TIN VÀ BƯỚC THEO CHÚA GIÊ-SU
TIN VÀ BƯỚC THEO CHÚA GIÊ-SU
Khi thi hành sứ vụ Thiên sai Chúa Giêsu đã chữa lành những người bị quỉ ám, làm cho người mù được sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được… nhìn chung là vui mừng và sung sướng; mọi người đều thán phục; các thần ô uế phải vâng lệnh Người.
Đức Giêsu trở về quê hương, vào hội đường Nazareth ngày thứ bảy. Người ta trao cho Ngài sách tiên tri, để Ngài đọc và giải thích. Lúc đầu họ cảm phục tài hùng biện và dáng vẻ thuyết phục của Ngài. Nhưng sau, họ bực tức, vì thấy Ngài ưa thích Capharnaum, nơi dân ngoại nhiều hơn quê mình. Trước thái độ đó, Đức Giêsu tỏ bày cho dân làng biết sứ vụ thiên sai của Ngài.
Đồng thời Chúa cũng cho họ biết rằng Ngài không thiên vị ai, Ngài ban ơn cho tất cả mọi người, cho dù người ngoại nhưng nếu tin vào Chúa thì Ngài cũng ban ơn. Còn kẻ có đạo nhưng không tin thật thì không đáng nhận ơn Ngài.
Dân làng Na-gia-rét không nhận biết Đức Giê-su: vì họ phán đoán hoàn toàn theo sở thích loài người. Đức Giê-su là ngôn sứ, Người hành động theo sứ mạng Thiên Chúa.
Không phải những đòi hỏi của người trần ấn định cho hành động của các ngôn sứ, của Đức Ki-tô, các ngài không hành động vì lợi riêng cho mình. Các ngài chỉ hành động theo ý Thiên Chúa. Ngôn sứ không được hành động theo quyết định bản thân mình, nhưng luôn luôn theo quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã sai mình.
Thiên Chúa quyết định cho hai ngôn sứ : Ê-li-a và Ê-li-sê đến làm phép lạ cứu giúp những người lương dân chứ không cứu người đồng hương. Đức Giê-su không hoàn toàn đến thực hiện ơn cứu độ cao cả cho quê hương mình, Người phải đi cứu độ những người dân xa lạ. Thiên Chúa dành cho mình có quyền tự do phân phát ơn cứu độ.
Không ai có thể đòi quyền được ơn cứu độ. Quả thật như vậy, không ai được phép đòi có quyền đó, phải tin ơn cứu độ mình được là nhưng không. Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng và thực hiện ơn cứu độ cho những người Thiên Chúa yêu thương, ơn cứu độ là một ân huệ chứ không do công lao mình làm. Nhưng đó là ân huệ chúng ta được quyền hưởng vì Đức Giê-su đã chết cho chúng ta, và chúng ta phải sống hoàn toàn theo ý Cha của Người, đó là điều kiện căn bản, còn chúng ta vẫn có tự do đón nhận hay từ chối ơn cứu độ.
Hôm nay hoàn toàn ngược lại, với hơi thở dài đi liền câu nói để đời: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình“(Lc 4,24). Tuyên bố của Chúa Giêsu vang lên trong hội đường như một sự khiêu khích. Người kể lại hai phép lạ mà các ngôn sứ Elia và Eliseo đã làm cho những người không phải dân Do thái, để chứng minh rằng đôi khi ngoài dân Israel có nhiều kẻ tin mạnh hơn. Tới đây thì tất cả những người có mặt đều phản ứng: “Mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi” (Lc 4,28-30).
Về điểm này, thánh Augustinô (354-430), Giám mục thành Hippôn (Bắc Phi), tiến sĩ Hội Thánh đã chủ giải như sau: “Người rẽ qua giữa họ mà đi“, nghĩa là Chúa Giêsu là một thầy thuốc cao tay đã đến giữa chúng ta. Người vẫn rẽ ngang qua cuộc đời của mỗi chúng ta để làm cho chúng ta được khỏe mạnh.
Đức Giêsu đã không cứu chúng ta bằng cách làm phép lạ, nhưng bằng việc loan báo Tin Mừng, từ bỏ và hy sinh mạng sống cho chúng ta. Người chính là Đấng Mêsia đích thực của Thiên Chúa, một Đấng Mêsia không vận dụng quyền lực để thực hiện một cảnh ngoại mục cứu độ trần thế, nhưng đặt tại trung tâm sứ điệp về Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã chỉ trích thái độ tự mãn, ích kỷ của người Do Thái. Người Do Thái trong hội đường Nagiarét đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của nhóm người này, nhưng kỳ thực nhiều khi trong cuộc sống chúng ta đã sao chép nguyên bản việc làm ấy. Tự hào là Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin, nhưng rồi với một mớ lễ nghi hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ còn là ngọn đèn leo lét, chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gãy đổ. Ðó là thứ niềm tin mà tác giả cuốn sách Ðường Hy Vọng đã nhắc nhở: “Nhiều người nói tôi có đức tin, tôi còn đức tin, có lẽ đức tin của đời sống. Ít người sống theo đức tin. Ðừng bao giờ mê tín mãn nguyện với một đức tin lý thuyết, hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thật, thiết ái, trung thành.”
Tự mãn với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận khiến người Do Thái mất đi Chúa Giêsu – nền tảng của niềm tin. Cũng vậy, nếu Kitô hữu chỉ đóng khung trong một nghi thức, luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa cội nguồn sự sống, vì sống là gì nếu không phải là một luân lưu trao đổi. Con người sẽ chết khi hệ tuần hoàn không luân chuyển, hệ thần kinh không vận động. Ðời sống đức tin cũng đòi hỏi một sự luân lưu trao đổi với Thiên Chúa và với anh em.
Ðối với người Kitô, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương. Chúa không phải là Ðấng bắt con người phải kính mến. Nói đúng hơn Thiên Chúa là Ðấng mà con người phải để cho Ngài yêu thương vô hạn. Tin là chấp nhận Chúa Kitô và quyết tâm sống chết cho Ngài.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ. Cần tránh thói hư là: “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh”; hay “bụt nhà không thiêng”. Hãy biết tôn trọng anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh em trổi trang hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến thanh danh tiếng tốt của họ! Làm như thế, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương với Đức Giêsu, và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ mất ơn cứu độ vì không thuộc về Thiên Chúa.