Thiên Chúa lo cứu kẻ lạc
Thiên Chúa lo cứu kẻ lạc
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa.
Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời
Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi
ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ
luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn
các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa:
“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình
ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với
đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn
chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt.
Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng
thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn
chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn
cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân
như thế.
Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần
Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi
một tội nhân ăn năn hối cải.
Trọng tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay nêu bật khía cạnh sâu xa nhất của
tình yêu đó là sự tha thứ, một sự tha thứ được gói trọn trong tình yêu khoan dung
vì tình yêu này không đóng khung kẻ mình yêu trong những ngục tù của lỗi lầm,
của quá khứ. Tình yêu này cũng không giới hạn kẻ làm ơn trong hiện tại đen tối
của người ấy mà còn phóng tầm mắt nhìn về những điều họ có thể trở nên tốt hơn
trong tương lai.
Trong cách hành xử của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài sẵn sàng tha thứ để
biểu lộ một tình yêu chân thành qua việc Ngài tiếp xúc với những người thu thuế,
làm bạn với những người bị xã hội thời bấy giờ gán cho là kẻ tội lỗi. Ngài không
ngăn cấm họ năng lui tới nơi Ngài giảng dạy, hơn nữa Ngài còn cùng ăn uống đồng
bàn với họ. Những cuộc gặp gỡ giao tế này minh chứng rằng Chúa Giêsu nhìn
những kẻ thu thuế và những người tội lỗi trong hai trạng thái: trạng thái hiện tại
của họ và trạng thái họ có thể trở nên tốt lành hơn trong tương lai. Trong hiện tại,
mặc dù đang sống trong tình trạng tội lỗi nhưng họ biết lắng nghe lời Chúa để khởi
sự tiến những bước đầu tiên trên con đường hoán cải, và những điều họ có thể trở
nên minh chứng qua những hành động cụ thể sau đó. Thí dụ như hành động dứt
khoát với quá khứ tội lỗi để đi theo Chúa của ông Mátthêu. Là một người thu thuế,
khi được Chúa gọi, ông đã bỏ bàn thu thuế đứng dậy và đi theo làm môn đệ Chúa.
Hay qua sự hoán cải của một người thu thuế khác sau khi gặp gỡ Chúa và nghe
Ngài dự định tới trọ nhà mình, ông Zakêu đã hứa là sẽ lấy nửa gia tài của mình mà
phân phát cho những người nghèo và bồi thường gấp bốn cho những ai ông đã làm
thiệt hại.
Chúa Giêsu ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một Chúa Giêsu duy
nhất không bao giờ thay đổi. Lòng nhân hậu vẫn khiến Ngài rảo bước đi tìm những
con chiên lạc và khi gặp thấy thì mừng rỡ đặt nó lên vai mang về nhà và bảo người
láng giềng: “Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc”. Như thế, đối
với Chúa Giêsu, Ðấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, không ai dại gì mà để cho
con người phải chịu đóng dấu vào những vòng tội lỗi và rồi bị xếp loại vào những
người bị kết án muôn đời.
Một Thiên Chúa sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một
Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vì tình thương vô biên của Ngài.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót
vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm
xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.
Thiên Chúa chia sẻ với mọi người, để họ nhận ra lòng thương xót vô cùng
của Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Ô-sê: “Tim Ta rạo rực trong
Ta, cùng với lòng từ bi rung động … Vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải là
người, Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi; Ta không đến với ngươi trong cơn thịnh
nộ”. Chính vì Thiên Chúa không vứt bỏ những tội nhân, nhưng còn cảm thấy vui
mừng lớn lao khi tha thứ cho họ, nên Đức Giêsu chăm lo cho họ và đồng bàn với
họ. Những kẻ giả hình công chính phải lo ăn năn trở về, thay vì lẩm bẩm kêu trách.
Như thế, họ sẽ không được chia sẻ sự vui mừng do lòng thương xót Chúa ban.
Dù ăn uống với những người tội lỗi, Người luôn luôn kêu gọi phải từ bỏ tội
lỗi, ăn năn sám hối trở về, Người chỉ cho thấy ai đáp lại lời kêu gọi này thì không
bị cơn giận của Thiên Chúa đổ xuống, nhưng được vui mừng hưởng lòng thương
xót và ân phúc cứu độ của Ngài.
Qua hình ảnh vị Mục Tử nhân lành vác con chiên đã đi lạc lên vai sau khi
tìm được và niềm vui của bà chủ khi tìm thấy đồng bạc bị đánh mất cho chúng ta
thấy rõ ràng một Thiên Chúa luôn hướng tới tương lai, không hề có ý định đóng
dấu tội lỗi trong quá khứ cho bất cứ ai, nhưng không ngừng đi tìm kiếm người tội
lỗi và mong họ trở về.
Đây là niềm tự hào và an ủi cho người Kitô hữu, bởi chúng ta được thuộc về
Thiên Chúa tình thương, đồng thời an ủi là vì mỗi người đều là tội nhân trước mặt
Thiên Chúa, nhưng được Ngài yêu thương.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy biết tin tưởng vào tình thương của
Thiên Chúa, can đảm quay trở về với Người để được Người yêu thương. Đồng
thời, noi gương Chúa, chúng ta không được coi thường, khinh bỉ người tội lỗi, bởi
vì thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai. Thế nên, xin
cho chúng ta hãy biết tha thứ và đối xử nhân hậu đối với những người tội lỗi như
chính Chúa đã đối xử nhân hậu với chúng ta.