Những con người trân quý sự im lặng
Tiếng ồn là một loại ô nhiễm được xếp ngang hàng với những loại ô nhiễm khác như: ánh sáng, nước, không khí, rác thải,… Từ tiếng đóng cọc đinh tai nhức óc của những công trình xây dựng, đến vô số âm thanh trên đường phố; từ những bài hát karaoke “bắt buộc phải nghe” đến tiếng động của vô số các loại máy móc đang hoạt động, khiến con người ngày càng giảm mức độ tập trung.
Và có những thứ tiếng ồn khác còn ô nhiễm hơn thế nữa. Đó chính là tiếng ồn ào trong nội tâm mỗi người. Thật vậy, biết bao nhiêu âm thanh, hình ảnh, tin tức, sự kiện đập vào mắt, lọt vào tai chúng ta hằng ngày hằng giờ qua laptop, tivi, điện thoại một cách chủ động hay vô thức, khiến chúng ta không thể rời mắt được. Để rồi nội tâm mỗi người ngày càng khó “bình yên” hơn, cuộc sống ngày càng hối hả, tất bật hơn… Sự ô nhiễm ấy đã dần dần làm cho “đôi tai tâm hồn” điếc đi từ từ, từ từ… Rồi ngày qua ngày, chúng ta quên mất Chúa.
Trong bức tranh u ám ấy, vẫn có những con người quyết tâm đi tìm sự im lặng. Đối với họ, “im lặng là vàng bốn số chín” bởi im lặng giúp họ sống thân tình với Chúa. Những con người ấy là các đan sĩ, mà một trong những dòng tiêu biểu chính là dòng Xitô.
Đời sống đan sĩ dòng Xitô
Dòng Xitô là một dòng đan tu có từ thế kỷ 11 (1098) với đấng sáng lập là Thánh Benedicto (?-547), vị thánh người Ý mà chính sự vĩ đại của Ngài đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI chọn làm bổn mạng của toàn Châu Âu. Cuộc sống đan tu Xitô là một đời tận hiến chiêm niệm, thể hiện sự thông phần mầu nhiệm Thánh giá, tuyên xưng sức mạnh và hoan lạc của ơn Phục sinh. Vì chuyên về chiêm niệm, các đan sĩ Xitô không hoạt động ở bên ngoài. Sinh hoạt hàng ngày chỉ trong khuôn viên đan viện hay còn gọi là trong nội vi đan viện. Khi có lý do đặc biệt mới được phép ra khỏi đan viện.
Cũng chính vì thế, cuộc sống của các đan sĩ phải giữ luật thinh lặng nghiêm nhặt, không được nói chuyện, trừ khi cần. Đan sĩ suốt ngày sống trong thanh vắng và giữ thinh lặng, đặc biệt từ giờ kinh tối đến sau kinh sáng, khi thật cần thiết mới nên nói đôi lời. Việc giữ thinh lặng giúp cho các đan sĩ dễ dàng kết hợp với Chúa, cầu nguyện cho Giáo hội, đặc biệc cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa. Để cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa, ngoài việc hy sinh thường ngày của các đan sĩ, mỗi ngày có một đan sĩ đại diện cho cộng đoàn chầu Thánh Thể một giờ, lần hạt một chuỗi, đi đàng Thánh giá một lần và dâng các việc hy sinh trong ngày cầu nguyện cho họ.
Giá trị của sự im lặng
Nhìn bên ngoài, đời sống đan sĩ có vẻ nhàm chán, cô đơn và lỗi thời. Nhưng thực tế, đời sống chiêm niệm này lại có một sức hút mãnh liệt đến kỳ lạ. Sự phát triển của dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu cho sức hút này. Dòng Xito Thánh Gia Việt Nam được thành lập tại Việt Nam hơn 100 năm trước (1918) bởi một linh mục thuộc hội thừa Sai Paris: cha Henri Denis Benoit (1880 – 1933 ) – hay tên gọi thân thương là cha Henri Denis Biển Đức Thuận. Khởi đầu đơn sơ với một vài anh em quyết sống đời khổ tu, chiêm niệm. Sau hơn 100, dòng Xito Thánh Gia Việt Nam đã có 12 đan viện trải dài từ bắc chí nam, hơn 1200 thành viên sống quây quần bên nhau, cùng nhau chuyên chăm cầu nguyện và lao động theo (Ora et Labora) theo linh đạo của thánh Benedicto và Cha lập dòng.
Sự im lặng không chỉ dành cho các đan sĩ, các đan viện ngày nay đã trở thành điểm đến thường xuyên cho các hoạt động linh thao, tĩnh tâm hàng năm của nhiều thành phần muốn tìm đến với Chúa. Chính những hoạt động giá trị ấy đã giúp biết bao bạn trẻ tìm gặp được Chúa, biết bao tâm hồn được làm sạch, để từ đó bay cao, vươn xa tới được Thiên Chúa.
Lời mời gọi đến các bạn trẻ hiện nay
Con người ngày nay quay cuồng với những âm thanh rộn ràng. Tiếng gọi giảm bớt ô nhiễm tiếng ồn bên ngoài và tiếng ồn bên trong đang là một thách thức của thời đại. Các bạn trẻ, người trẻ, khi đã hiểu được giá trị của sự thinh lặng, đặc biệt là thinh lặng nội tâm, nghĩa là chúng ta được mời gọi gìn giữ và phát triển những giá trị ấy. Và nếu chúng ta còn muốn đi xa hơn nữa, muốn ước ao có được một cộng đoàn sống suy niệm, im lặng, dòng Dòng Xito Thánh Gia Việt Nam luôn chào đón các bạn. Chúc các bạn giữa những ồn ào của cuộc sống vẫn nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại như lời Samuel khi nghe Chúa gọi trong đêm: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
— Nguồn ảnh: Pierre Nguyen —Thiết kế ảnh: Oteam