Đấng Thiên Sai khẳng định thiên tính
22.3 Thứ Sáu trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Gr 20:10-13; Tv 18:2-3,3-4,5-6,7; Ga 10:31-42
Đấng Thiên Sai khẳng định thiên tính
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy công cuộc loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu đã gần đến hồi kết thúc.
Ba năm say sưa miệt mài với mọi cách thức giảng dạy, Chúa Giêsu dùng những dụ ngôn thiết thực, những lời nói cao siêu hay đơn sơ dễ hiểu. Nhất là Người đã dùng đến quyền phép của Thiên Chúa mà làm những phép lạ để ban ơn giáng phúc cho người Do Thái, dân riêng của Người. Hầu cho họ nhận ra Thiên Chúa quyền phép tạo dựng yêu thương, là cha của họ cùng toàn thể nhân loại. Đặc biệt là muốn cho họ nhận ra Đấng Thiên Chúa yêu thương ấy cũng chính là Đức Giêsu đã đang ở với họ mà dạy dỗ, mà cứu chuộc, cho họ được sống muôn đời. Vậy mà công ơn của Người với họ như là vô hiệu. Từ việc bới móc, chê bai bất tuân lời Chúa dạy, đến hôm nay sự thù ghét đã gần đến đỉnh điểm: “Họ lượm đã ném Đức Giêsu” và họ còn “tìm cách bắt Người” nữa..
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện tốt lành đến với trần gian u mê tội lỗi, như ánh sáng đến với bóng đêm mà Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. (Ga 3,19-20).
Đến ngày phán xét, nhiều dân tộc có thể họ bào chữa cho mình rằng: Vì tôi chưa được nghe giảng Tin Mừng. Nhưng với người Do Thái họ không những được nghe, còn được nài nỉ van xin, chỉ vẽ để cho họ dù không nghe lời dạy, thì ít ra cũng tin yêu những việc kỳ diệu của Đấng Thiên Sai đã làm.
Họ tỏ ra tôn kính Thiên Chúa: “Chúng tôi ném đá ông… vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Nhưng không nhận những việc thiện hảo bởi quyền phép Thiên Chúa. Họ nại đến Thiên Chúa mà giết người tin kính Thiên Chúa, điều mà Chúa Giêsu đã nói: “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường, hơn nữa sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.” (Ga 16,2). Tâm hồn họ mù tối ích kỷ, kiêu căng ghen ghét, không muốn nhìn nhận một điều gì tốt lành nơi người khác. Họ như những con mắt bệnh tật không muốn tiếp nhận ánh sáng chói lọi là lời Chúa Giêsu đem đến cho họ: “Ta là Con Thiên Chúa… Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”.
Lòng dạ mù tối ác độc đã dẫn họ đến phạm tội ác tầy đình có một không hai trong lịch sử nhân loại: Giết Chúa Cứu Thế. Một tội ác, một vết nhơ, họ đã bị nhân loại nguyền rủa hai nghìn năm qua. Nhưng công đồng Vaticano II (1965) đã nhắc nhở mọi người: “Mặc dầu chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái chết của Chúa KiTô, nhưng không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Người bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó… cũng như thời nay.”).
Thật vậy, Tin Mừng hôm nay kể dù “nhiều kẻ tìm cách bắt Người”… Nhưng cũng “… có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: Gioan đã không làm một phép lạ nào, nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”.
Tin Mừng hôm nay: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Người Do Thái thời ấy tôn thờ Thiên Chúa là bậc Chí Tôn uy quyền ở trên cao vời vợi, và con người là kẻ bé mọn, các Thượng tế, Biệt phái không thể chấp nhận được điều Chúa Giêsu nói với họ: “vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa?”, dù họ đã biết khi Chúa Giêsu đi rao giảng mời gọi mọi người đón nhận Tin Mừng, Người không chỉ nói lý thuyết mà luôn có hành động của Lòng Chúa Thương Xót là cứu chữa các bệnh nhân.
Lòng yêu thương con người từ Chúa Cha và Chúa Con đã thực hiện điều ấy thay Chúa Cha. Chúa Giêsu muốn tỏ bày cho dân Chúa biết Người là Con Thiên Chúa và cũng muốn nhân loại biết về Chúa Cha, nhưng những nhà lãnh đạo Do Thái tỏ thái độ chống đối, có thể là do xuất thân của Chúa Giêsu là con của gia đình lao động, quá tầm thường. Ông bà xưa có câu : “Miệng nhà giàu nói đâu ra đấy” hay thành ngữ có câu “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thật chẳng sai. Trong đời sống xã hội từ thời xưa đã có sự phân biệt người quyền thế, giàu có, người có tiền, thì luôn dễ dàng chiếm lĩnh ưu thế.
Bài học cho chúng ta là những vị Mục Tử tại các giáo phận, giáo xứ là những vị đại diện cho Giáo Hội với trọng trách chăm sóc linh hồn của giáo dân, thực thi sứ vụ truyền giáo tại các địa phương rất cần sự hợp tác, đón nhận của người Kitô hữu. Theo thánh Augustino chia sẻ: “Nếu mặc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu xuống thế gian để cứu rỗi và nâng con người lên làm con cái Chúa Cha, để cùng hưởng hạnh phúc với Chúa Cha. Hành trình trở thành con cái Chúa là sự tự nguyện của mỗi người, Lời Chúa giúp chúng ta biến đổi từ bên trong và thể hiện ra bên ngoài với mọi người chung quanh từ cách giao tiếp, cư xử… làm đời sống Kitô hữu ngày một nên thánh thiện. Ngày nay, khi nghe Giáo Hội giảng dạy Lời Chúa, cũng có những Kitô hữu không chấp nhận mà còn có hành động như: coi thường Lời Chúa, vi phạm luật công bình, bác ái, phản đối luật lệ Hội Thánh, chống đối chủ chăn…
Ngày nay, Tuy rằng Thiên Chúa không còn trực tiếp để nói với nhân loại về Ngài nữa: Song, qua Kinh Thánh, qua Giáo hội và qua những dấu chỉ của thời đại Chúa vẫn tiếp tục mạc khải về Ngài, về tình yêu thương và công trình cứu độ của Ngai . Điều quan trọng nằm ở phía con người có biết mở đôi mắt, mở đôi tai và mở tấm lòng ra đón nhận Thiên Chúa hay không?
Thiên Chúa đã tôn trọng và ban cho mọi người được quyền tự do để tùy đó lựa chọn cho mình sự sống hay cái chết. Vì vậy. Chúng ta hãy nên khôn ngoan biết dùng chính cái quyền được tự do ấy mà đón nhận Thiên Chúa bằng việc mang Lời Ngài ra thực hành trong cuộc sống, có như thế chúng ta mới hy vọng sẽ được sống đời đời bên Chúa sau cuộc lữ hành trần gian này.