ĐTC Phanxicô cử hành nghi lễ tưởng niệm Thương Khó của Chúa Giêsu
Trong bài giảng, cha Cantalamessa suy tư về sự kiện cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cha khẳng định rằng như người cha người mẹ, Thiên Chúa đau khổ với chúng ta để vượt qua đau khổ. Cha mời gọi cầu khẩn xin Thiên Chúa giúp đỡ.
Lúc 6 giờ chiều thứ Sáu Tuần Thánh 10/04, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Cũng như Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, trong hoàn cảnh phòng ngừa đại dịch, nghi lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó được cử hành hết sức đơn sơ, không có sự tham dự của đông đảo tín hữu như mọi năm.
Hiệu quả từ sự chết của Chúa GIêsu
Trong bài giảng, cha Cantalamessa, Giảng thuyết viên Phủ Giáo hoàng mời gọi các tín hữu suy niệm về khía cạnh tích cực của một sự kiện, dù là sự ác khủng khiếp nhất như Bài Thương Khó của Chúa Giêsu được thuật lại trong các Tin Mừng. Cha nói: “Nếu chúng ta dừng lại ở các nguyên nhân lịch sử về cái chết của Chúa Giêsu thì chúng ta bị bối rối và mọi người sẽ bị cám dỗ nói như quan Philato – tôi vô can trong vụ đổ máu người này. Thánh giá tốt hơn nên được hiểu bởi hiệu quả của nó hơn là bởi nguyên nhân. Hiệu quả sự chết của Chúa Kitô là được nên công chính nhờ tin vào Người, được hòa giải và giao hòa với Thiên Chúa, và được tràn đầy hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu.”
Một hiệu quả khác là thánh giá Chúa Kitô thay đổi ý nghĩa đau khổ của con người. Nó không còn là hình phạt, sự nguyền rủa. Khi Con Thiên Chúa mang lấy những đau khổ thì Ngài đã cứu độ con người tận gốc rễ của đau khổ.
Đại dịch Covid-19 giúp con người ý thức sự mong manh của mình
Áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, cha Cantalamessa nhìn ra những điểm tích cực trong tình trạng bi thương hiện này. “Đại dịch virus corona đã bất ngờ đưa chúng ta ra khỏi nguy hiểm lớn nhất mà các cá nhân và nhân loại luôn có: ảo tưởng về sự toàn năng của mình.” Con virus nhỏ xíu vô hình nhắc chúng ta rằng chúng ta không bất tử, và các sức mạnh quân sự và kỹ thuật không đủ để cứu chúng ta. Thiên Chúa không phải là đồng minh với virus nhưng là đồng minh của chúng ta. Ngài tham dự vào đau khổ của chúng ta để vượt qua nó.
Con người trở nên liên đới hơn
Cha Cantalamessa nêu lên một điểm tích cực nữa trong cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại là con người trở nên liên đới với nhau, cảm thấy cần nhau. Có khi nào các dân tộc trên thế giới lại cảm thấy mình hiệp nhất, bình đẳng và bớt xung đột hơn trong thời khắc đau khổ này?
Hãy kêu cầu Chúa trong mọi lúc
Cha giảng thuyết kết thúc bài giảng với lời mời gọi hãy kêu cầu Chúa trong mọi lúc. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta “hãy gõ thì sẽ được mở”. Như dân Do thái trong hoang địa bị rắn cắn, vào lúc đau khổ này, chúng ta hãy ngắm nhìn Đấng chịu đóng đinh vì chúng ta. Ai nhìn vào ngài với đức tin sẽ không chết và nếu người ấy chết thì sẽ được bước vào đời sống vĩnh cửu. (REI 10/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican