Đến các thánh cũng phải vượt qua nỗi hoài nghi
Nội dung

Đến các thánh cũng phải vượt qua nỗi hoài nghi

Thánh Tôma được cho là người cứng lòng tin. Ảnh: Pinterest.com

Thánh Tôma tông đồ có lẽ phải chịu tiếng xấu, bởi vì mọi người nhớ đến ngài như là người nghi ngờ lời kể của các vị tông đồ khác về việc thấy Chúa đã sống lại[1]. Nhưng chúng ta thường bỏ qua ước nguyện tốt đẹp trước đó của ngài là được chết vì Chúa Giêsu[2], và hoạt động truyền giáo cũng như sự tử đạo của ngài sau này.

Thật vậy, điều quan trọng là lời tuyên xưng đức tin của ngài: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”[3]. Hơn nữa, những nghi ngờ của thánh Tôma thực sự đã hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa. Thánh Gregory Cả đã viết: “Bạn có thực sự tin rằng vì tình cờ mà người môn đệ được chọn này đã vắng mặt, nhưng rồi lại đến và nghe, đã nghe và hoài nghi, đã hoài nghi và đụng chạm, đã đụng chạm và đã tin? Đó không phải là sự tình cờ, mà là sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo một cách kỳ diệu, lòng thương xót của Chúa đã sắp xếp cho người môn đệ cứng lòng tin này, một khi chạm vào vết thương trên cơ thể Thầy mình, sẽ chữa lành vết thương cứng tin của chúng ta. Sự cứng tin của Tôma đã giúp cho đức tin của chúng ta nhiều hơn đức tin của các môn đệ khác. Khi thánh Tôma chạm vào Chúa Kitô và được thuyết phục để tin, mọi nghi ngờ đều bị gạt sang một bên, và đức tin của chúng ta được củng cố. Vì vậy người môn đệ đi từ nghi ngờ, sau đó cảm nhận được vết thương của Chúa, và trở thành chứng nhân cho sự phục sinh”.

Sự nghi ngờ không phải là tội khi nó giúp tăng cường đức tin của chúng ta. Một cuộc vật lộn trung thực với sự thật có thể đưa đến một cam kết mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn với Chúa Kitô. Một khi chủ nghĩa hoài nghi được thuyết phục, nó mở đường cho Chúa làm những điều vĩ đại. Chúng ta thấy điều này nơi Thánh Batôlômêô, tên gọi khác là Nathanaen. Khi người bạn của ngài là thánh Philipphê nói về Chúa Giêsu thành Nazareth như là Đấng các tiên tri loan báo sắp đến, Batôlômêô tự hỏi liệu có bất cứ điều gì hay ho đến từ một nơi tầm thường như Nazareth hay không. Tuy nhiên, vì ông “thực sự là một người dân Israel, nơi ông không có sự gian dối”[4], Batôlômêô đã có thể nhanh chóng nhận ra và chấp nhận Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, việc nhìn nhận Đức Giêsu là Chúa không giúp chúng ta tránh khỏi những khủng hoảng đức tin. Thánh Jane Frances de Chantal thường xuyên phải chịu đựng những nghi ngờ và cám dỗ chống lại đức tin vào cuối đời, nhưng ngài vẫn vui vẻ và hoạt bát. Thánh Têrêsa thành Lisieux khi bị cám dỗ không tin đã đáp lại với sự quyết tâm và hét lên: “Tôi sẽ tin!”

Quả thực, đức tin là một ơn Chúa ban, nhưng nó cũng là sự lựa chọn của mỗi chúng ta. Khi chúng ta quyết định tin và hành động theo như thế, chúng ta làm vinh danh Chúa, mặc dù điều đó có vẻ khó khăn hoặc dường như không thể (thậm chí nghe giống như những lời sáo rỗng).

Các thánh nhân hẳn là có nhiều kinh nghiệm về sự hoài nghi, và vì họ đã có một cảm nhận sâu sắc hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong quá khứ, nên việc mất đi những an ủi dường như càng làm họ đau đớn hơn. Cha Piô Năm Dấu đã mô tả những đau khổ tinh thần của ngài trong lá thư gửi đến một người bạn linh mục như sau: “Những lời lăng mạ không ngừng vang lên trong tâm trí tôi, thậm chí còn nhiều hơn cả những tư tưởng lệch lạc, những tư tưởng bất trung và kém tin. Tôi cảm thấy linh hồn mình bị đâm thủng trong từng phút giây của cuộc đời; nó giết chết tôi…Đức tin của tôi chỉ được duy trì bởi sự nỗ lực liên tục của ý chí nhằm chống lại mọi kiểu thuyết phục của con người. Đức tin của tôi chỉ là thành quả của sự nỗ lực liên tục từ chính mình. Và tất cả những điều này, thưa cha, không chỉ xảy ra vài lần trong ngày, nhưng nó liên tục…”

Cha Piô đã nhận được nhiều ơn thiêng liêng, và những lời cầu nguyện của cha được cho là hiệu nghiệm trước mặt Chúa, nhưng Chúa cũng cho cha trải qua những nghi ngờ dữ dội.

