Cha mẹ hãy nói với các con: con rất có tài năng!
Nội dung
Cha mẹ hãy nói với các con: con rất có tài năng!
CHA MẸ HÃY NÓI VỚI CÁC CON: CON RẤT CÓ TÀI
Để phát triển tốt, một đứa trẻ cần được cha mẹ nhận ra những đức tính của mình và nói với con. Lời giải thích của một số chuyên gia.
“Tại sao phải chờ đến bài phát biểu trong đám cưới để khen con mình, để nói đến tài năng của con, niềm vui của con cho mình?” Cha Pierre-Hervé Grosjean đã rất ngạc nhiên về những chuyện này. Đúng là con cái chúng ta có những tài năng đáng kinh ngạc, nhưng chúng ta lại ngần ngại không muốn nói cho chúng biết. Chắc chắn vì chúng ta có xu hướng nhìn thấy lỗi lầm của con cái dễ hơn là thấy các giá trị của chúng. Chắc chắn là chúng ta sợ làm con cái kiêu hãnh và nghĩ rằng nên nêu những lỗi lầm của chúng để chúng sửa. Tính toán sai, nhà tâm lý học Valérie Colin-Simard vặn lại: “Ngược với những gì chúng ta nghĩ, con cái chúng ta rất ngoan. Chúng là chất dẻo. Cái nhìn của chúng ta, lời nói của chúng ta sẽ nặn hình chúng. Nếu chúng ta nhìn tiêu cực, các con sẽ thấy tiêu cực. Nếu chúng ta nhìn tích cực, các con sẽ có tự tin.” Bà Valérie dẫn chứng bằng một thí nghiệm bà đã làm cách đây vài năm trong một lớp học: những học sinh lười được giới thiệu với các giáo viên là học sinh xuất sắc. Chỉ trong vài tuần, với sự hỗ trợ của giáo viên, kết quả học tập của các em đã được cải thiện!
“Con cái chúng ta là nơi quy tụ các tài năng”
Ông Bertrand Chevallier-Chantepie khẳng định: “Con cái chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, trên hết chúng là nơi tập trung các tài năng. Nêu bật những lỗi lầm và vấn đề của con cái làm chúng nghi nhờ giá trị của chúng, là từ chối kế hoạch của Chúa dành cho chúng”, ông là người sáng lập hiệp hội “Ở trọng tâm con người” và là tác giả quyển sách Hoàn thiện đời mình. Sinh con, sống và chúc phúc (Accomplir sa vie d’homme. Donner naissance, vivre et bénir, nxb. Artège). Ông tin rằng, không bao giờ nói với con về phẩm chất của chúng thì còn tệ hơn là nhấn mạnh lỗi lầm hoặc thốt ra những lời lẽ độc hại: “Chúng ta có thể tách mình khỏi lời nguyền rủa, có nghĩa là nói xấu, nhưng im lặng nhường chỗ cho nghi ngờ là kẻ thù của lòng tự tin.”
Linh mục Jean-Marie Petitclerc, đồng tác giả quyển sách Phát triển các tài năng con cái chúng ta (Faire grandir les talents de nos enfants, nxb. Mame) cho biết: “Sứ mệnh của mọi nhà giáo là đảm bảo đứa trẻ sẽ xây dựng được lòng tự tin, nếu không nó sẽ có những cách cư xử nguy hiểm”. Với nhà giáo chuyên biệt này, một đứa trẻ sẽ chỉ phát huy hết khả năng của mình nếu nó gặp những người cho chúng thấy chúng có khả năng, giúp khám phá và phát triển những phẩm chất của mình.” Đó là lý do vì sao cha Grosjean hối tiếc về những lời khen ngợi muộn màng này: “Nhiều bạn trẻ thiếu tự tin vì chúng ta chưa khuyến khích đủ. Các em chưa nghe từ cha mẹ, các linh mục, thầy cô của các em, những lời khuyến khích giúp các em biết khả năng của mình, nâng đỡ và làm cho các em trưởng thành. Trước khi đám cưới, các người trẻ cần nghe tất cả những điều tốt đẹp mà cha mẹ nghĩ về mình! Không phải để làm cho các em trở thành người huyênh hoang, nhưng để khuyến khích và hỏi: “Con định làm gì với những ơn này?”
