BÁNH HẰNG SỐNG
17.4 Thứ Tư trong tuần thứ Ba Mùa Phục Sinh
Cv 8:1-8; Tv 66:1-3,4-5,6-7; Ga 6:35-40
BÁNH HẰNG SỐNG
Chúa Giêsu quả quyết lợi ích của Phép Thánh thể như sau: “Ta là bánh sự sống… Ai đến với Ta sẽ không hề đói và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (c. 35). “Và ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại” (c. 39).
Chúng ta đã từng biết phép Thánh Thể mang lại những kết quả gì. Việc rước Chúa không tha trọng tội nhưng gìn giữ chúng ta khỏi tội trọng. Thánh Công Đồng Trentô gọi việc rước Chúa là “một liều thuốc gìn giữ chúng ta khỏi sa ngã phạm tội trọng” (13,12). Kinh Thánh gọi Chúa là “Bánh bởi Trời ban xuống để ai ăn không hề chết” (Gio 6,50). Đó là Mình Thánh Chúa gìn giữ linh hồn khỏi sa ngã phạm tội.
Mình Thánh Chúa còn được gọi là bánh các thiên thần nghĩa là việc rước lễ làm cho chúng ta nên tinh tuyền trong trắng như các thiên thần. Thánh Chysostôm nói: “các tín hữu khi ra khỏi bàn tiệc thánh giống như những sư tử dũng mãnh làm ma quỉ khiếp sợ ít dám tấn công họ. Cho nên việc rước Chúa làm suy giảm những dục vọng lăng loàn quấy phá.
Hơn nữa, việc rước Chúa gia tăng đời sống ơn thánh (Ds 16,38). Cũng như mục đích của ăn, của uống là nuôi sống, thì việc rước Chúa là của ăn của linh hồn, là thứ của ăn đưa họ từ trần gian về vĩnh cửu. Việc rước Chúa còn bảo đảm chắc chắn được tha tội nhẹ và các hình phạt tạm thời hằng ngày chúng ta mắc phải. Hiệu quả này được Đức Piô X (Ds 3375/1981) và công đồng Trentô xác nhận (Ds 1638). Việc rước lễ còn kết hợp chúng ta với chính Chúa Kitô và với anh em (1C 10,16). Sau nữa việc rước Mình Chúa chuẩn bị cho thân xác một cuộc Phục sinh vinh hiển. Điều này được đức Kitô bảo đảm “và ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại” (c.40).
Phép Thánh thể, sự phục sinh và cuộc sống vĩnh cửu có tương quan với nhau. Xưa kia, tại vườn địa đàng, con người nhờ đặc ân mà có đời sống bất tử, bất tử ngay cả đối với thân xác, nhưng vì tội lỗi xâm nhập nên mất đặc ân đó và phải chết đời đời nữa. Nhưng Chúa Kitô đã tái lập lại ơn lộc ban đầu một cách dần dần, tịnh tiến, nghĩa là bây giờ nhờ rước lễ, chúng ta có đời sống ơn sủng, sau khi chết chúng ta được hạnh phúc trường cửu và ngày tận thế xác chúng ta sẽ được vĩnh cửu nước trời.
Một thánh phụ nói: “Khi rước lễ, Chúa Kitô đặt trong chúng ta mầm sống và vinh hiển. Đó là tàn lửa âm ỷ dưới lớp tro mà một ngày kia sẽ hủy diệt tất cả những gì là ô uế bởi tội lỗi. Nó chỉ còn chờ kèn chung thẩm để trong chớp nhoáng biến thân xác ta nên giống như thân xác vinh hiển của Chúa Kitô” (Irenê). Thánh Bernard nói: “Chúa Kitô chiến thắng sự chết nơi chúng ta, thân xác bất tử của Người biến chúng ta thành bất tử, tựa hồ mầm sống ở trong hạt giống làm cho hạt giống mọc lên, tựa hồ sức nóng ở trong nước làm cho nước sôi lên, tựa hồ như lửa rơi vào đống rơm làm bùng lên…” Thánh Ignatiô Ant. gọi rước lễ là “liều thuốc trừơng sinh” (R. 43).