Các thánh cũng có lúc trải qua những nghi ngờ dữ dội. Ảnh: Canva

Con đường nên thánh thường là con đường khó khăn, nhiều lúc thiếu những tín hiệu đảm bảo hướng đi của chúng ta, nhưng Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta để giúp đỡ chúng ta trong từng bước đi trên đường. Người sẽ làm phép lạ vì chúng ta nếu cần thiết, nhưng thay vào đó, Người thường nói qua người khác. Đó là cách tốt hơn để kiểm tra niềm tin của chúng ta vào nơi Người.

Người ta nói rằng, vài ngày sau khi chết đuối ở biển Địa Trung Hải gần Đất Thánh vào năm 1237, Chân phước Jordan xứ Saxony đã xuất hiện trong giấc mơ của một tu sĩ trẻ tuổi dòng Carmelite, người đang hoài nghi về ơn gọi của mình, và Jordan đã trấn an anh ta: “Người anh em, đừng sợ. Tất cả những ai phụng sự Chúa Giêsu Kitô đến cùng, sẽ được cứu”. Sự kiên trì là điều cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thánh Ambrose, Giám mục Milan, có một người em gái đã cam kết lớn lên trong sự thánh thiện, nhưng bà đã phải trải qua những nghi ngờ về đức tin. Bà xin ngài cho lời khuyên giúp vượt qua những cám dỗ này, và ngài đã viết rằng: “Mỗi buổi sáng khi thức dậy và trước khi đi ngủ, hãy đọc kinh Tin kính của các tông đồ, và khi những cám dỗ như vậy đến, hãy đọc lại, và em sẽ dễ dàng vượt qua chúng”. Bà đã làm theo gợi ý này và cảm thấy một sự trợ giúp tuyệt vời nhờ áp dụng cách đó.

Đức tin không chỉ là cảm giác chúng ta có, đó còn là quyết định chúng ta đưa ra. Khi chúng ta chọn tin vào Thiên Chúa, Ngài sẽ cho chúng ta những biện pháp không chỉ giúp chúng ta kiên trì trong đức tin, mà cuối cùng sẽ làm cho đức tin đó sâu sắc hơn và mạnh mẽ hơn.

Suy ngẫm thêm

Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2088 nói rằng: “Điều răn thứ nhất đòi hỏi chúng ta, một cách khôn ngoan và tỉnh thức, phải nuôi dưỡng và giữ gìn đức tin của chúng ta, và phải loại bỏ tất cả những gì nghịch với đức tin. Có nhiều cách phạm tội nghịch với đức tin. Cố tình nghi ngờ về đức tin là tội thờ ơ hay không nhìn nhận những điều Thiên Chúa đã mặc khải và Hội Thánh dạy phải tin là chân thật. Vô tình nghi ngờ là sự do dự khi tin, là sự khó khăn khi vượt qua những vấn nạn về đức tin hay thậm chí là sự lo lắng do bóng tối của đức tin gợi lên. Sự nghi ngờ, nếu được cổ võ cách có chủ ý, có thể dẫn tới sự mù quáng của tâm trí”.

Thánh Boniface chỉ ra rằng: “Trong chuyến tàu vượt khỏi biển thế gian này, Giáo hội giống như một con tàu lớn bị va đập bởi những làn sóng giằng co khác nhau của cuộc sống. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là bỏ rơi con tàu mà là lèo lái nó”.

Một số điều bạn có thể thử

Thánh Alphonsus Liguori nói với chúng ta rằng: “Đức tin là nền tảng của tình yêu, trên đó tình yêu được xây dựng. Nhưng tình yêu là điều mang đức tin đến sự hoàn hảo. Chúng ta càng yêu Thiên Chúa một cách hoàn hảo, chúng ta càng tin vào Ngài một cách hoàn hảo hơn”. Do đó, nếu chúng ta gặp khó khăn trong việc tin vào Chúa, điều quan trọng hơn hết là chúng ta biết yêu thương – bằng cách cố gắng làm việc tốt, giúp đỡ người chúng ta không thích hoặc coi là hiển nhiên, hoặc bằng bất kỳ việc bác ái nào mà chúng ta đặc biệt làm nhân danh Chúa.

Hãy nhớ rằng Thiên Chúa luôn ở bên bạn. Khi thánh Catherine xứ Siena trải qua giai đoạn đức tin nguội lạnh và cám dỗ kéo dài, bà đã thét lên:“Lạy Chúa, Ngài đã ở đâu vậy? Con đã có những suy nghĩ và cảm xúc thật khủng khiếp”. Bà nghe thấy tiếng Chúa trả lời: “Catherine, suốt thời gian này Ta đã ở trong trái tim con. Chính Ta đã cho con lòng can đảm và sức mạnh để tiếp tục mỗi ngày!” Thiên Chúa đã luôn ở bên Catherine, và nếu bạn thực sự đang tìm kiếm Người, Người cũng sẽ ở bên bạn.

Lm Joseph M. Esper
Huyền Đào dịch
từ Catholic Exchange

Nguồn: dongten.net


[1]Ga 20, 24-25

[2]Ga11, 16

[3]Ga 20, 28

[4]Ga 1, 47

Chi tiết