Sức mạnh phi thường của “lời chúc phúc”
Trong số những người khám phá tài năng này, cha mẹ là người đi đầu. Ông Bertrand Chevallier-Chantepie đảm bảo: “Đó là công việc của họ, dĩ nhiên chúng ta có thể có được sự tự tin từ người khác, nhưng quan điểm của cha mẹ là không thể thay thế, và đặc biệt là quan điểm của người cha. Vì, không như người mẹ gần gũi và đại diện cho tình thương không điều kiện, người cha ở bên ngoài đứa trẻ và xuất hiện với nó như một nhân vật khách quan hơn. Điều này mang lại cho lời nói của ông một sức mạnh to lớn.” Vì thế, chúng ta, những bậc cha mẹ, phải nói cho con cái biết phẩm chất của chúng là gì. Ông Bertrand nói, “chúc phúc” từ tiếng la-tinh là bene và dicere, có nghĩa là nói điều tốt lành. Ông khẳng định, những lời chúc phúc có một sức mạnh phi thường, “hiệu ứng nụ hôn mạnh gấp đôi”: tăng cường sự tự tin và củng cố phẩm chất được nêu ra, ông giải thích: “Khen ngợi là biểu hiện. Khi nói lên, chúng ta biến chúng thành hiện thực và đặt chúng vào trái tim đứa trẻ cần nghe để những lời khen này được bén rễ. Nói cách khác, một đứa bé có thể tự biết mình là người đá banh giỏi, nhưng nếu người cha nói với nó như vậy, nó sẽ được thuyết phục và sẽ cố gắng chơi hay gấp 10 lần, còn nếu người cha khuyến khích con trong trận đấu thì đó là một đánh cược an toàn, nó sẽ có kết quả tốt hơn.”
Chúc phúc mọi lúc
Điều gì sẽ xảy ra nếu, ngoài việc chúc phúc “nói điều tốt lành” cho con cái chúng ta, chúng ta còn chúc phúc cho những người thân yêu, bạn bè hay kẻ thù của mình, những khoảnh khắc chúng ta đang trải qua, dù tốt hay xấu? Trong quyển sách mới nhất của mình (Thay đổi cuộc sống, trở thành chúc phúc, Change de vie, deviens bénédiction!, nxb. Mame), bà Virginie Toulouse viết: “Chúc phúc sẽ biến đổi mọi thứ trên đường đi của nó. Chúc phúc tạo ra cuộc sống mới, làm tâm hồn không co cụm vào mình. Nó cũng biến đổi sâu sắc người nỗi lo chúc phúc”. Một viên ngọc thực sự kết hợp những suy ngẫm tâm linh và lời khuyên cụ thể. Và điều đó kêu gọi một cuộc cách mạng của trái tim.
Làm thế nào để phân chia vai trò của cha mẹ? Mẹ có quyền “chúc phúc” cho con gái và cha chúc phúc cho con trai không? Khi nào nên làm? Ông Bertrand Chevallier-Chantepie nói: “Cha mẹ phải làm điều này mọi lúc!”. Chắc chắn người mẹ sẽ thấy dễ dàng hơn khi nói ra điều gì đó, nhưng người cha không được ỷ lại vào người mẹ, người cha phải nói lời chúc phúc. Theo nhà tâm lý học Valérie Colin-Simard: “Đứa trẻ cần cả cha lẫn mẹ. Nói chung, người mẹ giúp con xây dựng lòng tự trọng, nghĩa là con người, là nội tâm của con, còn người cha giúp con xây dựng lòng tự tin, nghĩa là khả năng đạt được những điều trên đời. Nhưng chúng ta có thể nói, không cần khái quát hóa, khi còn nhỏ, đứa bé cần cái nhìn của người mẹ hơn, khi là thiếu niên, đứa bé cần cái nhìn của người cha.” Tuy nhiên, bà lưu ý, người cha đặc biệt phải quan tâm đến việc nâng giá trị người con gái, ngoài tài năng, còn phải nói với con, con xinh đẹp và thông minh.
Vẫn còn phải xem làm thế nào để xác định chính xác tài năng của con cái. Linh mục Petitclerc khuyên phải cùng xem lại các sinh hoạt của con, thể thao, nghệ thuật hoặc các hoạt động khác để nhận ra những gì chúng bộc lộ tài năng. Và cha mẹ cũng nên so sánh cách họ nhìn con mình với cách nhìn của giáo viên, nhà giáo, người hướng đạo, vì đứa con thường bộc lộ bản thân một cách khác khi chúng ở ngoài môi trường gia đình. Linh mục Petitclerc nói tiếp: “Rất hữu ích khi con hoài nghi nói với bạn: ‘Rõ ràng là cha nói như vậy vì con là con của cha…’ Và để tránh cho con khỏi kiêu ngạo, cha mẹ phải giúp con thấy được hạnh phúc khi phát huy tài năng của mình để phục vụ người khác. Đó cũng là cơ hội để dạy con chú ý đến tài năng của người khác và vui mừng với họ.”
Marta An Nguyễn dịch(phanxico.vn)
Chi tiết
- Ngày: 03/07/2024
- Tác giả: Lm. Anmai