CON ĐƯỜNG ÍT AI ĐI
Nội dung
CON ĐƯỜNG ÍT AI ĐI
Tôi sẽ chọn con đường nào? Đôi khi là con đường này, đôi khi là con đường kia; dù tôi biết con đường nào Chúa Giêsu đang mời tôi.
Hai con đường rẽ ra trong một khu rừng – và tôi, tôi chọn con đường ít ai đi, đó là cả một khác biệt.
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với lời của nhà thơ Mỹ Robert Frost (1874-1963), ông đã nói vô số lần trong các bài phát biểu tốt nghiệp và trong các dịp khác như một thách thức: chúng ta không nên đi theo đám đông, nhưng dám đi trên con đường của chính mình, nâng nỗi cô đơn của mình lên một tầm cao mới. Đúng, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta như thế khi chúng ta đứng trước hai con đường rất khác nhau.
Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu tóm tắt nhiều lời dạy quan trọng của Ngài. Nhưng những lời này dễ bị hiểu lầm và thường chúng ta hợp lý hóa nó. Phần lớn chúng ta không nắm bắt được điểm chính yếu ở lời dạy này: đức hạnh chúng ta phải sâu sắc hơn đức hạnh của các luật sĩ và của người biệt phái pharisêu. Vấn đề ở đây là gì?
Hầu hết các luật sĩ và người pharisêu đều là những người tốt, chân thành, tận tụy, mộ đạo, có đức hạnh cao. Họ tuân giữ các Điều răn, họ là các ông các bà giữ công lý nghiêm ngặt. Họ công bằng với mọi người, rất nhân từ và quảng đại với người lạ. Vậy, họ còn thiếu gì? Đúng, họ tốt nhưng chưa đủ. Vì sao?
Vì chúng ta có thể là người đạo đức, hoàn toàn công bằng và quảng đại nhưng chúng ta vẫn có thể căm ghét, trả thù và hung bạo vì đó là những chuyện chúng ta vẫn có thể làm một cách công bằng. Công lý nghiêm ngặt cho phép chúng ta có thể ghét người ghét mình. Trả thù khi bị đối xử bất công và có thể ủng hộ án tử hình. Mắt đền mắt!
Nhưng khi làm như vậy, chúng ta luôn làm những gì đến một cách tự nhiên. Yêu người yêu mình là chuyện tự nhiên, ghét người ghét mình cũng là chuyện tự nhiên. Nhưng đức hạnh thực sự đòi hỏi nhiều hơn thế. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đến với điều gì đó cao cả hơn. Ngài xin chúng ta yêu người ghét chúng ta, chúc phúc cho người nguyền rủa chúng ta, không bao giờ tìm cách trả thù và tha thứ cho những kẻ giết chúng ta – kể cả những kẻ giết người hàng loạt.
Phải thừa nhận, đây không phải là con đường dễ đi. Hầu như mọi bản năng tự nhiên trong chúng ta đều chống lại điều này. Phản ứng tự phát khi chúng ta bị oan là gì? Chúng ta muốn trả thù. Phản ứng tự phát khi chúng ta nghe tin kẻ nổ súng trong vụ thảm sát đã bị giết là gì? Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm. Phản ứng tự phát của chúng ta khi kẻ giết người không hối hận bị hành quyết là gì? Chúng ta cảm thấy vui vì hắn đã chết; chúng ta không thể kiềm chế các phản ứng này. Công lý đã được thực thi. Một điều gì đó đã được thực thi trong vũ trụ. Sự phẫn nộ về mặt đạo đức của chúng ta đã được xoa dịu. Đã có một kết luận.
Có một kết luận không? Không. Những gì chúng ta cảm thấy chỉ là giải thoát về mặt cảm xúc, là thanh tẩy; nhưng có một khác biệt rất lớn giữa thanh tẩy và sự khép lại thực sự. Mặc dù về mặt tâm lý, sự giải thoát về mặt cảm xúc có thể lành mạnh, chúng ta được Chúa Giêsu và tất cả những gì cao cả nhất bên trong chúng ta mời gọi đến với một điều gì đó khác, đến một con đường vượt ra ngoài cảm giác giải thoát về mặt cảm xúc, cụ thể là con đường ít người đi để đến với lòng trắc ẩn: hiểu biết và tha thứ rộng lớn hơn.
Để đánh giá điều này, chúng ta nên xem lại cách Đức Gioan-Phaolô II giải quyết án tử hình. Ngài là giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội hai ngàn năm lên tiếng phản đối án tử hình. Ngài không nói án tử hình là sai, vì theo công lý nghiêm ngặt, án tử hình có thể được thực hiện. Ngài chỉ nói chúng ta không nên làm điều đó vì Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm điều khác: tha thứ cho kẻ giết người.
Nói thì dễ! Khi nghe tin vụ xả súng hàng loạt, suy nghĩ và cảm xúc của tôi không tự nhiên hướng đến sự hiểu biết và thông cảm với kẻ xả súng. Tôi không đau khổ về việc người này đã đau khổ như thế nào để làm việc này. Tôi không thông cảm với những người có vấn đề tinh thần, những người bị tổn thương để họ có thể làm những chuyện như vậy. Nhưng, cảm xúc tự nhiên của tôi là đi con đường của nhiều người đi: đây là người xấu xa, họ đáng chết! Sự đồng cảm và tha thứ không phải là điều đầu tiên tôi nghĩ đến trong những tình huống này. Thù hận và muốn trả thù: có.
Tuy nhiên, đó lại là con đường của cảm xúc, con đường được lựa chọn nhiều hơn. Điều này dễ hiểu. Ai muốn thông cảm cho kẻ giết người, kẻ ngược đãi, kẻ bắt nạt?
Nhưng đó chỉ là cảm xúc khi chúng ta trút giận. Có điều gì đó khác bên trong chúng ta luôn kêu gọi chúng ta đến với điều cao cả hơn, cụ thể: đến với thông cảm và thấu hiểu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong Bài giảng trên núi. Hãy yêu kẻ ghét mình. Chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình. Tha thứ cho kẻ làm hại mình.
Hơn nữa, đức hạnh này không phải là điều chúng ta có thể có một lần và được mãi mãi. Không. Đức tin làm việc theo cách: có ngày chúng ta đi trên mặt nước, có ngày chúng ta chìm lỉm như tảng đá. Vì vậy, giống như nhà thơ Robert Frost nói, có những khi chúng ta thấy mình đứng giữa hai con đường. Một con đường nhiều người đi, con đường của căm thù, trả thù, con đường cảm thấy mình là nạn nhân; con đường kia ít người đi, mời tôi đi trên con đường của lòng trắc ẩn, thông cảm và tha thứ cao cả hơn.
Tôi sẽ chọn con đường nào? Đôi khi là con đường này, đôi khi là con đường kia; dù tôi biết con đường nào Chúa Giêsu đang mời tôi.
Ronald Rolheiser
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Chi tiết
- Ngày: 11/08/2024
- Tác giả: Lm. Anmai