Một Giáo hội khiêm nhường cho một nhân loại bị thử thách
Bài cuối cùng trong loạt bài “Cái nhìn về cuộc khủng hoảng” của Linh mục Lombardi trước tương lai đang chờ chúng ta sau đại dịch: chúng ta có là một cộng đồng có khả năng đồng hành trong tình anh em với lòng tốt và lòng bác ái không?
Vào cuối Năm Thánh vĩ đại 2000 mà ngài đã sống và mời chúng ta sống cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa ân sủng Chúa Kitô và lịch sử nhân loại, Thánh Gioan-Phaolô II đã viết cho Giáo hội một bức thư mang tên: “Bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba (nuovo millenio inneunte), trong đó ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: “Duc in altum… Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5 , 4). Ngài mời gọi “chúng ta nhớ với lòng biết ơn quá khứ, sống với đam mê hiện tại, mở lòng tin tưởng vào tương lai”, vì “Chúa Giêsu là hôm qua, hôm nay và sẽ là mãi mãi”. Như chúng ta đã biết, Đức Phanxicô đã tiếp nhận và làm sống lại chủ đề này từ đầu giáo triều của ngài về một “Giáo hội đi ra”, một Giáo hội của Tin Mừng sống trong Thần Khí, được Chúa Kitô Phục sinh ban cho.
Chiều ngày 12 tháng 10 năm 2012, Đức Bênêđictô XVI đã có bài phát biểu ngắn từ cùng khung cửa sổ mà 50 năm trước đó, dưới ánh trăng hiền dịu, Đức Gioan XXIII đã chào đón đám đông đổ về Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày cuối ngày mở Công đồng Vatican II. Đức Bênêđictô XVI hướng nhìn trời, có một suy tư làm đánh động nhiều người, vì nó không khơi dậy lòng nhiệt tình dễ dàng có được, nhưng là cảm hứng – và trong sự tin tưởng – của một lòng khiêm nhường sâu xa, đặc nét vào cuối triều giáo hoàng của ngài, ngài nhắc lại, thế nào mà trong 50 năm qua, Giáo hội đã biết tội của mình, cỏ lùng giữa ruộng lúa mì, giữa giông bão và ngược gió. Nhưng cũng là lửa của Thánh Linh, lửa của Chúa Kitô. Một ngọn lửa không nuốt chửng nhưng khiêm nhường và im lặng, một ngọn lửa nhỏ khơi dậy các đặc sủng của lòng tốt và bác ái chiếu sáng thế giới và làm chứng cho sự hiện diện của nó giữa chúng ta.
Khi Lễ Hiện Xuống sắp đến, tôi nghĩ lại các lời của ba giáo hoàng trong thiên niên kỷ thứ ba của chúng ta. Trên thực tế, trong thiên niên kỷ mới này, chúng ta mới bước vào hai mươi năm nay, nhưng nhìn chung, đây không phải là một kỷ nguyên tiến bộ tươi sáng cho nhân loại. Nó mở đầu với ngày 11 tháng 9 năm 2001 và chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhì, sau đó chúng ta có cuộc khủng hoảng kinh tế lớn và chiến tranh thế giới “từng mảnh” tàn phá các nước Syria và Libya, khủng hoảng môi trường ngày càng xấu và nhiều vấn đề khác, và bây giờ là đại dịch toàn cầu với hậu quả không lường của nó, một kinh nghiệm chưa từng có đánh dấu triều giáo hoàng này. Bên cạnh đó là các thành công và tiến bộ khoa học mới về y tế, giáo dục và truyền thông, vì vậy sẽ không công bằng khi chỉ nói đến các khía cạnh tiêu cực. Nhưng chắc chắn chúng ta không thể nói một chiều và tin chắc nhân loại sẽ đi về hướng tốt nhất. Kinh nghiệm về đại dịch, dù rồi sẽ vượt lên, chắc chắn là một kinh nghiệm chung về sự không chắc chắn, bất an, khó khăn trong việc quản lý con đường ngày càng phức tạp hơn bao giờ hết của xã hội đương đại. Liệu không biết trong tương lai chúng ta có xem đại dịch này là dịp để tăng trưởng trong tinh thần đoàn kết hay đây sẽ là một nguồn căng thẳng quốc tế mới và mất cân bằng xã hội. Hai chiều hướng có thể sẽ lẫn vào nhau: lúa mì và cỏ lùng.
Giáo hội khởi đầu thiên niên kỷ này không mạnh về mặt nhân bản. Đức tin của Giáo hội bị thử thách vì tình trạng thiêng liêng khô héo của thời buổi chúng ta. Uy tín của Giáo hội bị thử thách vì sự sỉ nhục và cái bóng của các vụ bê bối. Lịch sử tiếp tục và Giáo hội tiếp tục, biết rằng sức mạnh duy nhất của Giáo hội là đức tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh và ơn của Thần Khí. Một chiếc bình đất sét mong manh chứa trong đó kho báu của sức mạnh sự sống vượt lên cái chết. Liệu chúng ta sẽ là một Giáo hội khiêm nhường, có thể cùng đi trong tinh thần anh em với một nhân loại bị thử thách, với lòng tốt và lòng bác ái không? Với một đức ái hiện diện khắp nơi, liệu có khơi động các trí thông minh và lực lượng xã hội để tìm kiếm và tìm ra các con đường cho lợi ích chung và một đời sống tốt hơn không? Một Giáo hội “Rửa chân” của thời buổi chúng ta như Đức Phanxicô nói không? Ra biển rộng, trong một đại dương vẫn còn xa lạ với tất cả chúng ta, nhưng không bao giờ xa lạ với tình yêu của Chúa…
Trong Tuần Lễ Hiện Xuống chúng ta xin ơn Chúa Thánh Thần, là người cha của người nghèo, là ánh sáng của tâm hồn, là nguồn an ủi và khuyến khích, là sức mạnh chữa lành lỗi lầm, chữa tình trạng khô cằn, chữa các vết thương, sưởi ấm những gì lạnh lẽo, uốn thẳng những gì sai lệch. Chúng ta dâng lên Chúa Thánh Thần một khoảng không gian rộng mở của chờ đợi, của mong muốn, một không gian cụ thể của tâm trí và tâm hồn, của linh hồn và thể xác con người, để nó được thể hiện trong thớ thịt sâu đậm của tình nhân đạo chúng ta – thớ thịt của các chiến tranh và của các đại dịch – như một năng lực cứu rỗi chống lại sự mong manh và cô đơn, chống tình trạng khô cằn, chống hoang mang, chống các ảo tưởng lừa dối, chống tuyệt vọng, như sức mạnh hy vọng của một đời sống vĩnh cữu. Điều này chỉ có thể làm được với một Giáo hội khiêm nhường, trong tình anh em phục vụ cho một nhân loại bị thử thách. Và đó là điều quan trọng nhất.
Nguyễn Tùng Lâm dịch