Việc đóng cửa các nhà thờ vì COVID-19 có lẽ là cơ hội để chúng ta có thể nhìn lại và “thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật” (Gioan 4,24).

Thật là bi thảm khi xem thường Virus Corona và dịch bệnh mà nó gây ra; vì nó đã khiến cả thế giới bị đảo lộn. Thực tế là con virus bé nhỏ này đã và đang phá hủy hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Có lẽ, hơn một trăm năm qua, kể từ sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả trong Đại Chiến đây là thời điểm mà làm cho rất nhiều quốc gia và nhiều dân tộc trên thế giới đang rơi vào tình trạng hoảng loạn và chịu thương tổn nặng nề.

Làm thế nào mà con virus này đã ảnh hưởng đến đời sống đức tin tôn giáo của chúng ta đến thế? Đó là vì loại virus này lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc giữa các cá nhân, nên các cơ quan chính phủ đã cấm tất cả các nhóm tụ tập với nhau – và vì vậy tất cả các hệ thống giao thông công cộng và khu vực giải trí chung cũng đã bị đóng cửa.

Các thành viên của hầu hết các tôn giáo đều tụ tập lại để cầu nguyện và thờ phượng. Một lần nữa chỉ thị của chính phủ đã buộc các tín hữu tôn giáo của tất cả các tín ngưỡng phải giữ một khoảng cách cách ly xã hội với nhau. Lần đầu tiên trong ký ức của những người còn đang sống đương thời, Thánh lễ Chúa Nhật và các hoạt động mục vụ đã bị cấm trên toàn thế  giới.

Thay vào đó, truyền hình, phát thanh và Internet đã nhanh chóng vào cuộc để cung cấp dịch vụ trực tuyến cho những người bị buộc phải ở nhà. Tất nhiên, hai việc này không giống nhau. Mặc dù hầu hết chúng ta đều biết rằng tình trạng này sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy thật buồn.

COVID-19 thử thách đức tin của chúng ta như thế nào?

Nó đã buộc chúng ta phải làm cho đức tin của chúng ta trở nên cá vị hơn, để suy đi nghĩ lại về cách mà chúng ta tin. Đối với nhiều người trong chúng ta, vốn dĩ là những thụ tạo sống theo thói quen, thì đức tin là một hoạt động cơ học máy móc, nó được thực hiện bằng việc chúng ta thường xuyên tham dự Thánh Lễ Chúa nhật chung với bạn bè hay gia đình. Việc thực hành đức tin như thế có tính chất xoa dịu chứ không có gì thách đố. Đây là lần đầu tiên – kể từ thời đàn áp chính trị, là lúc chúng ta không thể làm ngơ với đức tin của mình. Nói một cách khác, chúng ta được mời gọi để chuyển từ chủ nghĩa duy tín – niềm tin mù quáng, sang một niềm tin có tính phân định.

Và chúng ta nên phân định những gì? Tất cả chúng ta đều yêu thích nền văn hóa công nghệ vì chúng đã đem đến những lợi ích và tiện nghi của cuộc sống hiện đại như xe hơi, tủ lạnh, du lịch bằng máy bay, máy tính và Internet. Chúng ta không thể tưởng tượng về một cuộc sống mà không có những điều ấy. Nhưng hiếm khi chúng ta nghĩ nền văn hóa duy công nghệ này đã và đang làm nghèo cũng như ô nhiễm trái đất, tạo nên khoảng cách giữa chúng ta với thiên nhiên.

Sự nóng dần lên của trái đất, mưa axit và sự khắc nghiệt của thời tiết đã nhiều lần cảnh báo về một thực tế rằng: tất cả là không ổn trong thế giới công nghệ của chúng ta. COVID-19 để lại cho ngôi nhà trái đất của chúng ta một sự tàn phá quá rõ. Trong nỗi thất vọng đến tê liệt, ta nhận ra rằng chỉ những triệu chứng đơn giản như ho hay hắt hơi cũng tiềm ẩn khả năng lây nhiễm chết người.

