Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích việc đào sâu đức tin và hiệp thông nhằm xây dựng sự hiệp nhất Kitô giáo
Trong lời chào mừng được chia sẻ với các tham dự viên tham gia Cuộc họp mặt Thế giới lần thứ IV của Diễn đàn Kitô giáo toàn cầu diễn ra tại Accra, Ghana, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích mọi người đào sâu đức tin và khơi dậy tình yêu huynh đệ, phản ánh sự hiệp nhất mà các Kitô hữu được mời gọi khi họ thảo luận về những thách thức mà cộng đồng Kitô giáo toàn cầu hiện đang phải đối mặt.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào mừng đến các tham dự viên tham dự Cuộc họp mặt lần thứ IV của Diễn đàn Kitô giáo toàn cầu từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 tại Accra, Ghana. Cuộc tụ họp toàn cầu quy tụ các Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới thuộc nhiều truyền thống khác nhau để cùng nhau dành thời gian đặc biệt cho việc cầu nguyện, thờ phượng, đối thoại và sứ vụ.
Chủ đề “Để thế gian có thể nhận biết” sẽ khám phá cách thức làm chứng cho Chúa Kitô trong thế giới ngày nay ngõ hầu công bố hữu hiệu hơn tình yêu và chân lý của Chúa Giêsu Kitô cho các quốc gia, với mục đích “cùng nhau, chúng ta hãy tạo nên sự khác biệt vì vinh quang Thiên Chúa”.
Bức tranh khảm tuyệt đẹp của đức tin
Bày tỏ “lời chào chân thành” tới tất cả những người quy tụ tại sự kiện, Đức Thánh Cha ca ngợi sự đa dạng toàn cầu hiện nay phản ánh “một bức tranh khảm tuyệt đẹp của Kitô giáo đương đại” và đồng thời chia sẻ một căn tính chung là những người môn đệ theo Chúa Giêsu Kitô.
Đức Tổng Giám mục Flavio Pace, Thư ký của Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, đọc những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau đó là bài diễn văn của ngài với tư cách là thm dự viên tham gia cuộc họp.
Được mời gọi hiệp nhất và yêu thương
Chạm vào chủ đề “Để thế gian có thể nhận biết” (Ga 17:23b), Đức Thánh Cha nói rằng người Kitô hữu được mời gọi “thể hiện sự hiệp nhất và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống cá nhân và Giáo hội để họ làm chứng cho một thế giới bị tổn thương bởi sự chia rẽ và thù địch”.
Đại kết gắn liền với sứ vụ
Sự hiệp nhất là chìa khóa “để đón nhận tầm nhìn về Vương quốc của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, và điều này đòi hỏi “một mối dây liên kết nội tại giữa chủ nghĩa đại kết và sứ vụ Kitô giáo”. Đức Thánh Cha ghi nhận sự đóng góp đáng kể mà Diễn đàn Kitô giáo Toàn cầu đã thực hiện trong lịch sử 25 năm của mình bằng cách tạo ra những không gian nơi các thành viên thuộc các biểu hiện lịch sử khác nhau của đức tin Kitô giáo có thể “phát triển trong sự tôn trọng lẫn nhau và tình huynh đệ bằng cách gặp gỡ nhau trong Chúa Kitô”.
Để kết lời, Đức Thánh Cha cầu nguyện để cuộc gặp gỡ sẽ giúp mọi người đào sâu đức tin, khơi dậy tình yêu huynh đệ khi họ cùng nhau cầu nguyện, thảo luận và trao đổi kinh nghiệm về những thách thức mà cộng đồng Kitô giáo toàn cầu đang phải đối mặt.
“Anh chị em than mến, tôi cầu xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng và cầu nguyện để cuộc tụ họp sẽ thúc đẩy sự hiệp nhất hữu hình giữa tất cả mọi Kitô hữu”.
Sau khi Đức Tổng Giám mục Pace đọc thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giám chức đã đưa ra đóng góp của mình trong việc phát biểu với các tham dự viên tham gia sự kiện. Nhắc lại lời của Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám mục Pace đã ca ngợi “tấm thảm phong phú của Kitô giáo, bao gồm Chính thống giáo, Công giáo, Tin lành, Tin lành, Ngũ tuần, các giáo hội độc lập và các tổ chức đại kết” đại diện tại cuộc gặp gỡ.
Việc Diễn đàn Kitô giáo Toàn cầu tập trung vào việc chia sẻ một “đức tin sống động” và thúc đẩy mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã trở thành một “công cụ đại kết có giá trị”, Đức Tổng Giám mục Pace cho biết, ngoài việc tìm ra giải pháp cho những khác biệt về giáo lý, trao đổi kinh nghiệm đức tin, đào sâu sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố tình huynh đệ.
Đức Tổng Giám mục Pace cũng nhấn mạnh việc làm thế nào để chứng tá Kitô giáo cùng nhau biểu lộ “sức mạnh hòa giải của Tin Mừng” và sự hiệp nhất này có thể cho thấy “sức mạnh của đức tin Kitô giáo vượt qua những khác biệt của con người, hình thành một cộng đoàn sống động gồm những người anh chị em bắt nguồn từ tình yêu huynh đệ, sự tôn trọng lẫn nhau và mục tiêu chung”.
Để kết lời, Đức Tổng Giám mục Pace nhắc lại việc Giáo hội Công giáo đã tham gia vào một tiến trình hiệp hành chưa từng có, “Vì một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”, bao gồm một số đại biểu huynh đệ đại diện cho các truyền thống Kitô giáo khác nhau tham gia phiên họp đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái với số lượng thậm chí còn lớn hơn được mời tham dự phiên họp bế mạc vào tháng 10 tới.
Trong khi cảm ơn họ vì sự tham gia Thượng Hội đồng, Đức Tổng Giám mục Pace nhận xét rằng Thượng Hội đồng “đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng và đáng tin cậy về mong muốn cùng nhau thực hiện cuộc hành trình trong tinh thần hiệp nhất đức tin và trao đổi những món quà”, khẳng định “những điều hiệp nhất các Kitô hữu thì lớn lao và sâu sắc hơn những gì gây chia rẽ họ”.
Cuộc gặp gỡ này tại Ghana cũng “được làm cho sinh động bởi tinh thần hiệp hành”, Đức Tổng Giám mục Pace chia sẻ thêm, và “bằng cách cầu nguyện và cùng nhau làm việc, chúng ta có thể tập hợp các nguồn lực, tài năng cũng như sự hiểu biết của mình để giải quyết những thách thức chung và thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng với tinh thần tập thể”.
Thiên Ân (theo Vatican News)