõi đi về của chúng ta là ở trên trời chứ không phải là nơi nào khác hay trong trần gian tạm bợ này.
Niềm tin vào Chúa về Trời mời gọi mỗi người chúng ta thể hiện ngay đời sống hiện tại của mỗi người. Dĩ nhiên tiền bạc, vật chất rất cần cho cuộc sống này nhưng dường như nó chỉ là phục vụ cho nhu cầu của hiện tại, của xác thịt. Nếu chỉ bám vào trần gian này không khéo con người sẽ mất cả chì lẫn chài. Chính vì thế, ta lại xin Chúa thêm ơn cho ta để ta luôn luôn hướng lòng về Trời bằng cách ngày mỗi ngày biết sống buông bỏ những gì làm cho lòng ta nặng trĩu không về với Chúa được. Xin cho lòng ta bớt đi những cái tham sân si, những cái hơn thua, tranh giành đấu đá để ta nhẹ lòng bay lên cùng Chúa.
Rất thực tế, ông bà cha mẹ của ta, người thân của ta nằm xuống có mang theo được gì đến mộ phần. Suy nghĩ và đáp trả lối sống của ta được mỗi người chúng ta tự do và đáp trả. Dễ hiểu và dễ sống là cõi đi về của ta là cõi nào ? Nếu là cõi đất thì ta cứ thoải mái để xây dựng cái trần gian này. Còn nếu cõi của ta ở trên trời thì ta lo xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này.
Chi tiết
- Ngày: 20/05/2020
- Tác giả: Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh