CẨN TRỌNG VỚI CỦA CẢI
20.8 Thánh Bênađô, Gmtsht
Ed 28:1-10; Đnl 32:26-27,27-28,30,35-36; Mt 19:23-30
CẨN TRỌNG VỚI CỦA CẢI
Thánh Bernađô sinh năm 1090 tại lâu đài Fontaine-les-Dijon, nước Pháp. Nhờ sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu và gia giáo, Bernađô sau này đã trở thành người bặt thiệp biết xử sự khôn ngoan với mọi người. Trong số 7 anh em, Bernađô là người con thứ ba. Cậu được gia đình cưng chiều hơn cả vì có tư cách nết na và đạo hạnh hơn các anh em.
Tới tuổi khôn, Bernađô được cha mẹ cho theo học tại trường các thầy kinh sĩ ở Chatillon-sur-Seine. Nhờ sự rèn cặp của các thầy, Bernađô đã dần dần bỏ được tính rụt rè và câu nệ thái quá. Năm 16 tuổi giữa lúc cuộc đời đang lên với nhiều hứa hẹn thì bà thân mẫu của Bernađô từ trần khiến cậu phải trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần nặng nề khiến cậu trở nên trầm lặng và suy tư. Nhưng rồi bỗng người ta thấy cuộc đời của chàng thanh niên ấy xoay hẳn một góc 180o. Chàng đứng lên, cương quyết chống lại mọi thử thách và quyến rũ của gia đình và bạn bè để dâng mình phụng sự Chúa trong dòng Xi-tô. Không những thế Bernađô còn lần lượt lôi cuốn được các anh em và cả ông thân sinh cùng nhiều người khác theo gương mình vào dòng.
Năm 1115 thầy được cử làm tu viện trưởng Clairvaux một chi nhánh của dòng Xi-tô. Đây là một dịp để thầy hy sinh hãm mình nhiều hơn, dù yếu đuối và sức khỏe rất mỏng manh thầy cũng không chịu thua kém ai trong sự ăn uống kham khổ. Ngài còn mắc chứng đau bụng kinh niên. Tuy nhiên Ngài vẫn cố gắng tham dự các buổi phụng vụ như mọi người khác. Chỉ khi nào không chịu nổi cơn đau Ngài mới bỏ cộng đồng.
Nhận thấy tu viện trưởng Bernađô là người có đầy nhân đức và uy tín nên đức Giám mục Guillaume de Champeaux cho ngài được nhận chức linh mục và sai ngài đi giảng thuyết ở nhiều nơi. Ngài đã vâng lời vui vẻ ra đi. Nhờ đức khiêm nhường sâu thẳm, Chúa đã ban cho Ngài nhiều ơn lạ như nói tiên tri, làm nhiều phép lạ. Hết nhiệm vụ Ngài lại trở về nhà dòng phục vụ. Trong 38 năm làm bề trên, Ngài lập thêm được 68 tu viện chi nhánh của Clervaux. Ngài viết nhiều tác phẩm để bênh vực đức tin, truyền bá lòng yêu mến Chúa và đức bác ái.
Sau khi tận tụy và nỗ lực làm việc cho sáng danh Chúa, thánh nhân đã qua đời tại Clairvaux ngày 20 tháng 8 năm 1153 lúc ba giờ chiều ngày thứ năm, thọ 63 tuổi.
Mười năm sau, các tu viện trưởng họp lại lập án xin phong thánh cho cha Bernađô. Ngày 18 tháng 1 năm 1174, án được đức Alexandro III châu phê. Và năm 1830 Đức Piô VIII tôn phong Ngài lên hàng tiến sĩ Giáo hội.
Thánh Bênađô nhắc nhở chúng ta rằng mỗi chúng ta là một sự khác biệt. Mỗi người chúng ta có thể cống hiến tài năng của mình để làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu bạn phân vân không biết mình phải đóng góp điều gì, bạn hãy tha thiết cầu nguyện xin thánh Bênađô trợ giúp.
Của cải có sức thu hút và mê hoặc lòng người, bởi vì dường như nó có thể đáp ứng mọi nhu cầu và đời sống hưởng thụ của con người. Chẳng vậy mà người đời có câu: “có tiền mua tiên cũng được”, hay “tiền là tiên là phật…” Người có nhiều tiền của được gọi là người giàu. Theo quan niệm của người Do-thái cũng như quan niệm của nhiều người thì đó là những người được phúc. Thế nhưng, lời của Đức Giê-su trong Tin mừng hôm nay gây sốc không những cho người nghe lúc bấy giờ (các môn đệ vô cùng sửng sốt) mà gây sốc cho rất nhiều người trong mọi thời đại: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa” (c. 24). Đồng thời ngược lại, Chúa lại hứa ban thưởng gấp trăm cả đời này lẫn đời sau cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Người.
Có mâu thuẫn không giữa những điều Chúa nói? Chẳng phải nếu Chúa ban cho họ gấp bội ở đời này thì họ lại trở thành người giàu hay sao, và khi ấy phải chăng họ lại trở thành những kẻ khó vào nước trời? Thực ra, mấu chốt của vấn đề là tinh thần từ bỏ; người có tinh thần từ bỏ không bị ràng buộc bởi của cải, hay nói khác đi, họ không bị của cải vật chất cản trở bước đường làm người môn đệ, nhưng biết dùng nó như phương tiện Chúa ban để sống theo ý Chúa. Vì thế, họ có thể là người rất giàu có về của cải nhưng luôn coi nó là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban mà sống trong tinh thần tri ân, cảm tạ và luôn sẵn sàng chia sẻ, cho đi không tính toán.
Đã hẳn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải sống nghèo nàn mạt rệp. Vì cái nghèo cho thấy sự tồn tại của điều ác. Nó chỉ cho chúng ta biết xã hội, môi trường chúng ta sống vẫn còn đó sự bành chướng của ích kỷ; vẫn còn đó những con người không biết chia sẻ, chỉ biết vun đắp cho chính mình, thiếu vắng tinh thần quảng đại sẵn sàng cho đi của một tình yêu vị tha. Hơn nữa, sự nghèo túng, bần hàn, khốn cùng như ‘sự dữ hiện hình’ làm cho con người không còn nhân phẩm, sống không ra người và đó không phải là điều Thiên Chúa muốn; vì khi tạo dựng vũ trụ, con người, chẳng phải Thiên Chúa đã chúc phúc và ra lệnh cho nó sinh sôi và phát triển phong phú hay sao? Và Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô khi đến cứu độ trần gian Ngài đã đến với thân phận nghèo hèn khốn cùng của con người là để cứu vớt, nâng họ lên khỏi vực sâu của bần cùng tội lỗi cho họ trở nên ‘giàu có’ vì được làm con Thiên Chúa.
Tuy nhiên, sự giàu có lại khiến con người dễ xa rời Thiên Chúa bởi mê lầm, tự mãn. Mê lầm vì nghĩ rằng của cải là cứu cánh có thể thỏa mãn tất cả, đem lại sung sướng và hạnh phúc – tiền có thể làm cho họ đạt được danh vọng, vinh quang và mọi thú vui ở đời – bởi thế mà ‘có tiền mua tiên cũng được’; và cũng từ đó dẫn đến tự mãn không cần Thiên Chúa, và tồi tệ hơn nữa là họ có thể quay lưng lại với Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa, bất chấp mọi thủ đoạn để có thể đạt được những ước muốn bất chính của mình. Vì vậy mà Đức Giê-su nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của được” (Lc 16,13). Vì tiền của có thể là một tên đầy tớ tốt, hữu dụng, nhưng ngược lại nó sẽ là ông chủ xấu xa, độc ác.
Cuối bài Tin mừng, chúng ta thấy một câu có vẻ không ăn nhập gì lắm, nhưng thực ra là một ý hướng chủ đạo dẫn dắt bản văn: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” (c. 30) Những kẻ ‘đứng chót’ ở đây – Đức Giê-su muốn nói đến những con người ‘nghèo’ của Tin mừng – những người sống khiêm tốn, chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào thế lực của giàu sang vinh hoa phú quí; họ là những kẻ được Thiên Chúa yêu thương, bênh vực và là những ‘người lớn’ trong nước trời (Lời kinh Magnificat). Bởi vì họ lấy Chúa là sức mạnh, là gia nghiệp của đời mình. Họ là những người khôn ngoan biết tích lũy kho tàng trên trời nơi mối mọt không thể đục khoét hơn là tìm kiếm của cải phù vân (x. Lc 12,33); họ hiểu ý nghĩa và vị trí của tiền của, biến nó thành phương tiện để thi hành ý Chúa chứ không coi nó là mục đích của cuộc đời. Vì thế, họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc và nước trời sẽ là phần thưởng của họ. (c. 28. 29)
Như đã nói: Tiền của có sức hút và mê hoặc con người – ‘Đồng tiền đi liền khúc ruột’ – do đó, để có thể làm chủ được nó, con người không được khinh suất, nhưng rất cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Bởi thế mà Đức Giê-su đã nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” (c. 26) Với sự hướng dẫn và ơn Chúa ban, con người sẽ biết cách sử dụng tiền của để mưu cầu lợi ích cho mình và cho tha nhân, giúp phát triển xã hội ngày càng tươi đẹp, lành mạnh và phong phú.