ĐỪNG VỤ LUẬT
19.7 Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm
Is 38:1-8,21-22; Is 38:10-11,12,16; Mt 12:1-8
ĐỪNG VỤ LUẬT
Phải chăng những người Pha-ri-sêu kết án các tông đồ vì các ông đã bứt lúa ăn khi họ đi dọc đường để thỏa mãn cơn đói? Không khó để chúng ta có thể thấy điều này thật phi lí. Các tông đồ không làm gì sai nhưng cũng bị lên án, vì đối với những người Pha-ri-sêu, lỗi của các môn đệ không phải là bứt và ăn lúa mì nhưng là vì họ đã làm việc đó trong ngày Sabát.
Chính vì lẽ đó, Chúa Giê-su đã đáp trả lại sự vô lí của người Pha-ri-sêu bằng cách nhắc nhớ họ về Kinh Thánh, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế.” vì họ không hiểu luật này phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Luật nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát xuất phát từ việc Chúa Giêsu đã nghỉ ngơi sau khi làm việc tạo dựng. Luật đó không phải là một sự đòi hỏi lợi ích cá nhân, càng không phải là một sự đòi hỏi cứng nhắc, nhưng nếu giữ luật ngày Sa-bát một cách chuẩn mực, đó là cách tôn vinh Thiên Chúa. Nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát chính là một món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại, vì Ngài biết chúng ta cần được nghỉ ngơi, cần sự tái tạo sức sống sau nhiều ngày làm việc vất vả, Ngài biết chúng ta cần thời gian để sống chậm lại, dâng lễ với Chúa trong sự riêng tư và tận hưởng các mối tương quan với người khác. Nhưng những người Pha-ri-sêu biến ngày nghỉ ngơi này thành gánh nặng, thành sự tuân thủ luật lệ cách cứng nhắc, không được làm bất cứ việc gì để tôn vinh Thiên Chúa.
Đức Giêsu là người Do-thái, hẳn là Người biết rất rõ về lề luật nơi người Do-thái, luật ngày sabát là luật bất di bất dịch, là luật cắt nghĩa rất cụ thể và rõ ràng, và là luật thứ ba của Thập Giới. Hẳn nhiên một người biết cân nhắc điều đó chẳng mất lòng ai, và cũng được việc, nhưng Đức Giêsu đã không làm điều đó. Trái lại, nhân cơ hội này, Người dạy cho chúng ta cách hành xử trong cuộc sống.
Những người Pharisiêu trong đoạn Tin mừng họ vẫn biết yêu thương người khác, họ vẫn biết chữa lành cho người bệnh là điều nên làm do bản tình thiện trong con người học nhưng họ gặp phải giới luật giữ ngày sabat và họ đã từ chối thi thố tình yêu trong ngày sabat. Như vậy con người họ không được thống nhất và họ mất bình an.
Còn Chúa Giêsu thì khác hẳn, Người đến không phải để huỷ bỏ lề luật nhưng Người kiện toàn nó bằng giới luật yêu thương. Nếu không có tình yêu thương thì việc giữ lề luật như một cái xác không hồn. Cách tuân giữ lề luật trên hết là tôn vinh Thiên Chúa. Tôn vinh Thiên Chúa thì có nhiều cách mà yêu thương tha nhân là một cách xứng hợp.
Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn.
Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.
Theo những người luật sĩ và biệt phái thì ngày Sabat là ngày nghỉ “không làm gì cả”. Tuy họ có chấp thuận một số việc được làm trong ngày Sabat nhưng phải tùy trường hợp nào đó rất cụ thể, thì con người mới được phép làm.
Nếu như thế, thì người luật sĩ và biệt phái quá câu nệ vào việc tuân giữ luật ngày Sabat, nên quên mục đích của ngày ấy là nhằm lợi ích cho con người. Sở dĩ có ngày Sabat là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để mang lại lợi ích cho họ mà thôi.
Người luật sĩ và biệt phái quá chú tâm vào việc giữ luật đến nỗi quên mất lề luật đặt ra chỉ vì lợi ích cho con người. Yếu tố con người mới là quan trọng, là chủ chốt, là mục đích để hướng tới.
Lễ nghỉ của đạo Do Thái là ngày Sabat, lễ nghỉ của người Công Giáo là ngày Chúa Nhật. Chúa muốn chúng ta thánh hóa ngày Chúa Nhật bằng cách tham dự Thánh Lễ, học hỏi giáo lý, suy niệm Lời Chúa, làm việc tông đồ, thực hành bác ái và nghỉ ngơi dưỡng sức.
Như vậy, ngày Chúa Nhật cốt để tôi luyện lòng trí chúng ta đến tâm tình mến Chúa và lòng yêu thương con người. Cho nên, nếu có trở ngại cho đức bác ái yêu thương thì luật buộc nghỉ lễ cũng phải nhượng bộ cho tình thương ấy.
Và rồi “Tin Mừng là để phục vụ sự sống”. Đây là lý do tại sao Đức Giêsu không cân nhắc. Vì ngày sabát Người có thói quen lên hội đường, để đọc sách Thánh, để được rao giảng Tin mừng. Như thế Tin mừng của Người sẽ chết, ngày sabát sẽ vô nghĩa nếu như sau lời rao giảng của Người, mà Người vẫn vô tâm đi qua một con người đang đau khổ ngồi trước mặt, và không chặn lòng trước nỗi thống khổ của anh em. Vâng, không thể được, Tin mừng Người là Tin vui, Tin mừng là để mang lại sự sống, một sự sống hoàn hảo, và ngày sabát thực sự phải là ngày phục vụ Niềm vui hân hoan và sự sống.
Đoạn trích Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn và giải thích luật lệ của Thiên Chúa qua lăng kính của lòng thương xót. Lòng thương xót biến đổi chúng ta, nâng đỡ và thúc đẩy chúng ta đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và lấp đầy chúng ta bằng niềm hy vọng. Lòng thương xót không đòi hỏi gánh nặng cứng nhắc đè nặng chúng ta; trái lại, lòng thương xót cũng như luật lệ của Thiên Chúa được đặt ra để cho con người sống hạnh phúc hơn, nhân bản hơn.
Hôm nay, mời chúng ta hãy suy ngẫm về cách chúng ta nhìn vào các giới răn và điều luật của Thiên Chúa. Chúng ta có thấy đó là một sự đòi hỏi cứng nhắc và nặng nề không? Hay chúng ta có thấy đó là một ơn lành của lòng thương xót Chúa an ủi gánh nặng của chúng ta?