Tình bạn trong gia đình
Nội dung

 

Ông trùm Vito Corleone trong tiểu thuyết “Bố già” có câu nói nổi tiếng: “Người đàn ông không dành thời gian cho gia đình thì không thể nào trở thành đàn ông thực thụ”. Cả đời mình, bố già Vito đã thực hiện đúng phương châm này, cân bằng được giữa công việc và gia đình. Động cơ ban đầu thúc đẩy ông dấn thân vào thế giới ngầm cũng là để bảo vệ gia đình. Tình bằng hữu mà ông xây dựng trong gia đình nhỏ trở thành nền tảng cho “gia đình mafia” nhà Corleone, khiến bố già Vito có được lòng trung thành, tin tưởng và kính trọng của thuộc hạ, bạn bè, đối tác.

Trong kho tàng tiếng Việt, có những cụm từ: bạn học, bạn đồng môn, bạn đồng hương, bạn đồng nghiệp, bạn vong niên, bạn tri kỷ, bạn đời… Dường như mọi mối quan hệ gắn bó trên đời đều bắt nguồn từ tình bạn/ tình bằng hữu. Người bạn đầu tiên chính là anh chị em và cha mẹ của mỗi người. Nơi đầu tiên dạy những bài học vỡ lòng về tình bạn không phải trường học mà là gia đình.

- Ở một gia đình đông con nhiều cháu nọ, đám trẻ thường xuyên cãi cọ và so bì với nhau: đứa lớn ra lệnh, sai bảo đứa bé, đứa út mè nheo, ỷ mình nhỏ hay méc cha mẹ... Có lần chúng mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả, người cha phải can: “Mấy đứa là bạn mà! Bạn tốt sao lại đánh nhau!”. Chúng nhao nhao phản đối, bảo rằng anh chị em không phải bạn bè. Người cha ôn tồn nói: “Nếu các con không thể làm bạn với chính anh em mình trước, sao có thể thật sự làm bạn với mọi người?”. Dù còn nhỏ nhưng lời khuyên của cha đã làm các con tỉnh ngộ. Từ đó, chúng lớn lên với tư tưởng coi anh chị em trong nhà là những người bạn gần gũi nhất. Khi đã lập gia đình, mối dây bền chặt ấy giúp chúng thiết lập tình thân lành mạnh, khắng khít với bạn đời, con cái, bạn hữu.

- Trong khi đó, một gia đình khác suốt ngày có cảnh vợ chồng cãi cọ, chửi con mắng cái. Đàn con không mấy thân thiết với nhau, ai cũng có nhóm bạn riêng và kiếm lý do ra ngoài càng lâu càng tốt, tránh xa không khí ngột ngạt ở nhà. Lần lượt các chị lớn lập gia đình hoặc sớm ra riêng, để lại cậu em út với bà mẹ “vía cọp” cùng ông bố hiền lành, cục tính. Từng là đứa trẻ ngoan nhất nhà, rất lễ phép và yêu bố, cậu bé trở thành tấm thớt cho hai đấng sinh thành đem ra băm, chặt. Lên cấp II, trong một lần mâu thuẫn đến đỉnh điểm, bố bỏ đi mặc cho cậu chạy theo khóc lóc, níu kéo cũng không quay đầu lại. Từ đó, cậu chểnh mảng rồi bỏ ngang việc học, bắt đầu lêu lổng, sẵn sàng “bật” lại mẹ. “Cán cân quyền lực” trong gia đình thay đổi hẳn. Dù không còn bị kìm hãm, chàng thanh niên mất phương hướng, không biết xây dựng những mối quan hệ lành mạnh. Cậu bé trong sáng năm xưa không thể tìm thấy tình bạn trong gia đình, nay trượt dài cùng đám bạn xấu, sống mòn một cách vô nghĩa.

*

Nhà văn Mỹ Trenton Lee Steward có câu: “Bạn hãy nhớ gia đình sinh ra từ máu mủ nhưng không phụ thuộc vào huyết thống. Tình bạn cũng vậy. Người nhà có thể là bạn thân, bạn thân cũng có thể trở thành gia đình, dù họ chung dòng máu với bạn hay không”. Nhiều gia đình lục đục chỉ vì người vợ/chồng “có hiếu với bạn”, “nể bạn bè” hơn xem trọng chồng/vợ mình, thích đi chơi, ăn uống với bạn bè hơn là về quây quần quanh mâm cơm gia đình. Có những người chồng cực kỳ tận tụy, hết lòng với anh em chiến hữu nhưng lại cư xử vô tâm với vợ con. Có những người vợ ham bay nhảy, thích buôn chuyện với hội chị em hơn là tâm sự cùng chồng con… Khi đào sâu hơn, hầu như họ đều xuất thân từ “mái lạnh” của một gia đình bất hòa hoặc lạnh nhạt, không đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Vì không tìm được tình bạn chân thành dưới mái nhà, người thiếu hơi ấm gia đình, hoặc họ thu mình lại hoặc tìm kiếm tình cảm bên ngoài để cân bằng. Tiếc là trong số những người bạn mà họ có, một số không nâng đỡ họ trở nên tốt đẹp hơn, ngược lại càng khiến họ xa rời gia đình và đánh mất những giá trị. Tất cả bởi vì cái cây tình bạn của họ đã bật gốc ngay từ trong gia đình thuở ấu thơ.

Ths-Bs Lan Hải

Chi tiết