“Với cuộc khủng hoảng này, có một môi nguy hiểm toàn cầu là đặt sự phi lý vào trung tâm chính trị“
Nếu cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến coronavirus mang khía cạnh bi thảm, nhà nghiên cứu về văn hóa Hy Lạp Pierre Judet de La Combe, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Xã hội (EHESS) báo động về sự nguy hiểm của một loại diễn giải huyền thoại về các sự kiện.
Báo La Croix: Con khủng hoảng sức khỏe hiện nay có mang nét bi thảm không?
Pierre Judet de La Combe: Bi thảm là tình trạng thảm họa không thể đảo ngược lại được. Cái sau không còn như cái trước, và nó trải qua bằng thảm họa. Đó là cuộc khủng hoảng về trật tự của sự vật, của xã hội mà trong đó cá nhân con người, căn tính con người bị đảo lộn. Tình trạng khó xử của bi kịch là hoàn toàn, không lối thoát, gần như luôn dính vào câu chuyện về mối quan hệ huyết thống.
Chẳng hạn nhân vật Agamemnon phải giết con gái mình để được tham chiến ở thành Troie, đã viện dẫn các ý tưởng về luật pháp và công lý để hợp pháp việc giết hại chính gia đình mình, có nghĩa là tự bắt mình chịu các khổ hình nặng nhất.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, may thay chúng ta không ở trong các tình trạng thái cực như thế. Nhưng việc phải lọc bệnh nhân để chữa, cần quyết định giữa hai giải pháp mà không giải pháp nào có thể chấp nhận được, như thế thì thật đau lòng. Thêm nữa, không được thăm người thân trong giờ phút cuối ở bệnh viện vì sợ lây nhiễm, cũng tạo xung đột giữa hai mệnh lệnh, một bên là bổn phận với xã hội cần phải cách ly và một bên là tiếng gọi thiết yếu của tâm hồn mình.
Chúng ta có cùng thớ thịt với người thân, cùng máu mũ mà chúng ta phải cắt đứt vì họ qua đời. Không gần họ trong giây phút cuối dù họ không còn biết gì là cả một thảm họa.
Có phải nạn dịch cũng làm gợi lên hình ảnh anh hùng đó không?
Chủ nghĩa anh hùng là chiến đấu chống một loại thứ trật nào đó, vượt những gì có thể có trong thực tế. Các người chăm sóc hoàn thành sứ vụ của họ mà họ không có trong tay các phương tiện cần thiết để làm, họ anh hùng theo nghĩa họ phải hành động như thể họ mạnh hơn thế. Nhưng khó khăn của họ không đến từ số phận, nó đến một phần từ các quyết định chính trị, chẳng hạn như việc không làm việc trong các bệnh viện công.
Và ngoài việc nhắc đến các nhân vật phi thường, tốt hơn nên đưa ra khái niệm về đức hạnh. Vì ngoài các đức tính như can đảm, thận trọng, cũng còn các đức tính khác như bác ái, hy vọng nơi những người săn sóc, đó là các đức tính mang tính tập thể chứ không phải chỉ các cá nhân phi thường. Mỗi người đều tự do với lương tâm của mình, và họ tự đặt mình tuân thủ các đức hạnh này, đó là điều phi thường.
Đó sẽ là một trong các bài học lớn của cuộc khủng hoảng này?
Bi kịch đòi hỏi chúng ta, và đó là lý do nó luôn chất vấn chúng ta, suy nghĩ về những gì tạo nên xã hội. Các vị thần, các luật lệ, chính trị, tất cả đều làm cho chúng ta gắn kết với nhau. Cá nhân bi thảm không tồn tại một mình. Nó bị phá vỡ bởi một mâu thuẫn triệt để giữa cái tôi riêng tư nhất và các thể chế bao lên nó. Trong bi kịch, các cảm xúc, sợ hãi và thương hại là vừa cả cá nhân lẫn tập thể. Trên sân khấu, dàn hợp xướng phản ứng với âm mưu, hoảng loạn, cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Sẽ phải có một cái về sau.
Bi kịch luôn là một suy tư về thực tế, luôn vượt ra ngoài những gì chúng ta có thể xây dựng một cách hợp lý. Triết lý, khoa học tìm cách đưa ra một lý thuyết về thực tế. Bi kịch không bằng lòng với nó, vì thực tế, cụ thể là các vị thần đối với bi kịch là ràng buộc, là nguyền rủa. Cái thực bị đóng lại vì chúng ta như tù nhân của các lựa chọn không thể thực hiện được, nhưng dù sao chúng ta cũng hành động.
Liệu bi kịch có thể đưa ra một lối thoát cho các mâu thuẫn này không?
Một vài vở kịch – không phải tất cả – có đưa ra một giải pháp. Những gì bi kịch nói ra là đưa ra một lý thuyết hài hòa xã hội trong một xã hội không hoạt động, vì cái ác là nọc độc dữ dội và nó ở khắp nơi. Thay vì cố gắng đẩy nó ra ra khỏi cổng thành thì phải hội nhập nó vào. Nhập nó vào trong các thể chế phần không nắm bắt này, cho nó một phần vào những điều mà chúng ta không biết.
Nhưng trên hết đừng thờ nó. Tổ chức chính trị xung quanh điều phi lý này là một sự nguy hiểm vô cùng lớn. Đặt huyền thoại vào trọng tâm chính trị đã tạo ra những điều khủng khiếp nhất: chủ nghĩa phát xít và gần đây là chủ nghĩa thánh chiến. Trong tác phẩm Huyền thoại của Quốc gia (Le mythe de l’État) của tác giả Ernst Cassirer xuất bản năm 1945, ông phân tích chủ nghĩa phát xít như một loại chính sách cực kỳ hiện đại của huyền thoại. Xem con người không làm chủ số phận mình dẫn đến sự man rợ.
Có một nguy cơ nào trong việc diễn giải các sự kiện chúng ta đang sống không?
Vì tất cả các lý do mang lại cho nó một chiều kích thảm kịch, chúng ta thấy nảy sinh ra cám dỗ muốn cho nó một ý nghĩa huyền thoại cho cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay. Một vài người sẽ nói đây là thần thánh phạt, hay là lỗi của người phương Tây, và chúng ta cũng còn nghe nói đây là thiên nhiên phạt. Điều này vô nghĩa. Có một nguy hiểm toàn cầu và khắp nơi, với cuộc khủng hoảng này chúng ta đặt điều phi lý vào trung tâm chính trị.
Trong tai ương hiện nay, có các yếu tố bi thảm, nhưng không phải các vị thần áp đặt lên chúng ta tai ương này. Vi-rút thì luôn tồn tại, và chúng ta có các giải pháp khoa học như vắc-xin. Mọi thứ được mở ra, con người có thể hành động cho tương lai. Mặt khác có một bi kịch về lý do chính trị và lịch sử.
Nếu sau giai đoạn cách ly này, các hệ thống chính trị trở lại như cũ thì sẽ rất khủng khiếp. Điều này có nghĩa xã hội chúng ta hoàn toàn bị chặn lại, dù có ý chí cải cách, cấu trúc không thể lay chuyển và không còn cho phép chúng ta hành động. Như thế mới thực sự bi thảm.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch