TÌNH YÊU BA NGÔI
26.5 Lễ Chúa Ba Ngôi
Đnl 4:32-34,39-40; Tv 33:4-5,6-9,18-19,20-22; Rm 8:14-17; Mt 28:16-20
TÌNH YÊU BA NGÔI
Kinh Thánh đã nói gì về Chúa Ba Ngôi. Có lẽ câu văn nổi tiếng nhất bàn về Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Phúc Âm thánh Matthêu, khi Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Tuy nhiên hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi là hình ảnh khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lúc đó, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, rồi từ trời có tiếng nói: Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Tiếng nói, chim bồ câu và Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên một chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi.
Thánh Phaolô cũng bàn về Chúa Ba Ngôi khi viết: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.
Còn thánh Luca trong sách Tông đồ Công vụ, cũng như trong Phúc Âm, đã nhìn nhận lịch sử cứu độ mang chiều kích của Chúa Ba Ngôi. Thời Cựu Ước là thời của Chúa Cha. Thời rao giảng Phúc Âm là thời của Chúa Con và thời hiện nay là thời của Chúa Thánh Thần. Kinh Tín Kính chúng ta đọc trong thánh lễ cũng đã tuyên xưng: Chúa Cha là Đấng sáng tạo. Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá, trao ban nguồn sống.
Tuy nhiên chúng ta đừng bao giờ quên rằng: Chúa Cha ở đâu, thì Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Ba Ngôi luôn luôn là mầu nhiệm thâm sâu, vừa đơn nhất lại vừa đa dạng.
Tin Mừng ngắn ngủi vừa nghe đã hé mở cho chúng ta thấy mối quan hệ cũng như vai trò của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện tình thương cứu độ đối với con người. Tình thương ấy xuất phát từ Chúa Cha là nguồn gốc và là Đấng khởi xướng. Tình thương ấy được thực hiện cho con người qua Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá. Tình thương ấy được thấm nhập vào trong tâm hồn mỗi người chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Đức Kitô đã trình bày và giới thiệu Chúa Thánh Thần như là Đấng sẽ tiếp nối sứ vụ của Ngài bằng cách giúp cho các môn đệ đi sâu vào ý nghĩa của những lời Ngài đã nói và những việc Ngài đã làm.
Thế nhưng không phải chỉ có dân chúng mà ngay cả các môn đệ đã không hiểu nổi những lời Ngài nói và những việc Ngài làm, bởi vì những lời nói và những việc làm ấy không phải chỉ cao siêu uyên bác mà còn vì chúng diễn tả một trật tự khác với trật tự các ông đang sống.
Hôm ấy bên bờ giếng Gacob, sau khi Chúa Giêsu tiếp chuyện một người phụ nữ Samaria thì các môn đệ mang thức ăn về và mời Ngài dùng. Nhưng Ngài đã bảo họ: Có thứ lương thực Ta phải ăn mà các con không biết. Các môn đệ bèn nói với nhau: Phải chăng có ai đã đem thức ăn lạ cho Ngài. Một lần kia, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng về bánh bởi trời, các môn đệ đã phản ứng: Lời chi mà chướng tai thế. Ai nghe cho nổi. Hay trong bữa tiệc ly, Phêrô đã không hiểu nổi cử chỉ Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, nên đã ngăn cản Ngài: Thầy mà lại rửa chân cho con ư? Và Chúa Giêsu đã đáp lại: Điều Ta làm nay con không hiểu, nhưng sau này con sẽ hiểu.
Phúc Âm còn ghi lại nhiều bằng chứng của sự không hiểu này. Chẳng hạn sau phép lạ bánh hoá nhiều lần thứ nhất, thánh Marcô đã ghi nhận: Họ không hiểu gì và lòng họ ra như chai đá. Còn lần thứ 2 thì chính Chúa Giêsu đã lên tiếng quở trách các môn đệ: Tại sao các con lo ngại rằng không có bánh. Các con chưa hiểu được hay sao? Cuối cùng một điều các môn đệ đã không hiểu nổi, đó là cuộc khổ nạn của Ngài. Theo thánh Marcô thì Chúa Giêsu đã 3 lần thông báo và giải thích và cả ba lần các ông đều tỏ ra không hiểu gì cả. Lần thứ nhất Phêrô đã lên tiếng can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời. Còn hai lần kia các ông thinh lặng nhưng thầm nghĩ rằng Thầy của mình sẽ lên ngôi trị vì và các ông ngấm ngầm tranh nhau chỗ nhất.
Như chúng ta đã thấy mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm lớn trong đạo, vượt qua cái giới hạn nhỏ bé của trí khôn con người. Sở dĩ chúng ta biết được phần nào là nhờ Chúa Giêsu đã tỏ lộ. Điểm cốt yếu không phải là bàn luận xem thế nào là 3 và thế nào là 1. Nhưng chính là tình thương của Thiên Chúa. Đúng thế mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa. Được khởi xướng do Chúa Cha, được thực hiện do Chúa Con và được tiếp nối do Chúa Thánh Thần. Tình thương ấy ngày nay vẫn còn được tiếp diễn qua từng người Kitô hữu, cũng như qua từng cộng đoàn, qua từng giáo xứ bằng những nỗ lực, những cố gắng liên kết mọi người lại trong công bình, yêu thương và hợp nhất. Cuộc sống của Chúa Ba Ngôi là tình thương. Ước chi cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng phải ngập tràn tình thương để trở nên một phản ảnh trung thực của Chúa Ba Ngôi.
Ba Ngôi là lò lửa tình yêu lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Ba Ngôi là nguồn mạch tình yêu không bao giờ vơi cạn. Cuộc trao đổi cho đi và nhận lãnh làm cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngày càng sung mãn dồi dào. Tất cả mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Tất cả mọi tình yêu muốn trung thực và bền vững đều phải học theo khuôn mẫu tình yêu Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc là ta được tham dự vào bầu khí yêu đương của Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc sẽ đến khi mọi người biết yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
Hôm nay, khi truyền cho ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Người mong ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những gọc tối t8am chiến tranh, chia rẽ. Người mong ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng tình thương tha thứ. Người muốn cho tình yêu lên ngôi ngự trị trong hết mọi tâm hồn.