Ở đời này, ai ai cũng muốn cho mình có công danh gì với núi sông. “Không công danh thời nát với cỏ cây”. Ai cũng muốn tên tuổi mình được tồn tại nơi hậu thế. Có những vị vua xưa đã từng bắt chư dân đi tìm một loại thảo tiên để được sống mãi. Nhưng rồi cũng chết và chết sớm nữa. Chúng ta hôm nay muốn được sống vĩnh cửu trong hạnh phúc, khỏi cần đi đâu xa, hãy đến với phép Thánh Thể mỗi ngày. “Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết” (c.40).
Lời của Chúa Giêsu tuyên bố trong Tin Mừng hôm nay: ”Ta là Bánh ban sự sống”. Sự sống mà Chúa Giêsu nói đến ở đây không chỉ hiểu là sự sống phần xác, nhưng là sự sống thiêng liêng, sự sống tâm linh.
Theo sự trình bầy của Thánh Gioan, sự sống này là mối giây liên lạc mới giữa người ăn Bánh Giêsu với Thiên Chúa Cha. Sự sống đó được biểu lộ với những tâm tình và hành động nó lên lòng cậy trông phó thác, sự vâng phục và tình yêu đối với Ngài như được Chúa Giêsu nêu gương trong cuộc sống, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng trên Thập Giá.
Chính giáo huấn và mẫu gương sống đó của Chúa Giêsu, đã giúp cho chàng thanh niên người Maori trên kia, gạt bỏ đi được mối hận thù lớn lao, và hơn thế nữa, còn tha thứ cho kẻ đã giết chết cha mình, để thể hiện tình yêu của những người muốn làm môn đệ Chúa.
Chúa Giê-su cho chúng ta biết, ý của Thiên Chúa Cha, là không muốn để mất đi một con người nào. Và để thực hiện ý muốn ấy, Cha đã sai Con của Người đến, để ai tin vào Người Con, thì không phải bị hư mất, nhưng được sống đời đời. Ôi! Lòng Chúa Xót Thương thật bao la vĩ đại. Đúng là “Lòng yêu thương của Chúa tồn tại đến muôn đời”. Nhớ, có bài hát rằng: “Không có ai yêu con bằng Chúa. Không có ai tác sinh đời con. Chỉ có Ngài chỉ có mình Ngài. Vì yêu thương dẫn con vào thế giới. Không có ai hiến trọn một đời. Không có ai yêu trọn một người.
Vì con người, tình yêu hay dừng lại. Chỉ có Chúa, tình yêu không phút ngơi”. Vâng, con người thiếu lòng thuỷ chung với Chúa và với nhau. Còn Thiên Chúa thì tín trung chung thuỷ đến muôn đời. Ước gì mỗi người luôn nhớ Lời Chúa Giê-su hôm nay: “Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại”. Ước gì mỗi nhà luôn nhắc nhớ nhau: Chúa trân trọng quý chuộng và yêu thương mỗi chúng ta, và Người không muốn ai phải hư mất đi ngàn đời. Vì thế, đừng bỏ Chúa mà đi xa xôi nữa! Đừng phụ ân tình Chúa nữa!
Đừng tìm kiếm sự sống phù phàm, hạnh phúc hư ảo ở trần gian này nữa! Nhưng hãy “tin cậy mến” Thiên Chúa, trong Chúa Giê-su, trên hết mọi sự. Những người làm cha mẹ trong gia đình cũng hãy mặc lấy lòng thương của Chúa, mà cầu nguyện và vui mừng đón nhận con cái hư đốn trở về. Giáo Hội là Mẹ thánh thiện luôn bước xuống, tìm kiếm, gặp gỡ, thấu hiểu, mở rộng vòng tay và trái tim xót thương mà đón nhận con cái chưa thánh thiện trở về!
Chúa Giêsu không những đến để khơi dậy những câu hỏi ngàn đời của cuộc sống: “Phần các con, các con bảo Ta là ai?” Câu hỏi Ngài đã từng đặt ra cho các môn đệ của Ngài cách đây hai ngàn năm. Ngày nay, Ngài cũng không ngừng đặt ra cho mỗi người. Ngài không những tra vấn con người của mọi thời đại, Ngài là giải đáp cho mọi thắc mắc của con người. Ngài là Ðấng đang hiện diện trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta. Ngài đang đồng hành với chúng ta.