MỤC TỬ THÍ MẠNG VÌ CHIÊN
22.4Thứ Hai trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh
Cv 11:1-18; Tv 42:2-3; Ga 10:1-10; Ga 10:11-18
MỤC TỬ THÍ MẠNG VÌ CHIÊN
(Ga 10, 11-18)
Nhiều người đã nghe Chúa Giêsu giảng và xem nhiều phép lạ. Họ chỉ hiểu một phần nào giáo lý của Ngài, nhưng chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Câu hỏi “Ngài là ai?” phải được đặt ra. Tuy nghe Chúa Giêsu giảng và làm phép lạ như vậy, nhưng họ vẫn nghi ngờ về thân thế, uy quyền và sứ mạng của Ngài.
Để nói lên sứ mạng của Ngài, Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về người mục tử tốt lành. Người mục tử biết lo cho con chiên, tha thiết với đàn chiên, hiệp thông với đàn chiên, quên bản thân mình và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Chúa Giêsu tự nhận lấy danh hiệu ấy cho mình khi Ngài nói với họ: “Ta là mục tử nhân lành” (Ga 10, 14).
Hình ảnh người “Mục tử” hay người chăn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông, được dùng để diễn tả mối tương quan thân mật dễ mến dễ thương giữa Thiên Chúa với dân.
Hình ảnh này được người ta khắc vẽ với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, ôm chúng vào lòng, đưa chiên về với đàn của chúng thật là đẹp.
Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, một trong những phương pháp sư phạm của Ngài khi rao giảng Tin Mừng chính là phương pháp ẩn dụ. Tức là mượn hình ảnh của thiên nhiên, động vật… để nói lên một chân lý thuộc về Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay cho biết: Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử, đàn chiên và cửa chuồng chiên để nói lên mối tương quan giữa Ngài và dân Israel.
Mục tử là khái niệm rất quen thuộc của người Dothái; đàn chiên chính là gia sản của họ, nên ai cũng biết. Mục tử và đàn chiên cả hai đều sống du mục, nay đây mai đó, luôn tìm đến chỗ có đồng cỏ tươi, dòng suối mát để hạ trại.
Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành, được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại. Mục Tử Nhân Lành này sẵn lòng hy sinh tất cả vì đàn chiên. Ngài tự ví mình là “Cửa Chuồng Chiên”, tức là người canh phòng, bảo vệ chiên khỏi sói dữ tấn công. Vì thế, ai qua “Cửa” mà vào thì sẽ được sống.
Người Mục Tử Nhân Lành này sẵn sàng dùng mọi cách để giữ gìn chiên, ngay cả cái chết. Ngài yêu thương chiên bằng tình yêu mục tử, nên Ngài “biết” từng con chiên và từng con chiên “biết” Ngài. Vì thế, sự sống của chiên là của Ngài và sự sống của Ngài luôn dành cho chiên.
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về ta. Chúa “biết” chúng ta và Ngài “biết” cách thấu đáo. Còn chúng ta, chúng ta có “biết” Ngài không, hay có “biết” nhưng “biết” cách vu vơ, lúc biết lúc không?
Hình ảnh người chăn chiên đi trước và đàn chiên theo sau thật đẹp. Điều đó nói lên sự hiệp nhất giữa chủ chăn và đàn chiên, chiên nghe theo chủ chăn và do đó, chỉ có một chủ chiên và một đàn chiên.
Hiệp nhất vốn là dấu chỉ của tình yêu. Chúa Giêsu mượn hình ảnh người mục tử không ngừng đi tìm kiếm những con chiên lạc, để nói lên mối quan tâm của Ngài đối với Giáo hội. Đó chính là chúc thư Ngài để lại trong những giây phút cuối đời.”Xin cho chúng nên một”, “một đàn chiên và một chủ chiên”: đó là hình ảnh của sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu luôn quan tâm đến. Hình ảnh người mục tử đi tìm kiếm những con chiên lạc cũng nói lên tất cả mối tương quan của Thiên Chúa đối với con người: không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Mọi cố gắng của con người xét cho cùng cũng đều là những lôi kéo của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nghiêm túc đặt lại chính mình, ngõ hầu mỗi người làm mới lại mối tương quan với Thiên Chúa để được đi trong đường lối của Ngài. Đồng thời luôn sẵn sàng làm chứng về những gì mình “biết” về Thiên Chúa cho con người và cuộc sống hôm nay, ngang qua hành vi được biểu lộ nơi lòng mến và niềm tin.
Khi tự cho mình là Mục Tử, Chúa Giêsu muốn sống những đặc tính của người mục tử biết rõ từng con chiên, yêu thương đến thí mạng vì đoàn chiên để cho chiên được hạnh phúc. Mục Tử chữa lành mọi vết thương thân xác và tâm hồn để cho chiên được bình an, hy sinh cả mạng sống để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Quả thật, Chúa Giêsu Mục Tử đã yêu thương loài người (tức chiên) bằng một tình yêu thí mạng, chết cho đoàn chiên. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14 ).
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi: tôi có phải là chiên của Chúa không, nếu phải thì tôi có biết Chúa không, biết thì biết thế nào? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm.