ĐỨC TRINH NỮ MARIA CÓ GIỌNG NÓI NHƯ THẾ NÀO?

ĐỨC TRINH NỮ MARIA CÓ GIỌNG NÓI NHƯ THẾ NÀO?
Nội dung

ĐỨC TRINH NỮ MARIA CÓ GIỌNG NÓI NHƯ THẾ NÀO?

 Người ta có thể tưởng tượng được âm sắc giọng nói của Đức Trinh Nữ Maria không? Nơi Mẹ, người ta nghe thấy sự thanh khiết siêu nhiên của Mẹ, là Đấng mang theo ánh sáng tự nhiên, một sự thanh khiết còn trẻ hơn buổi sáng đầu tiên của đất trời.

Dù chưa từng được diễm phúc thị kiến Đức Trinh Nữ Maria, cũng như chưa từng được nghe thấy Mẹ nói như Bernadette hay Catherine Labouré đã nghe, nhưng người ta vẫn có thể nghĩ rằng giọng nói của Mẹ có một sự thanh nhã phi thường và tạo ra một tác động hoàn toàn kỳ diệu đối với người nghe giọng nói đó. Không phải những câu chuyện về các cuộc hiện ra của Mẹ Maria thuyết phục chúng ta về sức mạnh mê hoặc của giọng nói của Đức Trinh Nữ nhưng là một câu trong Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 1:44): “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”, chính bà Elizabeth là người đã nói như thế với Đức Trinh Nữ Maria, em họ của bà. Và đứa trẻ đang nhảy lên vì vui sướng trong bụng mẹ chính là Thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri vĩ đại nhất.

Giọng nói khiến Gioan Tẩy Giả nhảy lên

Vì vậy, không phải chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu mới khiến vị Tiền Hô nhảy lên, mà còn là tiếng nói của Mẹ Đấng Mêsia! Thật vậy, trước khi Mẹ Maria chào bà Elisabeth, Chúa Giêsu đã có mặt tại nhà người chị họ của Đức Trinh Nữ, ngự trong cung lòng Đức Maria. Tuy nhiên, Gioan Tẩy Giả đã đợi Đức Trinh Nữ Maria chào mẹ mình trước rồi mới nhảy lên trong lòng mẹ mình! Do đó, chính tiếng nói của Đức Maria đã tạo ra tác động này trên Đấng Tiền Hô.

Điều đó nghĩa là gì? Một mặt, không thể phủ nhận rằng Gioan Tẩy Giả đã nhảy lên vui mừng vì biến cố thiên sai là việc Chúa Giêsu đến giữa chúng ta. Chúa Kitô là nguyên nhân niềm vui của Gioan Tẩy Giả và do đó là niềm vui của chúng ta. Mặt khác, chính qua tiếng nói của mẹ Chúa Giêsu mà Vị Tiền Hô, Gioan Tẩy Giả, nhận ra sự hiện diện của Đấng Thiên Sai được mong đợi. Đó là giọng nói của Đức Trinh Nữ vốn đang mang nặng Chúa Giêsu theo đúng nghĩa đen, cũng vậy Mẹ mang thai Chúa trong cơ thể mình, giống như bất cứ phụ nữ mang thai nào khác, di chuyển chỗ này chỗ nọ. Giống như giọng nói của Đức Trinh Nữ bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và tâm hồn của Mẹ, giọng nói này là phương tiện của Con Mẹ vì nó khiến Gioan Tẩy Giả phản ứng như thể Chúa Giêsu đang đích thân nói chuyện với ông - điều ông không thể làm được bởi vì lúc đó ông vẫn chưa được sinh ra.

Hai trái tim hiệp nhất nên một

Chúng ta có thể kết luận gì từ cảnh tượng kỳ diệu và lạ lùng này? Thực ra, Mẹ Maria hiệp nhất nên một một cách mạnh mẽ, một cách hoàn toàn với Con của Mẹ đến nỗi tiếng nói của Mẹ trở thành lối dẫn đến Sự Hiện Diện của Ngôi Lời thần linh đến mức khiến cho Gioan Tẩy Giả nhảy lên vì vui sướng, vì ông là người sẽ loan báo sự hiện diện của Đấng Mêsia ở giữa loài người!