Thức tỉnh thế giới

Vì vậy, thách thức đối với đức tin của chúng ta nằm ở những phương cách chúng ta thường không nghĩ tới, chẳng hạn như việc sống một cuộc sống hòa hợp hơn với thiên nhiên, cụ thể như về chế độ ăn uống, công việc và giải trí. Thế giới ngày hôm nay ngập tràn với lòng tham và bạo lực. Liệu chúng ta có thể sống đơn giản hơn để người khác có thể sống đơn giản được không? Điều này sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn trái đất và thế giới của chúng ta.

Bởi vì, tất cả các đại dịch đều chỉ ra mối quan hệ căng thẳng giữa con người và môi trường xung quanh, một mối quan hệ không còn hòa hợp. Mọi dịch bệnh, dù là bệnh dịch hạch, dịch tả, AIDS hoặc coronavirus, trở nên dấu chỉ cho chúng ta biết rằng: loài người đã phá vỡ giao ước ban đầu với thiên nhiên và thiên nhiên đòi quả báo. Thế giới của chúng ta còn bị nhiễm virus của lòng tham, tham vọng và bạo lực trong bao lâu nữa đây?

Vậy COVID-19 có phải là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, và nói với chúng ta rằng lối sống của chúng ta không còn bền vững và chúng ta cần phải thay đổi một cách quyết liệt? Có lẽ là như vậy.

Thức tỉnh Giáo hội

Diệu kỳ thay, COVID-19 cũng là một lời cảnh tỉnh khác cho Giáo hội. Cuộc đánh thức đầu tiên đã đến vào đầu thập niên 1960 với Công đồng Vatican II. Bằng cách hủy bỏ các nghi lễ phụng vụ trong nhà thờ, người Công giáo buộc phải đặt câu hỏi về cách họ cầu nguyện, thờ phượng và tuyên xưng đức tin. Nói cách khác, họ được mời gọi rời bỏ chủ nghĩa duy tín sang một niềm tin phân định.

Vậy họ nên phân định những gì? Niềm tin của họ hôm nay nhất thiết phải trở nên liên tôn, nơi mà người Công Giáo tiếp cận với các tôn giáo khác trong việc thờ phượng và hoạt động phụng tự; cũng như trong việc đối thoại với các tôn giáo bạn trong mối thân tình trân trọng và hòa bình. Do vậy, chúng ta cần một tinh thần lãnh đạo mới trong Giáo Hội – một tinh thần lãnh đạo phổ quát.

Có một nhu cầu cấp thiết để đáp ứng với những khát vọng của các nền văn hóa châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, cũng như những khát vọng cho nữ giới và giới trẻ được thực thi năng quyền phục vụ và ngôn sứ. Đây là những mong muốn chưa được kiện toàn. Nhưng những bầu da cũ của mô hình lãnh đạo là người da trắng và là nam giới thì cũng chỉ là những sợi chỉ và được chắp vá để chứa đựng những loại rượu mới.

Và đúng vậy, có lẽ lý do duy nhất tại sao COVID-19 làm cho chúng ta đóng cửa các nhà thờ là để chúng ta có thể nhìn xung quanh và “thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật” (Gioan 4,24).

Một lần nữa, dịp gần đây Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngỏ lời cuối cùng khi Ngài nói về những người bị nhiễm Virus Corona: “Xin Chúa giúp cho các bạn khám phá ra những phương cách mới, những cách thể hiện mới về tình yêu cũng như cách sống mà bạn đang sống trong bối cảnh mới này. Cuối cùng, đây là một cơ hội đẹp tuyệt vời và đầy sáng tạo để khám phá lại chính chúng ta.”

Tác giả: Fr. Myron Pereira SJ, một nhà tư vấn truyền thông có trụ sở tại Mumbai.
Nguồn: [https://international.la-croix.com/]

Chuyển ngữ: Nt. Maria Nguyễn Thị Ánh Hồng