Đức Phanxicô là người bảo vệ mạnh nhất cho người di cư
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 15 tháng 5, bà Amaya Valcárcel, điều phối viên quốc tế của Cơ quan giúp người Tị nạn và Di dân của Dòng Tên (JRS) cho biết, Đức Phanxicô là người bảo vệ mạnh nhất cho người di cư trong nước và người tị nạn.
Trả lời trong ngày tuyên bố của Đức Giáo hoàng về Ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn, bà Valcácel xin người di cư trong nước kêu cứu đến Giáo hội để làm cho tình trạng của họ được biết đến nhiều hơn.
Ngày 15 tháng 5, trong thông điệp của mình cho Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn vào ngày 27 tháng 9 sắp tới, Đức Phanxicô đã kêu gọi tín hữu kitô đối diện với thảm kịch thường vô hình mà cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng hơn.
Bà Amaya Valcárcel là luật sư người Tây Ban Nha nhấn mạnh đến tầm quan trọng tiếng nói của những người di cư trong nước. Trong bối cảnh này Giáo hội giúp để làm cho tình trạng của họ được nhiều người biết đến. Theo bà, để thực hiện được, tiếng nói của Đức Phanxicô là tiếng nói mạnh nhất bảo vệ cho họ.
Bà cho biết hoạt động của Cơ quan chủ yếu trên năm lãnh vực: cuộc chiến ở Syria, xung đột chính trị-sắc tộc ở Myanmar, khủng hoảng nhân đạo ở Vénézuela, xung đột ở Colombia, xung đột ở Cộng hòa Dân chủ Congo (RDC).
Bứng gốc ở chính nước mình
Bà Amaya Valcárcel cho biết, các tình trạng này cho thấy chỉ có hòa bình là giải pháp duy nhất để chấm dứt các vụ cưỡng bức di cư của người dân.” Bà ủng hộ lời kêu gọi của Đức Phanxicô ngày 29 tháng 4 xin “ngưng bắn toàn cầu.”
Đức Hồng Y Michael Czerny, người phụ trách Phân bộ người Di cư và Tị nạn của Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện nhắc lại nguồn gốc dấn thân của Giáo hội với người di cư có từ thời Thế chiến Thứ nhất sau năm dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919. Ngài giải thích, ngày nay có 47,5 triệu người di cư trong nước vì các xung đột bạo lực và 5,1 triệu người phải di cư vì các tai ương ngay chính trong nước họ, giữa những người dân hận thù nhau.
Tình trạng bấp bênh, điều kiện sống thường xuyên của người di cư
Về phần mình, linh mục Fabio Baggio, thuộc Phân bộ người Di cư và Tị nạn cho biết, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta hiểu tình trạng bấp bênh là tình trạng sống gần như thường xuyên trong thời đại dịch và cách ly này của họ. Ngài khuyên nên theo gương của các bác sĩ, y tá đã chăm sóc các bệnh nhân trong mấy tháng vừa qua, họ đã dám liều mạng sống của mình.
Sự im lặng của đường phố nhắc chúng ta biết lắng nghe hơn tiếng kêu của những người mong manh và tiếng kêu của hành tinh. Không ai có thể tự cứu mình và chúng ta không thể sống ích kỷ vì chúng ta đối diện với một thách thức chung, không trừ một ai.
Trong một video trong buổi họp báo, Đức Phanxicô tuyên bố: “Đây không phải là những con số, nhưng là những con người.” Các nhân chứng cho biết, khi họ đi trốn, họ chỉ nghĩ làm sao để cứu mạng sống của mình, của gia đình chứ không nghĩ gì khác.”
Phải đặt những người bị bỏ rơi lên hàng đầu
Linh mục Dòng Tên Joseph Cassar, thành viên của Cơ quan tị nạn Dòng Tên ở Irak cho biết, Ngày Thế Giới người Tị nạn là ngày để mọi người ý thức mục vụ phải đặt những người bị bỏ rơi này lên hàng đầu. Đây là năm thứ sáu Cơ quan giúp người Di cư và Tị nạn hành động. Năm 2014 có khoảng 6 triệu người Irak và Syria phải di cư sau khi bị tổ chức ISIS chiếm đóng, sau 6 năm con số này còn 1,4 triệu người di cư trong nước ở Irak. Linh mục cho biết: “Một chữ mà tôi thường nghe người di cư nói là chữ “bị bỏ quên”.
Ngài tuyên bố: “Ngoài vấn đề tài chánh là vấn đề thấy rõ, chúng ta còn phải dấn thân vì hòa bình. Ngoài các con số thống kê, việc đặt những người bị lãng quên lên hàng đầu chưa bao giờ quan trọng như bây giờ.”
Năm cặp động từ để giúp người di cư trong nước
Theo Đức Phanxicô, trước hết là “biết để hiểu”. Chẳng hạn đau khổ vì đại dịch là yếu tố thường xuyên trong đời sống người di cư. Thường thường chúng ta dừng lại ở các con số mà quên đi họ là những con người.
“Gần để phục vụ” vì sợ hãi và thành kiến nên đã làm chúng ta xa lánh người khác. Theo Đức Phanxicô chúng ta phải dám chịu bất trắc, như các bác sĩ, y tá, những người chăm sóc đã dạy chúng ta trong các tháng vừa qua.
“Để giải hòa phải lắng nghe”, trong thế giới của vô số thông tin, chúng ta thường đánh mất thái độ lắng nghe, cuộc khủng hoảng coronavirus nhận chìm chúng ta trong nỗi lo thinh lặng, nhưng cũng là dịp để chúng ta nghe tiếng kêu của những người có hoàn cảnh bấp bênh.
“Can dự vào để hành động”, theo Đức Phanxicô, chúng ta thường quên sự phong phú nơi những người chúng ta đến giúp. Đại dịch giúp chúng ta nhớ, cùng gánh trách nhiệm với nhau là điều cần thiết và chỉ khi có sự đóng góp của tất cả mọi người thì chúng ta mới có thể đối diện được với cuộc khủng hoảng
Cặp động từ cuối cùng là “hợp tác để xây dựng”, không để sự ghen tị lấn chiếm. Theo Đức Phanxicô, hợp tác quốc tế, tình đoàn kết toàn cầu và dấn thân địa phương là điều quan trọng.
Đức Phanxicô kết thúc thư của mình bằng lời cầu nguyện theo gương Thánh Giuse khi ngài đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu thoát khỏi sự bách hại của vua Hêrôđê.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch