Chúa Thánh Thần là Đấng tố cáo thế gian
7.5Thứ Ba trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh
Cv 16:22-34; Tv 138:1-2,2-3,7-8; Ga 16:5-11
Chúa Thánh Thần là Đấng tố cáo thế gian
Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ ra đi, nhưng Ngài sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến để làm chứng cho Ngài, và Chúa Thánh Thần sẽ đến để thực thi sứ vụ là tố cáo thế gian vì đã không tin nhận Chúa Giêsu. Người cũng tố cáo những điều sai lỗi mà thế gian đã làm.
Nói cách khác, Người đến làm cho Lời của Chúa Giêsu được bừng sáng lên, đồng thời cũng làm cho sự xấu xa, tội lỗi bị lên án.
Chúa Kitô đã sống lại, đã phục sinh. Cuộc sống mới của Ngài không còn lệ thuộc, không còn cần đến đời sống của Ngài. Nhưng dù cũ hay mới, một khi Ngài đã lăn xả vào lịch sử với loài người rồi, Ngài không hề bỏ rơi họ được. Ngài có ra đi là “để sửa soạn một chỗ cho họ” (Gio 14,28). “Thầy đi nhưng Thày sẽ ở lại với các con” (Gio 14,28), “Một ít nữa các con sẽ chẳng thấy Thầy, rồi một ít nữa các con lại thấy Thầy” (Gio 16,16), “Thày ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Những câu nói trên đây bộc lộ rõ ý định của đức Kitô là Ngài vừa đi vừa ở lại. Ngài tìm cách dung hòa hai việc có vẻ mâu thuẫn đó.
Chúa Kitô đã mấy lần nói trước việc Ngài ra đi từ biệt các môn đệ: “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con, vì Đấng phù trợ sẽ đến cùng các con” (c.7). Tuy nhiên nói tới chữ ra đi, chia ly, từ biệt… bao giờ cũng sậm buồn. Sự chia ly bao giờ cũng chết đi trong lòng một ít. Xưa rầy các tông đồ quây quần quanh Thầy mình, mọi sự có Ngài lo cho từ của ăn vật chất đến tinh thần. Giờ đây tới lúc họ ra đi như ăn riêng thì lại mất Thày. Cho nên trên phương diện nhân loại, họ buồn da diết. Nhưng trên phạm vi siêu nhiên thì thật là ích hơn cho họ.
Đang lúc buồn sầu, rồi nghĩ đến giây phút Thầy trò chia ly, lại nghe nói đến những sự bách hại mai ngày, các Tông đồ thêm chán nản. Chúa Giêsu thương hại, nhìn các ông và hứa sẽ sai Thánh Thần đến ủng hộ các ông. Vì Chúa Giêsu về trời là điều kiện phải có để Thánh Thần đến. Vì thế, bài Tin mừng hôm nay ghi lại lời Chúa Giêsu loan báo về việc Chúa Thánh Thần đến ở với các Tông đồ để an ủi, soi sáng và ban thần lực cho các ông.
Về phương diện tự nhiên ‘ra đi là chết trong lòng một ít’(tục ngữ Pháp). Cuộc ra đi nào ít nhiều cũng thế cả, buồn cho người ở cũng như người đi. Nhưng nếu sự ra đi ấy có ích và nhất là cần thiết thì Chúa Giêsu khuyên chúng ta chấp nhận sự ra đi đó. Đàng khác, có sống thì phải có chết, có đoàn tụ có ngày cũng chia ly, đó là quy luật của cuộc sống, chính Đức Giêsu cũng nếm cảm và kinh qua quy luật đó. Nhưng Chúa chết là để sống lại, ra đi là để đoàn tụ: “Thầy về cùng Cha, để Thầy ở đâu các con sẽ ở đó với Thầy”.
Hơn nữa, Ngài còn nói với các môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con, vì nếu Thầy không ra đi thì Đấng bảo trợ không đến với các con”, Đấng bảo trợ Chúa nói đây là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đến soi sáng, trợ giúp và thúc đẩy các Tông đồ minh chứng về Đức Giêsu và tiếp tục sứ mạng của Ngài.
Động từ “ra đi” trong bản văn Tin mừng được nhắc đến nhiều lần, nhưng mang hai ý nghĩa khác nhau. Trước hết, “ra đi” là đi về cùng Chúa Cha; thứ đến, “ra đi” là không còn ở với các môn đệ một cách thể lý nữa. Có “ra đi” thì có trở về. Thầy Giêsu, sau cuộc Khổ nạn và Phục sinh, sẽ đến với các môn đệ, nhưng đó là sự hiện diện mới mẻ, thiêng liêng hơn, cũng thân mật hơn, thâm sâu hơn. Thầy sẽ gửi Thánh Thần đến dạy dỗ các môn đệ, cho các ông biết rằng từ nay Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến, ngự trị nơi tâm hồn con người. Thánh Thần cũng sẽ đến làm chứng về Thầy Giêsu, soi sáng cho các môn đệ hiểu được những lời Thầy mình dạy ngày nào. Rốt cùng, đặt thế gian trước sự lựa chọn hoặc tin vào Chúa Giêsu để được cứu rỗi, hoặc cứng lòng ở lì trong tội lỗi.
Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm:
Chúa Thánh Thần đến sẽ làm chứng về Đức Giêsu là Đấng công chính, và như vậy Người cũng chứng thực về tội lỗi của những người từ chối và giết Đức Giêsu.
Chúa Thánh Thần cũng dùng những dấu lạ, để làm chứng về sự công chính của Đức Giêsu: là Đấng đã tử nạn, phục sinh và lên trời.
Chúa Thánh Thần cũng làm chứng cho sự thật là ma quỷ và tay sai sẽ bị xét xử và luận phạt, vì thập giá của Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ.
Trong bài hát về Chúa Thánh Thần, có câu: “Thánh Thần khấn xin Ngài đến, hồn con đang mong chờ Ngài… Ngài ơi, xin Ngài mau đến chiếu sáng tối tăm u mê sai lầm, Ngài ơi, xin Ngài mau đến hiển linh Ngài ơi”. Lời khuyên thứ hai của bài Tin mừng hôm nay là chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng thì mới thấy rõ và đúng những sai lầm của mình.
Ngày nay, qua tiếng nói lương tâm và nơi các dấu chỉ, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và thúc giục mỗi người biết làm lành lánh dữ. Tuy nhiên, vì còn mang nặng tính tự kiêu, ích kỷ và bảo thủ, nên nhiều khi chúng ta đã bỏ qua tiếng nói của lương tâm, không đón nhận Chúa Thánh Thần, vì lý do sợ chân lý, sợ sự thật. Như thế, đôi khi vẫn cứ đi sai đường trệch lối mà không biết, nhưng cũng không thiếu những lúc ta cố tình không chịu biến đổi, dẫu biết điều đó là không đúng, là sai.
Vì thế, việc hồi tâm là điều cần thiết. Bởi lẽ, trong thinh lặng nội tâm, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta biết được đâu là điều tốt nên làm và đâu là điều xấu nên tránh.
Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng Bảo Trợ sẽ giúp các môn đệ tin vào Chúa Giêsu là Đấng Chúa Cha sai đến để cứu độ.