Roger-Pol Droit: “Suy nghĩ lại về cái chết, không bị mê hoặc, không hoành tráng vĩ đại, không trốn tránh, không dửng dưng”
Một tang lễ tại giáo phận Dijon nước Pháp trong thời đại dịch.
Học chết sao?
Con số rùng rợn mỗi ngày mỗi tăng. Từ đầu đại dịch, hơn 100 000 nạn nhân trên tất cả các châu lục đã chết vì Covid-19, ngày mai sẽ có thêm bao nhiêu? Rất nhiều người trong chúng ta đã quá buồn vì người thân, bạn bè đã khuất. Ai cũng sợ cho người thân và cho chính mình. Bỗng trên toàn hành tinh, cái chết có mặt khắp nơi, lởn vởn đâu đó.
Chúng ta gần như đã quên nó, cứ xem nó là vô hình, cứ đưa nó vào bóng tối và im lặng. Dĩ nhiên chúng ta biết “đã là người thì phải chết.” Nhưng đó chỉ là sự thật mơ hồ, không phải là một thực tế ám ảnh và không hiển nhiên để chạm vào được. Bây giờ, bóng ma có mặt, như thử nó đến từ một nơi nào khác, trở về từ một thời đại khác. Và với sức mạnh điếng người của nó.
Bài tập để tâm hồn cương nghị
Vậy là chúng ta đi tìm phương cách cứu vãn, đi tìm hỗ trợ. Chúng ta chỉ biết bám vào công thức danh tiếng: “Triết lý là học chết.” Triết gia Platon gán câu này cho thầy của mình là triết gia Socrate (thế kỷ thứ V trước công nguyên), triết gia Montaigne thế kỷ 16 dùng câu này để đặt tựa cho một chương của tập Tiểu luận của ông (Les Essais , sách 1, chương 20), triết gia Schopenhauer trở lại với nó vào thế kỷ 19. Để dứng vững, chúng ta có nên tìm một phương pháp được chứng nghiệm không? Chúng ta có hỏi triết gia Epicure giải thích lại cho chúng ta hiểu, làm sao xóa tan một cách hợp lý nỗi lo âu, vì sao “cái chết chẳng là gì đối với chúng ta” như Thư gởi Ménécée của ông nói không? Chúng ta có nên mượn tinh thần khắc kỷ của các triết gia cổ đại Marc-Aurèle hay Sénèque để rèn luyện tâm hồn cương nghị, để tỉnh táo rời khỏi bàn tiệc, không hối tiếc không?
Không có gì bảo đảm tất cả các phương pháp này sẽ hiệu quả, cũng như sẽ thích ứng với thời buổi chúng ta đang trải qua. Thêm nữa, “học chết” nếu hiểu theo nghĩa đen là chuyện phi lý. Học, là mò mẫm, là ôn lui ôn tới, là bắt đầu lại. Học bất cứ gì cũng vậy, dù đó là một nhạc cụ, một môn thể thao, một ngôn ngữ, mọi học hành đều là công việc lặp đi lặp lại. Với cái chết, chỉ một lần, không kinh nghiệm, mọi chương trình học hỏi kiểu này đều vô nghĩa.
Nhưng với công thức của Platon thì học ở đây mang một ý nghĩa khác. Trong quyển Phédon, Socrate hấp hối khi uống chén thuốc độc vẫn còn trao đổi với các môn đệ của mình. Ông giải thích cho các môn đệ, “ai triết lý thì họ thực sự đòi hỏi cái chết” và thực hành nó. Vậy, đây không phải là thích tự tử cũng không phải là để an ủi bạn bè đang đau buồn của mình. Để bỏ đi cơ thể của mình, các lỗi lầm, các ảo ảnh do nó tạo ra, các thay đổi triền miên mà nó đi lạc trong đó, đó, “cái chết” có nghĩa như vậy. Theo triết gia Platon, mong muốn của triết gia gắn vào các sự thật vĩnh cữu mà chỉ có tinh thần mới có thể nhìn thấy.
Không mê hoặc, không tránh né
Đối với chúng ta ngày nay, nó dường như không phải là một trợ giúp hiệu quả. Một vài nhà theo học thuyết Platon hiếm hoi kiên trì đâu đó, mơ điều bất biến. Nhưng đó là một thời gian dài kể từ khi có nhiều thuốc giải độc và vắc-xin đã được phát triển. Triết gia Spinoza nhắc lại, ý tưởng là “suy niệm về sự sống chứ không phải về cái chết.” Triết gia Nietzsche đã chứng tỏ cho thấy, trong triết học cũng như trong khoa học, tôn thờ sự thật một cách mù quáng là nguy hiểm, bệnh hoạn và chết chóc như thế nào.
Mélétô, động từ Hy Lạp được dịch là “học” trong công thức này, có nghĩa là “thực hành”, nhưng cũng có nghĩa là “chăm sóc”, “để làm quen.” Suy nghĩ lại về cái chết, không hoang tưởng, không hoành tráng vĩ đại, không tránh né, không dửng dưng, sau sự phủ nhận sâu đậm đánh dấu cho thời buổi chúng ta, đây là lý do vì sao thảm kịch hiện tại kích động chúng ta. Mặc chiếc áo choàng hy lạp hay la-mã có nguy cơ làm thất vọng, cũng như chơi lại kiểu cầm hộp sọ khổ hạnh của các tín hữu cổ điển kitô. Chỉ cần xem lại phiên bản 2020 để đừng quên, rằng cái chết vẫn tồn tại, vẫn chờ chúng ta. Chúng ta phải chiến đấu để đẩy nó lui, và để đến đó, biết rằng thất bại sẽ đến. Và điều này được gọi là “học sống.”
Marta An Nguyễn dịch