Giá phải trả cho tính kiêu ngạo – đắt cỡ nào?
Nội dung
Giá phải trả cho tính kiêu ngạo – đắt cỡ nào?
Khoảng 23h00 ngày 5-3, ô tô BKS 30H-119XX đang di chuyển trên đường Trần Cung, hướng đi Phạm Văn Đồng, đã va chạm với 1 xe máy đang dừng sát vỉa hè. Với nồng độ cồn đo sau 4h xảy ra va chạm kết quả 0,573mg/l khí thở, người phụ nữ đi ô tô còn có thái độ chửi mắng, dí đầu và gọi cảnh sát giao thông xử lý người bị va chạm. Xét trên khía cạnh thái độ, đó là hậu quả của sự ngạo mạn, kiêu căng của người tự xưng “ cháu một bộ trưởng” nhưng thực tế công bố báo chí là không phải.
Ảnh: divany.hu
Hiểu như thế nào về ngạo mạn, kiêu căng?
Ngạo mạn (từ Hy Lạp cổ đại) mô tả phẩm chất cá tính của niềm kiêu hãnh đến mức cực đoan hoặc ngu ngốc, hoặc sự tự tin thái quá, thường kết hợp đồng nghĩa với sự kiêu ngạo.
Sự kiêu ngạo, là thái độ tự đề cao mình, coi mình là trung tâm quy chiếu của sự đúng đắn, tự cho mình quyền được áp đặt người khác. Ngạo mạn thường ám chỉ sự xa rời với thực tế và đánh giá quá cao năng lực, thành tích hoặc khả năng của chính mình. Phán xét người khác, coi thường người yếu thế, nhưng không chấp nhận được sự phê bình của người khác, khó lắng nghe, không chấp nhận sai lầm và thay đổi.
Sự tự cao diễn ra trên nhiều khía cạnh: chủ nghĩa quốc gia, từ sự kỳ thị chủng tộc, màu da, từ sự phân biệt đẳng cấp và tầng lớp, từ học vấn, sự giàu có, sự danh giá, quyền thế, từ hiệu năng con người có thể thực hiện.
Nguyên nhân chính yếu của sự kiêu ngạo xuất phát từ xem mình là trung tâm vũ trụ hơn là đặt con người mình trong hình ảnh của Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa mà có, coi mình đầy quyền năng, không thấy mình là hữu hạn.
Không biết hoặc không thực hành đúng tôn trọng nhân vị của người khác với đầy đủ 5 khía cạnh: thể xác và tâm hồn, con người hướng về siêu việt và là nhân vị độc đáo, con người bình đẳng về phẩm giá, con người có tự do và con người với đặc tính cần tồn tại trong cộng đồng.
Những hậu quả của sự kiêu ngạo
Hạ thấp phẩm giá người khác, phá hủy mối tương quan
Nhiều người có vẻ khiêm nhường khi cư xử với cấp trên hoặc với người ngang hàng. Nhưng lại bỏ bao dồn nén để chuyên quyền, gây khó khăn, chà đạp lên người yếu thế. Điều này dễ trở thành nếp thói quen đối với nhiều công chức khi giao dịch với công chúng. Họ nghĩ rằng công chúng phải dưới quyền họ, phục vụ họ thay vì điều ngược lại.
Theo học giả tiếng Hy Lạp, William Barclay, “hubris” là sự tự cao có hòa lẫn sự tàn nhẫn, là sự khinh mạn khiến người đó chà đạp lòng tự trọng của người đồng loại. Cách đối xử ngạo mạn mức cao bao gồm: sự lăng mạ, sự xúc phạm, sự sỉ nhục công khai.
Một người kiêu ngao có thể láo xược, làm nhục người khác, thích làm tổn thương người khác một cách lạnh lùng, rồi hả hê đắc thắng khi người kia đau đớn và bẽ mặt. Một trong số cách hành xử cố tình bỏ qua mọi lời nói, việc làm của đồng nghiệp cũng thể hiện sự kiêu ngạo kinh miệt với con người. Việc làm suy yếu hay cố tình phá hủy lòng tự trọng của người khác là con dao hai lưỡi. Hậu quả của sự mất bạn và gây thù oán, phá hủy các mối tương quan.
Phá hủy tâm hồn và thể xác, giới hạn hiểu biết
Như Lucifer từ một thiên thần được Thiên Chúa lựa chọn nhưng thói kiêu ngạo nghĩ mình trở nên quyền năng như Thiên Chúa đã biến Lucifer từ thiên thần thành Satan – quỷ dữ. Tính kiêu ngạo khi đó phá hủy tâm hồn làm bạn rời xa người khác, luôn ở trạng thái nôn nóng muốn đươc thừa nhận giỏi hơn người khác. Mặt khác tâm trí luôn soi xét, đố kỵ, luôn ở trạng thái cô đơn nhiều năm còn có thể biểu hiện trên khuôn nét mặt như tổng thống Abraham Lincoln có câu: “ Mỗi người sau 40 tuổi đều chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình”.
