Hãy sống nhân từ
26.2Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mùa Chay
Đn 9:4-10; Tv 79:8,9,11,13; Lc 6:36-38
Hãy sống nhân từ
Chúa dạy các môn đệ phải có tinh thần từ tâm với anh em. Đòi hỏi này gián tiếp chấp nhận sự thật là trong đời sống chúng có những rạn nứt, phiền hà gây đau khổ cho nhau. Nhưng để làm chứng cho tinh thần khoan dung của Chúa đối với tội nhân, Chúa đòi hỏi con cái Ngài, cũng phải có lòng từ tâm đối với nhau. Vì thế, Đức Giêsu đã giới thiệu lòng nhân từ của Thiên Chúa là Cha, như mẫu gương cho các môn đệ noi theo: như Cha anh em trên trời là Đấng nhân từ.
Chúa Giêsu huấn dụ các môn đệ về tinh thần phải có trong cộng đoàn: có lòng nhân từ, đừng xét đoán và kết án, hãy tha thứ, biết cho đi. Đặc biệt Chúa Giêsu nói rằng tuỳ cách chúng ta đối xử với người khác như thế nào mà ta sẽ được Thiên Chúa đối xử như thế đó.
Hãy ở nhân từ như Cha các ngươi là Đấng nhân từ:
– Đừng xét đoán, đừng kết án thì khỏi bị kết án.
– Hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ.
– Hãy cho đi thì sẽ được cho lại.
Sau khi công bố Hiến chương Nước trời, Chúa Giêsu đưa ra những đòi hỏi cụ thể: chúng ta phải thương yêu nhau. Đây là lề luật phải giữ, phải thực hiện. Để đi xa hơn, Chúa Giêsu còn đòi hỏi mỗi môn đệ phải yêu thương mọi người không trừ ai, kể cả kẻ thù của mình và bách hại mình. Chúng ta cũng được kêu gọi hãy tha thứ cho kẻ thù và đừng bao giờ lên án ai, đừng bao giờ dùng bạo lực, tốt nhất là làm cho tha nhân điều mà ta muốn tha nhân làm cho mình.
Lý do của tất cả cách cư xử trên vì Cha trên trời: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”. Cha chúng ta thế nào, chúng ta cũng phải sống như vậy, vì thế chúng ta hãy yêu thương, tha thứ, đừng xét đoán, biết cho đi.
Chúa Giêsu cấm không được xét đoán, vì một đàng, con người thì hữu hạn lại vô thập toàn, nên không thể xét đoán đúng và công bằng được; đàng khác, chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt cả bên trong, mới có quyền xét đoán. Nhưng Chúa không cấm con người nhận định về nhau, để giúp nhau hoàn thiện và thăng tiến như sửa lỗi cho nhau, khuyên nhủ nhau…
Chúa Cha là Đấng nhân từ, Chúa Giêsu, con Chúa Cha mời gọi chúng ta ở nhân từ như Chúa Cha, đồng thời trở nên dấu chỉ và chứng nhân của lòng nhân từ Chúa giữa thế gian.
Chúa Giêsu bảo: “Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ” ( Lc 6, 37).
“Đứng xét đoán” (Lc 6,37) ở đây không phải là không phê phán ai cho dù người ấy gây gương mù gương xấu. Nếu hiểu chữ xét đoán như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại lên án những kẻ gây gương mù. Chữ “xét đoán” ở đây được hiểu là chỉ trích, phê bình, lên án người khác cách vô trách nhiệm.
Tại sao Chúa dạy người con không được xét đoán và lên án? Thưa là vì con người nhân vô thập toàn không có quyền lên án, cũng không thể xét đoán đúng và công bằng được, chỉ có Chúa là Đấng công mình, cầm quyền sinh tử mới có quyền lên án, kết án con người. Còn câu Chúa nói: “Đừng lên án các người sẽ không bị lên án” (Lc 6, 37). Chúa muốn nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta không muốn người khác khắt khe với mình thì trước hết chúng ta đừng đối xứ với họ như vậy, đó là cách xử từ tâm. Chúa bảo chúng ta phải tha thứ. Đơn giản vì chúng ta đã được Thiên Chúa thứ tha.
“Hãy cho…Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Thiên Chúa đã cho chúng ta quá nhiều, chúng ta hãy cho anh em mình theo đúng cách Chúa đã ban thì chúng ta lại tiếp tục nhận lãnh từ Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Đấng chậm giận, Đấng giàu lòng tình thương. Bởi vì nếu Chúa chấp tội thì ai có thể đứng vững trước nhan Chúa.
Người môn đệ Chúa Giêsu được kêu mời luôn thể hiện dung nhan hiền từ của Chúa cho tha nhân. Theo Chúa Giêsu, sống nhân từ không xét đoán anh em của mình, không kết án tha nhân của mình, biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, là hoa trái của một cuộc đời biết sống như Chúa. Đây là cách sống luôn có sức hấp dẫn lôi kéo người khác đến với mình. Cuộc sống đó sẽ không cô đơn nhưng bên cạnh luôn có những người bạn thân thiết. Nếu lỡ cuộc sống có những lầm lỗi yếu đuối thì họ sẽ được người khác dễ dàng thông cảm và tha thứ.
Nhân từ còn là món quà trang sức tô điểm xinh tươi cho gia đình. Thử hỏi nếu vợ chồng sống nhân từ với nhau thì tình yêu của họ sẽ như thế nào? Cha mẹ sống nhân từ với con cái thì gia đình đó sẽ ra sao? Nhân từ còn là sức mạnh xây dựng một xã hội vững bền an vui. Thử hỏi nếu giữa người với người sống nhân từ với nhau, giữa tập thể sống nhân từ với một tập thể, giữa quốc gia sống nhân từ với một quốc gia, thì đất nước và thế giới sẽ hạnh phúc biết bao.
Chính vì thế, chúng ta xin Chúa thêm ơn cho chúng ta để chúng ta có lòng nhân từ như Cha chúng ta là Đấng nhân từ.