Chối bỏ ơn nghĩa cũ
Nội dung

Chối bỏ ơn nghĩa cũ

 

Gia đình kia nhận nuôi đứa cháu mồ côi, yêu thương và dạy dỗ cậu bé như con đẻ, chẳng để thiếu thốn gì. Cô con gái trong nhà được thứ nào, cậu cũng có phần, thậm chí còn được ưu ái hơn một chút do người lớn muốn bù đắp tình cảm cho cậu. Năm tháng trôi qua, cậu bé dần lớn lên, rất thông minh, giỏi giang và thi đỗ ngôi trường đại học mình mơ ước. Suốt những năm tháng sinh viên, cậu không phải làm thêm vất vả như nhiều bạn khác, nhờ gia đình người họ hàng tốt bụng. Sau khi tốt nghiệp, nhận được công việc ổn định, cậu xin ra ngoài ở, bắt đầu cuộc sống tự lập. Chú thím vui vẻ bằng lòng, nhắc cháu thỉnh thoảng nhớ ghé thăm.

Vậy nhưng, càng giàu có và thành công, cậu càng quên đi những người từng cưu mang mình. Gặp họ, cậu tỏ ra như người lạ. Gia đình kia biết ý nên không nhắc nữa, mối quan hệ hai bên cứ thế nhạt dần. Cô con gái vừa buồn vừa giận, cha mẹ cô cũng thất vọng. Họ đâu cần chàng trai phải đền ơn đáp nghĩa, chỉ mong cậu vẫn luôn xem họ là người ruột thịt như xưa. Ai ngờ lòng người khó đoán. Cô gái không hiểu sao người mình từng coi là anh trai lại bạc bẽo đến thế. Cho đến một ngày, cô tâm sự với bạn thân kiêm “quân sư”, khúc mắc trong lòng cô mới được giải đáp.

Sở dĩ anh chàng kia tảng lờ ơn nghĩa của gia đình cô, vì nó nhắc anh nhớ về quá khứ mồ côi tội nghiệp, phải ăn nhờ ở đậu. Giờ đây, khi đã thành đạt, anh muốn “tẩy trắng” dĩ vãng, xóa nhòa hình ảnh đứa bé côi cút được họ hàng nuôi dưỡng - điều không phù hợp với hình ảnh đẹp mà anh muốn xây dựng. Chắc hẳn anh ta không thích bị ân nhân kể công, đòi hỏi hoặc tiết lộ sự thật, nên chọn cách chối bỏ quan hệ với gia đình chú thím.

Cô gái chợt nhớ đến một bài đăng trên trang facebook của anh họ, trong đó viết về chuyện anh từng là học sinh nghèo vượt khó, tự lực cánh sinh suốt thời đi học. Ai đọc được cũng thích, chia sẻ và ca ngợi hết lời bản lĩnh đội trời đạp đất của anh. À, thì ra anh muốn giữ hình tượng hoàn hảo ấy nên mới “phủ định sạch trơn” công lao và tình cảm của gia đình cô bao năm qua.

Khi đọc truyện, xem phim dã sử Trung Hoa, thỉnh thoảng ta thấy cảnh vua lên ngôi chưa được bao lâu đã phế bỏ hoặc xử tử công thần, nhất là những người có “công cao quá chủ”, từng phò tá vua lúc gian nan, cơ hàn. Điển hình là Việt Vương Câu Tiễn thời Xuân Thu. Để phục quốc, ông sẵn sàng nếm mật nằm gai, nhẫn nhục trước kẻ thù, chờ thời cơ gần 20 năm. Hỗ trợ ông nhiều nhất là quân sư Văn Chủng và quan đại phu Phạm Lãi. Những tưởng khi chiến thắng, ông sẽ ban thưởng hậu hĩnh, trọng dụng hai nhân tài này. Phạm Lãi khôn ngoan sớm nhìn thấu bản chất Câu Tiễn (ghét kẻ có công, chịu chung hoạn nạn thì được chứ cùng hưởng phúc thì không), đã viết thư khuyên Văn Chủng mau chóng tìm cách cáo quan về quê; chính ông đã rút lui ngay khi Việt Vương ca khúc khải hoàn. Tiếc thay, Văn Chủng không tin lời Phạm Lãi, đến lúc ngộ ra thì quá muộn. Ông bị Câu Tiễn nghi kị, ban cho thanh kiếm để tự xử. Trước lúc ra đi, Văn Chủng đau đớn than: “Cổ nhân có câu: Ơn to thì không báo nữa. Ta không nghe lời Phạm Lãi đến nỗi bị giết, chẳng cũng ngu lắm ru!”.

Từ đó, sử sách lưu truyền câu Phạm Lãi khuyên Văn Chủng: “Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn cũng bị nấu” (Phi điểu tận, lương cung tàng; giảo thố tử, tẩu cẩu phanh). Dần dà, câu này rút gọn thành: “Điểu tận cung tàng, thố tử cẩu phanh”. Khi đã săn được chim, bắt được thỏ, người ta có thể quên luôn cây cung tốt và chú chó săn đã trợ giúp mình. Khi địch quốc bại vong, mưu thần cũng bị thủ tiêu vì vua không cần nữa, lại sợ họ đem tài năng phò tá kẻ khác hoặc tạo phản.

Nhiều kẻ trên đời dù chẳng phải vua nhưng cũng bạc bẽo y như như Việt Vương Câu Tiễn. Đạt được chút thành công, tạo dựng chút sự nghiệp là trở mặt ngay với những người từng nâng đỡ mình - “vết tích” thuở hàn vi cần tẩy trắng, đúng kiểu “được chim bẻ ná, được cá quăng nơm”. Nhà bác học Benjamin Franklin đúc kết: “Phần lớn con người sẽ đáp lại những ơn huệ nhỏ, thừa nhận ơn huệ trung bình và trả ơn huệ lớn bằng sự vô ơn”.

Ths-Bs Lan Hải

Chi tiết