Giải Mã Mầu Nhiệm
Chúa Nhật 3 PS (A) Giải Mã Mầu Nhiệm
Không dễ để hiểu và chấp nhận sự chết và phục sinh của Đức Giêsu; không dễ để tin và dựa vào những chứng cứ xác thực để chứng minh về sự Hiện diện của Đấng Phục sinh đang sống và trở nên chứng nhân cho Người.
Đức Giêsu, Đấng Kitô đã chết. Không gì có thể đảo ngược lại tình thế, vì chết là hết. Thấy hay không thấy xác Đức Giêsu trong mồ, hoặc đã bị lấy đi, điều đó không còn quan trọng, vì chẳng có chuyện người chết sống lại, mà sống lại để không – làm – gì, cũng thế mà thôi. Không còn gì quan trọng có thể níu họ ở lại, họ lê gót trở về trong nỗi thất vọng, cay đắng trên từng bước chân của mình.
Bám víu lấy những kí ức để sống là phi lý khi những hoài bão đã vỡ tan. Những góc nhìn phiến diện, những lý do chủ quan đưa ra, đã gây nên một cuộc tranh luận gay gắt giữa hai môn đệ trên đường đi Emmau đến nỗi, họ không biết có sự hiện diện của một khách bộ hành cùng đi với họ. Mắt họ còn bị ngăn cản không biết đó là Đức Giêsu.
Điều gì khiến mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Đức Giêsu? Vì nhãn giới trần tục của họ bị ám bởi những khát vọng đầy mùi vị thế gian; vì trí lòng họ còn chứa đầy những logic của con người, chưa hiểu được lời các ngôn sứ trong Kinh thánh, chưa biết được kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, chưa được khai sáng bởi đức tin. Vì đức tin là ân ban, không phải thành tựu của khôn ngoan con người; mầu nhiệm là sự nhận lãnh, chứ chẳng bởi do kiểm nghiệm bằng các giác quan.
Họ theo Chúa không phải vì Chúa, mà vì mục đích riêng; họ chỉ nuôi dưỡng những khát khao, chỉ thích nghe theo sự thôi thúc của những vọng tưởng, thế nên, tất cả tan tành trước cái chết của Đức Giêsu, Đấng mà họ coi như một ngôn sứ có quyền năng của Thiên Chúa. Sự thất vọng bao phủ họ như nấm mồ u ám.
Nhưng Đức Giêsu đã đồng hành với họ, nhẫn nại lắng nghe tâm tư tình cảm, để họ trút ra những gì làm mắt họ bị ngăn cản, trí não họ như bùn đất và tâm hồn như bị đóng băng. Rồi Người mới bóc tách những suy nghĩ phàm trần của họ qua việc kiên trì giải thích Kinh thánh, giúp họ lần ra “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt Kinh thánh, là lời các ngôn sứ báo trước về ơn cứu độ của Thiên Chúa, về sự cứu chuộc của Đức Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Người.
Mắt họ được sáng, không phải đôi mắt trần, mà là con mắt đức tin, đã khiến lòng họ bừng cháy, không phải là những khát vọng trần tục, mà là niềm hy vọng của cuộc sống mới. Niềm vui khám phá và sự an bình nội tâm mà vị khách lạ đem đến khiến họ háo hức, khẩn khoản nài xin Người ở lại với họ vì trời đã tối, hay nói khác đi, vì ánh sáng đức tin mà vị khách đồng hành đã thắp lên, đã rọi sáng vào tâm hồn tăm tối của họ, khiến họ muốn ở mãi với Người.
Trong bữa ăn tối, Đức Giêsu chủ động cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Mắt họ được bừng mở và họ nhận ra Người. Cử chỉ ấy chỉ có nơi vị Thầy mới đây đã làm trong phòng Tiệc ly. Không thể nhầm được. Họ biết rằng, người ta không thể nhìn thấy Đức Giêsu Phục Sinh bằng cặp mắt nhân loại, mà chỉ nhận ra Người hiện diện với cặp mắt đức tin được Chúa ban tặng.
Từ đây, với kinh nghiệm quý giá này, họ biết chắc Người luôn ở với họ, với nhân loại trong Kinh thánh, qua việc Bẻ Bánh trong cộng đoàn những người tin, chứ không còn qua hình dạng theo kiểu loài người nữa. Như thế, Bữa Tiệc Ly với tất cả ý nghĩa của nó, trở nên sống động trong tâm khảm của cộng đoàn của Đức Giêsu phục sinh, Đấng đang sống, đang hiện diện và đang cử hành.
Trở lại Giêrusalem, họ gặp các tông đồ để chia sẻ niềm vui, để làm chứng cho Đấng Phục Sinh hiện ra với họ, và chính họ cũng được các tông đồ củng cố chứng tá ấy, khi thuật lại việc Đấng Phục Sinh hiên ra cho ông Simon Phêrô.
Như thế đức tin chính là ơn huệ của sự Phục sinh, và người ta chỉ có thể hiểu Kinh Thánh khởi đi từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu, và cũng chỉ có thể hiểu về mầu nhiệm phục sinh nhờ Kinh thánh và cử hành lễ Bẻ Bánh.