Các bề trên dòng Tên ở châu Âu kêu gọi liên đới đạo đức và xã hội
Các bề trên dòng Tên ở châu Âu kêu gọi liên đới đạo đức và xã hội
Hiệp hội các Bề trên thượng cấp của Dòng Tên Châu Âu đã gửi một thông điệp tới các tổ chức của Liên minh Châu Âu (EU) yêu cầu cổ võ “sự liên đới đạo đức và xã hội đích thực” trong thời kỳ đại dịch.
Thông điệp được ban hành ngày 08/05, nhân dịp kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và 70 năm sau tuyên bố của Shumann.
Mối liên hệ gắn kết tất cả các dân tộc ở châu Âu
Thông điệp nhấn mạnh rằng đại dịch virus corona đã củng cố nhận thức về mối liên hệ gắn kết tất cả các dân tộc ở châu Âu, vượt trên chủ nghĩa cá nhân. Chính trong những thời điểm mà các nhà thờ trống rỗng, các Bề trên thượng cấp của Dòng Tên Châu Âu mời gọi các chính phủ của các quốc gia nơi họ sống tái khám phá, trong cội nguồn Kitô giáo của họ, sự gần gũi giữa tất cả loài người. Đây là mối liên kết mà họ khám phá ra như nguồn lực thay đổi và liên đới. Trong vài tháng qua đã có lời kêu gọi liên đới với những người nghèo nhất, với tương lai của trái đất, với các dân tộc phía nam, và với người tị nạn và người di cư.
Suy nghĩ lại về mô hình toàn cầu hóa hiện nay
Các tu sĩ dòng Tên kêu gọi suy nghĩ lại về mô hình toàn cầu hóa hiện nay. “Chúng ta không thể sống lành mạnh trên một hành tinh bị bệnh. May mắn là Liên hiệp châu Âu đã trở lại tình liên đới thực hành, bao gồm thách thức đối mặt với hậu quả kinh tế và các vấn đề xã hội của đại dịch. Điều này nhất thiết đòi hỏi phân phối lại ở mức nào đó tài sản của các nước giàu nhất cho các nước nghèo nhất”. Tiếp đến, thông điệp xem xét tình trạng của người tị nạn và người xin tị nạn ở châu Âu: yêu cầu liên đới “cũng phải được khẩn trương mở rộng cho họ”, đặc biệt là những người bị giam cầm trong các trại tị nạn bên trong và tại các lối vào châu Âu.
Xóa nợ, viện trợ nhân đạo, đầu tư y tế và xã hội
Thông điệp cũng yêu cầu các nước phía Bắc “hủy bỏ nợ cho các nước nghèo nhất, tăng cường hợp tác phát triển và viện trợ nhân đạo, và chuyển hướng chi tiêu quân sự sang các dịch vụ y tế và xã hội”. Cuộc khủng hoảng cũng là một “cơ hội thiêng liêng để hoán cải” và Dòng Tên bày tỏ hy vọng không trở lại “sự bình thường như cũ” mà là “làm việc cho một sự thay đổi triệt để, lấy cảm hứng từ niềm tin sâu xa nhất của chúng ta”. (Fides 09/05/2020)
Hồng Thủy