Lòng Quảng Ðại Của Thiên Chúa
21.8 Thánh Piô X, Giáo Hoàng
Ed 34:1-11; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Mt 20:1-16
Lòng Quảng Ðại Của Thiên Chúa
Vị giáo hoàng vĩ đại này có tên là Giuse Sartô, sinh năm 1835. Ngài là con trai của một người đưa thư ở Riese, nước Ý. Giuse có biệt danh dễ thương là “Beppi.” Khi quyết định muốn làm linh mục, Giuse đã phải cố gắng hy sinh rất nhiều để học hành. Nhưng Giuse chấp nhận tất cả. Giuse thậm chí đã đi chân không hàng dặm tới trường để tiết kiệm đôi giày tốt của mình. Sau khi được thụ phong linh mục, cha Sartô đã phục vụ tại các giáo xứ nghèo suốt 17 năm. Mọi người đều quý mến Sartô. Cha Sartô đã từng bán mọi thứ mình có để lấy tiền giúp họ. Các em gái của Sartô đã phải cất giấu mấy chiếc sơ-mi của ngài đi kẻo không thì Sartô sẽ chẳng còn gì để mặc. Dù sau này làm giám mục và hồng y, Giuse Sartô vẫn bố thí cho người nghèo những của cải mình có. Ngài chẳng hề giữ lại điều gì cho riêng mình!
Khi đức thánh cha Lêô XIII qua đời năm 1903, hồng y Sartô được chọn lên kế vị. Ngài nhận tước hiệu là Piô X. Ngài là giáo hoàng của bí tích Thánh Thể. Đức Thánh Cha Piô X đã khuyến khích mọi người hãy rước Chúa Giêsu Thánh Thể cách thường xuyên. Ngài cũng hạ thấp mức tuổi cho trẻ em để chúng được phép rước Chúa Giêsu vào lòng sớm hơn. Trước kia, để được lãnh bí tích Thánh Thể, các trẻ phải chờ đợi trong suốt nhiều năm. Ngài cũng là giáo hoàng của những chỉ dẫn tôn giáo. Ngài tin kính và yêu mến đức tin Công giáo. Ngài muốn mọi Kitô hữu đều được chia sẻ vẻ đẹp của các chân lý đức tin. Ngài thực sự quan tâm đến từng người với những nhu cầu vật chất và tinh thần của họ. Ngài khuyến khích các linh mục và các giảng viên giáo lý hãy cố gắng giúp mọi người học hiểu về đức tin Công giáo.
Khi Đại Thế Chiến thứ nhất bùng nổ, thánh giáo hoàng Piô X đã phải đau khổ nhiều. Ngài biết nhiều người sẽ bị giết chết. Thánh Piô X nói: “Cha sẽ vui mừng dâng hiến mạng sống cha để cứu những em nhỏ đáng thương khỏi nỗi đau kinh khủng này!” Về cuối đời, thánh nhân cũng nói: “Cha đã sống nghèo, và cha ao ước cũng được chết nghèo!” Piô X chẳng bao giờ giữ lại cho mình bất cứ của gì cho tới ngày về gặp Thiên Chúa. Giáo hoàng Piô X về trời ngày 20 tháng Tám năm 1914.
Giáo hoàng Piô X được đức thánh cha Piô XII tôn phong hiển thánh năm 1954. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên được phong thánh trong suốt 242 năm.
Thánh giáo hoàng Piô X hiểu rõ được tầm quan trọng của việc huấn giáo. Dạy trẻ em yêu mến Thiên Chúa và chuẩn bị cho chúng lãnh các phép bí tích là những ưu tư hàng đầu của thánh nhân. Cộng tác vào chương trình huấn giáo của giáo xứ chính là một cách chúng ta đang đóng góp phần mình để bảo tồn gia sản quý đẹp của thánh giáo hoàng Piô X.
Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu truyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?”. Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.
Câu chuyện những người thợ làm vườn nho cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Trước mỗi chặng đường của cuộc sống, chúng ta cũng lo lắng, chờ đợi, muốn tìm một đường đi, tìm một hướng đi cho đời mình. Chúng ta muốn sử dụng cuộc đời mình thế nào cho hữu ích. Chúng ta là những người thợ rất nhiều lần “không được ai mướn”, rất nhiều khi chúng ta chỉ biết chờ người khác mang đến sự may mắn, và rất nhiều lần chúng ta không thể làm gì cho đời mình được tươi sáng và có ý nghĩa hơn. Như vậy, mỗi ngày chỉ biết đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời. Giữa những lúc phân vân, giữa những nẻo đường ngang dọc, chúng ta hãy kiên tâm chờ đợi, Chúa sẽ đến gọi chúng ta đi làm vườn nho của Ngài. Ngài mở cho chúng ta một tương lai, trao cho chúng ta một sứ mạng. Ngài chỉ cho chúng ta thấy cách tốt nhất để khai thác và phát triển mọi tiềm năng của đời mình.
Thiên Chúa kiên nhẫn đến mời gọi chúng ta trong từng khoảng khắc, cả những lúc thất vọng của giờ mười một Ngài vẫn đến. Chúa đến là Ngài muốn chúng ta có một cuộc sống thật ý nghĩa, sống có ích, sống cho ra sống, sống xứng đáng với phẩm giá của mình, sống có tư cách, sống có danh dự. Chúa mời gọi mỗi người vào làm vườn nho là Ngài muốn chúng ta được hiệp thông vào sự sống thần linh của Ngài.