Kính Lòng Thương Xót Chúa
7.4 Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh – Kính Lòng Thương Xót Chúa
Cv 4:32-35; Tv 118:2-4,13-15,22-24; 1 Ga 5:1-6; Ga 20:19-31
Kính Lòng Thương Xót Chúa
Đức Giêsu Phục Sinh bất ngờ xuất hiện giữa các tông đồ. Ngài trao ban bình an và cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng của Chúa vẫn mang dấu tích của cuộc khổ nạn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Thầy, và hơn nữa còn được Thầy ủy thác sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19). Sự xuất hiện bất ngờ của Thầy Giêsu đã mang lại niềm vui nơi tâm hồn các môn đệ. Thầy hiểu rõ điều các ông đang cần đó là sự bình an. Vắng Thầy, các ông mất bình an, đầy hoang mang và lo sợ.
Bây giờ, các ông hạnh phúc biết bao khi được thấy Chúa, được đụng chạm vào thân xác phục sinh của Chúa. Các ông nhận được Thánh Thần, để Người hướng dẫn và giải thoát các ông khỏi mọi nỗi sợ hãi, để các ông can đảm làm chứng nhân cho Chúa Phục Sinh.
Có một môn đệ tên là Tôma, ông đã vắng mặt khi Chúa hiện đến. Nghe các anh em nói: “Chúng tôi đã thấy Chúa”, ông không tin. Ông muốn được tận tay đụng chạm đến Chúa. Ông không phải là người dễ dàng đón nhận niềm tin từ người khác truyền lại. Ông cũng sẽ được Chúa cho toại nguyện vì Chúa yêu thương ông, Chúa không vì sự cứng lòng tin nơi ông mà lãng quên ông. Lòng quảng đại của Chúa trải dài, để qua ông, nhiều người sẽ nhận ra mình thật có phúc, vì dù không thấy Chúa nhưng họ vẫn một lòng kính tin.
Các Tông đồ là những chứng nhân của Chúa Phục Sinh. Ngày hôm nay, chúng ta là những người môn đệ được thừa hưởng đức tin mà các Tông đồ truyền lại. Mỗi người tín hữu cũng sẽ được sống đức tin mỗi ngày, họ sẽ nói cho mọi người biết rằng: “Tôi đã thấy Chúa!” hay “Chúng tôi đã thấy Chúa!”. Điều này quả không phải là điều đơn giản. Các Tông đồ đã không thuyết phục được ông Tôma, có lẽ vì chính cuộc sống của họ chưa chứng tỏ được điều đó họăc vì Tôma chưa được thấy Chúa tận mắt.
Chỉ khi Tôma được sống tương quan cá vị với Chúa, được đụng chạm đến Chúa của mình, ông mới reo lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28). Có thể, chúng ta không thể thuyết phục người khác bằng chính lời nói của mình, nhưng chúng ta có thể dùng chính đời sống chứng tá của tình thương mà diễn tả niềm tin và niềm hạnh phúc của chúng ta.
Tại sao ngay giữa những sóng gió của cuộc đời, người tín hữu vẫn bình an và dường như họ còn sống dồi dào hơn nữa? Bởi vì người Kitô hữu được sống trong bình an của Chúa, tình thương mà họ nhận được từ Chúa Phục Sinh không ngừng lan tỏa đến mọi người. Đó là một sự lôi cuốn và thu hút, dù âm thầm nhưng rất mạnh mẽ, nó sẽ làm cho nhiều người phải để tâm suy nghĩ. Ai cũng có quyền được trở nên người có phúc, được cảm nếm hạnh phúc có Chúa trong đời.
Thế nhưng, trên thế giới vẫn còn rất nhiều người chưa có được hạnh phúc ấy. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chính khi chúng ta không hết lòng sống đức tin, không để Chúa hiện diện trong tâm hồn mình, không đón lấy Thánh Thần của Thiên Chúa, mà chỉ say mê chạy theo thói đời, chúng ta làm cản trở ơn Chúa đến với anh chị em chúng ta.
Cuộc sống vẫn luôn có những sóng gió và thử thách. Giữa những gian nan và bao nỗi sợ đang chi phối, chúng ta hãy cùng quây quần bên nhau để cầu nguyện. Chính Thánh Thần tình yêu sẽ đến xua tan bóng đêm của sự dữ, và bình an của Chúa Phục Sinh sẽ ngập tràn trong tâm hồn mỗi chúng ta.
Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy Chúa, đã sờ chạm vào Chúa. Tất cả các tông đồ đều đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng là Đức Kitô đã sống lại, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất cho loài người… Tiếp nối các tông đồ đã có hàng triệu người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, đã dâng hiến đời mình vì niềm tin ấy, trong số đó có hằng ngàn cha ông chúng ta đã hiên ngang đổ máu mình để lưu truyền đức tin lại cho con cháu hôm nay, cụ thể là 118 thánh tử đạo Việt Nam.
Quanh chúng ta cũng vẫn có nhiều anh chị em đạo đức, đầy lòng tin mến. Họ đã được ơn “thấy và chạm đến” Chúa một cách nào đó, nên họ rất chuyên chăm trong đời sống cầu nguyện, sốt sắng trong thánh lễ, và tích cực làm việc tông đồ. “Thấy và chạm” đến Chúa nghĩa là “cảm nghiệm” hay “cảm nhận” về sự hiện diện của Chúa khi nghe Lời Chúa, khi Rước Mình Chúa, khi phục vụ anh chị em, khi thăm viếng và cứu giúp những người bệnh tật, nghèo hèn, khốn khó…
Để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta cũng không cần phải nổi bật cái gì hết, mà chỉ cần nổi bật lòng thương xót của Chúa. Thương xót nói theo thánh Phaolô là: đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tuy nhiên, thương xót không có nghĩa là làm ngơ trước tội lỗi và sai lạc của người khác, cũng không phải là dung túng hay nhượng bộ cho những xấu xa vẫn xảy ra trong đời ta. Thương xót là muốn cho nhau một cuộc sống tốt hơn, là tìm cách dẫn đưa anh em về đường ngay nẻo chính. Muốn vậy, nhiều khi chính mình phải hy sinh và chấp nhận thương đau.
Cũng như xưa, con người ngày nay làm sao có thể tin Chúa được, nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ, hay của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha nhân? Con người ngày nay cũng đang đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu nơi Giáo hội, nơi các bạn trẻ. Đạo của bạn là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chững chứng tích tình yêu của bạn đi! Mahatma Gandhi đã từng tuyên bố với người công giáo như thế.
Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra rằng mình được diễm phúc trở nên Kitô hữu là nhờ lòng thương xót Chúa, để suốt đời ta biết sống cho mọi người, nhất là những người bé nhỏ nghèo hèn, là đối tượng ưu tiên của lòng Chúa xót thương. Quả thật “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Chúa xót thương”.