Nếu giọng nói của Mẹ Maria mang Chúa Giêsu đến, thì người ta có thể cảm nhận được quyền năng, nhân đức và ân sủng của Mẹ phải như thế nào thì mới đạt được kết quả như vậy. Tác động như vậy cũng cho phép chúng ta đoán được sự kết hợp có được giữa hai trái tim của Mẹ Maria và của Con Mẹ - một sự kết hợp mạnh mẽ đến nỗi qua giọng nói của Người Mẹ mà ngôn sứ Gioan Tẩy Giả ngay lập tức nhận ra sự hiện diện của Người Con! Hơn nữa, chính bà Elisabeth là người tiên báo sự kết hợp giữa Người Con và Mẹ Ngài, giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, bằng cách sử dụng cùng một tính từ cho cả hai vị: “Được chúc phúc”. “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42 ). Như vậy, sự thánh của Mẹ Maria gắn liền với sự thánh của Chúa Giêsu. Nếu sự thánh của Chúa Giêsu cấu thành nên hữu thể của Ngài, tràn trề sang hữu thể của Mẹ Ngài, thì sự thánh đó ghi dấu ấn sự thánh của Thiên Chúa trên bản tính và bản thể của Mẹ. Mẹ Maria là “đầy sự thánh”.

Một giọng nói trong như pha lê

Hãy quay trở lại với giọng nói của Mẹ Maria. Ở Mẹ Maria tỏa ra sự thanh khiết của tâm hồn, một sự thuần khiết vượt trên mọi nỗ lực, mọi sự khổ luyện để có được nó. Trong giọng nói này, người ta nghe thấy sự thanh khiết tự nhiên, giống như buổi sáng đầu tiên của thế giới khởi phát trực tiếp từ bàn tay của Đấng Tạo Hóa. Trong khi buổi sáng đầu tiên của thế giới được thiết lập trong sự thanh khiết tự nhiên, thì Đức Trinh Nữ lại tràn đầy ân sủng siêu nhiên ngay từ khi tượng thai - một ân sủng sẽ không ngừng phát triển trong cuộc hành hương đức tin của Mẹ trên trần thế. Do vậy, phải có điều gì đó của ân sủng này hiện rõ trong giọng nói của Mẹ. Có những giọng hát quyến rũ, khiến người ta thán phục mê mẩn ngay từ lần nghe đầu tiên. Đó là giọng nói của Trinh nữ. Ở Mẹ có sự kết hợp giữa vẻ tự nhiên tột độ của tuổi trẻ và sức mạnh của một người hết mực nhân từ, biết những gì mình muốn và biết cách nào để đạt được điều đó, vừa nhiệt tâm vừa cẩn trọng. Một giọng nói trong như pha lê, trong sáng đến độ thanh khiết và đầy sự tươi trẻ vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng thời thấm nhuần tất cả sự khôn ngoan trong truyền thống của dân Ngài,

Một sự trong trắng siêu nhiên, phản ánh sự sáng láng của Thiên Chúa

Tiếng nói của Đức Trinh Nữ tác động vào sức sống đờ đẫn của chúng ta, một sức sống vốn chỉ mong cầu được tỉnh giấc trước những điều kỳ diệu của Công trình Tạo dựng, và thậm chí còn hơn thế nữa, tỉnh giấc trước những điều kỳ diệu của Ơn Cứu chuộc và hân hoan vui mừng vì những điều kỳ diệu ấy. Tóm lại, tiếng nói của Mẹ Maria vang vọng lại các đức hạnh của tiếng nói của Con Mẹ. Chẳng phải khi nghe tiếng Con Thiên Chúa thì kẻ chết sẽ sống lại sao: “Giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống” (Ga 5:25)? Như vậy, tiếng nói của Mẹ Maria cho phép chúng ta nhìn thấy một góc của thực tại tối thượng của Sự sống trong cội nguồn đầu tiên của Sự sống đó. Đó là giọng nói của một thiếu nữ, nơi đó niềm vui và sự trong trắng kết hợp lại để tạo thành một chiếc vương miện bất diệt. Một thứ âm nhạc độc nhất vô nhị. Độc nhất vô nhị như Đức Trinh Nữ. Độc nhất vô nhị như mỗi chúng ta. Bởi vì giọng nói cũng như khuôn mặt đều bộc lộ sự độc nhất vô nhị của tất cả chúng ta.

Về mặt này, việc lắng nghe có nhiều lợi thế hơn việc nhìn ngắm. Chính cha sở vùng Ambricourt đã thú nhận điều này trong tác phẩm “Nhật ký của một cha sở đồng quê” của tác giả Bernanos:

Như người ta nói, tôi không phải là người giỏi nhớ mặt, nhưng tôi có trí nhớ về những giọng nói, tôi không bao giờ quên những giọng nói, tôi yêu những giọng nói. Một người mù vốn không bị phân tâm bởi bất cứ điều gì hẳn phải học được nhiều điều từ những giọng nói.

Giọng nói của Đức Trinh Nữ sẽ mặc khải cho chúng ta biết bao là bí nhiệm nếu chúng ta có khả năng nghe giọng nói của Mẹ!

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Từ: fr.aleteia.org (22/12/2023)

Hình: Viện nghệ thuật Detroit, Detroit, Mỹ.

Truyền tin, Fra Angelico, 1431-1433, Bảo tàng Prado, Madrid.

Chi tiết