Dấu Lạ Ông Giôna
14.10 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm
Gl 4:22-24,26-27,31; Gl 5:1; Tv 113:1-2,3-4,5,6-7; Lc 11:29-32
Dấu Lạ Ông Giôna
Chắc mỗi người chúng ta ít nhiều đều trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do Thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi.
Ðể tin nhận Chúa, cần phải thực hiện một ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: “Quả thực, ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy”.
Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ. Dân thành Ninivê đã được Chúa nhắc lại để nêu gương vì họ đã tỏ ra mau mắn đáp lại lời rao giảng của tiên tri Giôna mà ăn năn thống hối. Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái độ như thế nào trước những dấu lạ Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, để mời gọi ăn năn hối cải trở về tin nhận Chúa. Ðức tin không phải là kết luận đương nhiên của những dấu lạ nhưng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho những tâm hồn khiêm tốn, biết ăn năn hoán cải vì những lỗi lầm của mình.
Nơi câu 14 chương 11, Phúc Âm theo thánh Luca, trong khi đã chứng kiến tận mắt phép lạ Chúa Giêsu trừ quỉ thì có kẻ trong đám đông đưa ra lời giải thích đầy ác ý: “Ông ấy dựa trên quỉ vương Bêendêbun, quỉ cả mà trừ quỉ con”, kẻ khác lại muốn thử Ngài nên đòi Ngài một dấu lạ từ trời.
Ðoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc lại trên đây có thể được ta hiểu trong khung cảnh sự ngoan cố không tin của những người Do Thái, nhất là của những vị lãnh đạo đầy ác ý và ganh tị với Chúa. Chúa Giêsu nhận định về họ như sau: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ, nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gioan”. Xin Chúa ban cho một dấu lạ để củng cố một quyết định không phải là một điều xấu nếu ta xin bởi lòng khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa. Các thánh thường làm như vậy để được củng cố giữa những thử thách. Khiêm tốn xin Chúa một dấu lạ với một tâm hồn ngay thẳng, tin tưởng, phó thác khác với một thái độ ác ý, thách thức. Và Chúa Giêsu từ chối chiều theo thách thức ác ý của những kẻ ngoan cố không tin.
Tin Mừng hôm nay là một trong những cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người Do Thái. Cuộc chạm trán xảy ra này được Thánh Sử Luca đặt vào chương IV nói về việc Đức Giêsu lên Giêrusalem. Trong hành trình lên Giêrusalem, người Do Thái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ từ trời (câu 16), vì họ quan niệm dấu lạ là những kỳ công Thiên Chúa thực hiện như trong thời Môsê và thời ngôn sứ Êlia. Ở đây Chúa Giêsu nói về dấu lạ của ngôn sứ Giôna, một dấu lạ đã xảy ra trong thời Cựu ước.
Ngay câu đầu của bài Tin Mừng, chúng ta đã thấy mục đích và đối tượng mà Chúa Giêsu nói về dấu lạ ngôn sứ Giôna. Có một đám đông người Do Thái, họ tụ họp đông đảo quanh Chúa Giêsu. Chúa Giêsu gọi họ là “Thế hệ gian ác”. Họ vây quanh Chúa Giêsu chỉ để xin một dấu lạ. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định : họ sẽ không thấy một dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ ngôn Giôna. Thoạt nghe, chúng ta thấy hơi nghịch lý, vì sau đó họ đã chứng kiến bao phép lạ Chúa làm: chữa bệnh, xua trừ ma quỉ, cho người chết sống lại…
Nhưng ở đây, tác giả muốn nói tất cả những phép lạ Chúa Giêsu làm đều là dấu chỉ cho một phép lạ lớn nhất : Đó chính là con người và hành đông của Chúa Giêsu. Ngài còn nói rõ : Ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê, thì Con Người cũng sẽ là dấu lạ cho thế hệ này y như vậy ( c. 30). Chúng ta đã biết Giôna ở trong bụng cá 3 ngày đêm ( Mt 12,40) là hình ảnh tiên báo về việc Đức Giêsu ở trong lòng đất 3 ngày đêm trước khi Người sống lại. Đây là một lời tiên tri của Đức Giêsu nói về sự chết và phục sinh của Ngài, nói về uy quyền của Thiên Chúa, đúng hơn nói về bản tính Thiên Chúa của Ngài.
Có lẽ khi nói về sự phục sinh của Ngài dân chúng không hiểu, nên Chúa Giêsu đưa thêm một hình ảnh, một con người cụ thể trong Cựu ước để dân chúng nắm rõ vấn đề hơn. Ngài nói : Trong ngày phán xét, nữ hoàng phương Nam sẽ kết án những người thuộc thế hệ này, vì bà đã cất công bôn ba khó nhọc để tìm đến học hỏi sự khôn ngoan của một con người : Vua Salomon. Và Đức Giêsu kết luận : Ở đây còn hơn vua Salômôn nữa. Thật vây, Đức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài còn được mệnh danh là Đấng khôn ngoan. Một sự khôn ngoan từ Thiên Chúa, từ trời đến với con người nhưng lại bị con người chối từ. Nữ hoàng phương Nam khi nghe danh khôn ngoan của Salômôn, bà đã đến học hỏi.
Vậy mà nay khi dân Do Thái tiếp cận với Đấng khôn ngoan họ lại chối từ. Vì lý do ấy, nữ hoàng sẽ tố cáo và lên án họ trong ngày sau cùng. Sau khi dẫn chứng về sự lên án của nữ hoàng phương Nam, Chúa Giêsu lại quay trở lại vấn đề của dân thành Ninivê. Một dân thành tội lỗi ghê gớm, dữ dằn trong thời Cựu ước, thế mà đã ăn năn sám hối, trở về cùng Thiên Chúa khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna- một con người bình thường, một sứ giả của Thiên Chúa. Dân Ninivê sẽ tố cáo “thế hệ này” (người Do Thái) vì họ đã cứng lòng, “bưng tai bịt mắt” trước những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, một đại ngôn sứ của Thiên Chúa-một Đấng Mêsia- một Thiên Chúa “ở cùng” họ… Và Chúa Giêsu đã kết luận : ở đây còn hơn ông Giôna nữa (c. 32). Khi nghe câu kết luận này, chúng ta cũng thấy lòng mình chùng xuống. Chắc hẳn Chúa Giêsu buồn lắm khi Ngài thốt lên những lời này, vì thấy lòng dạ chai đá của người Do Thái.