Vì tính ít lắng nghe và ít thay đổi làm giới hạn khả năng học hỏi, giới hạn hiểu biết. Sự tự tin thái quá đôi khi được nhắc kèm với hiệu ứng Dunning-Kruger để chỉ việc những người kém năng lực thường tự tin vào bản thân nhất, trong khi những người có kỹ năng thực sự thường bị nghi ngờ về khả năng của họ. Giáo sư tâm lý học David Dunning, người khám phá ra lý thuyết này cho rằng, chậm lại cũng là cách để tránh bị tự tin thái quá.
Chính vì vậy, sự tự tin của một người nên bắt nguồn từ việc nghi ngờ bản thân, học hỏi và cân nhắc. Dunning ví điều này như một "vị tướng trong ngày ra trận": Người đó cần phải thận trọng, lập kế hoạch kỹ lưỡng để có thêm nhiều quân, nhiều vũ khí và các phương án dự phòng tốt nhất cho ngày chiến đấu. Tương tự với các vận động viên thể thao, họ không sử dụng sự tự tin để trở nên tự mãn, mà nỗ lực hơn trong việc lập chiến lược luyện tập, thi đấu để tối đa hóa tiềm năng của mình.
Ảnh: anti-bias.eu
Kiêu ngạo gây cản trở trong môi trường làm việc
Luôn cho mình là đúng và khó lắng nghe người khác gây những khó khăn trong quá trình làm việc. Sếp là người kiêu ngạo chuyên quyền thì nhân viên dễ trở thành bù nhìn vi phạm nguyên tắc bổ trợ. Khi nhắc đến các yếu tố làm nên một người lãnh đạo giỏi, tự tin là đặc điểm không thể thiếu. Nhưng quá nhiều sự tự tin sẽ trở thành thảm họa, đưa chúng ta đến những đánh giá sai lầm, những kỳ vọng không thực tế , những lựa chọn không mang tính công ích bền vững và có thể là những quyết định nguy hiểm cho tổ chức.
Nhân viên kiêu ngạo sẽ khó làm việc với đồng nghiệp, thường nghĩ tới danh dự bản thân nhiều hơn công ích chung, hiệu quả làm việc nhóm cũng thấp hơn. Những câu chuyện như cung tâm đấu nơi môi trường làm việc xuất phát từ lòng kiêu ngạo và đố kỵ làm môi trường làm việc trở nên độc hại. Trong một nhóm hoạt động, một cộng đoàn, một nhóm công việc với thói khiêm một vài người trọng vọng và khinh thường các thành viên cũng gây mâu thuẫn, gây tan rã nhóm.
Gây trạng thái ảo tưởng sức mạnh
Theo Nuala Walsh, nhà khoa học hành vi và thành viên Hội đồng Kinh doanh Forbes, chúng ta nên giữ một thái độ cởi mở và khiêm tốn. "Dường như càng thành công, chúng ta càng dễ dàng nghĩ rằng mình đúng, từ đó đánh giá quá cao các mặt hàng, ý tưởng và sáng kiến mà chúng ta sở hữu" - Nuala Walsh nhận định. Những nhãn hiệu, tính từ mà chúng ta tự hoặc được gắn cho bản thân hoặc sản phẩm của công ty như "vượt bậc", "độc nhất", "thần tượng", "thiên tài" ”Qua”" thánh nhân"... cũng có thể củng cố cho sự ảo tưởng này.
Phá hủy mối tương quan với Thiên Chúa
Tính tự kiêu làm con người không đặt mình trong hình ảnh của Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa mà có, coi mình đầy quyền năng, tài năng, không thấy mình là hữu hạn.
Người kiêu căng ít biết ơn những gì mình được trao tặng và coi mọi của cải, tài năng, nhan sắc, danh vọng là do một mình mình mà có làm họ rời xa Thiên Chúa. Hành trình nên thánh ở bất kỳ môi trường gia đình, học đường, xã hội, giáo hội không thể chiến thắng bằng kiêu ngạo. Chúng ta chỉ đạt được điều đó nhờ sự khiêm nhường, sẵn sàng đặt Thiên Chúa làm trung tâm cuộc đời mình, vâng theo ý Chúa trong mỗi phút giây cuộc đời. st
Chi tiết
- Ngày: 07/09/2024
- Tác giả: Lm. Anmai