Xoay sở đón xuân
Nội dung
Xoay sở đón xuân
Kinh tế sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể phục hồi, cái khó như đang bủa vây từ doanh nghiệp, công nhân viên chức đến lao động tự do. Mỗi người mỗi cảnh nhưng cũng có những cách xoay sở để gia đình có được cái Tết tươm tất trong khả năng có thể.
Sau nhiều vòng loanh quanh các khu vực Tân Bình, Bình Tân, Long An rồi ngược về quận 4, chị Nguyễn Thị Thu Cúc kết thúc một ngày chạy Grab với thu nhập hơn 200.000 đồng. Vất vả nắng nôi nhưng điều khiến chị lựa chọn nghề xe ôm công nghệ là được chủ động giờ giấc. Gác tay lên trán sau ngày dài rong ruổi, người phụ nữ ngụ ở quận Bình Chánh nhớ đến thời điểm này năm ngoái, lúc còn làm công nhân và lãnh tiền thưởng Tết với thâm niên gần 20 năm làm việc. Chị chia ra nhiều khoản để biếu cha mẹ, thầy cô giáo cũ, vú nuôi của con trai và một phần cho công tác từ thiện. Hoàn cảnh đã khác khi chị nghỉ làm công nhân giày da do công ty Pouyuen Việt Nam cắt giảm nhân sự hồi tháng 7.2023. Trở thành tài xế cho hãng “Xe Xanh”, hiện chị Cúc ráng chăm làm để có “cái Tết nhỏ” bên cha mẹ, gia đình ở quê hương Châu Thành, Tiền Giang, với niềm hy vọng: “Gia đình sẽ có một năm mới may mắn, an yên, tươi sáng hơn năm cũ”.
Chị Nguyễn Thị Thu Cúc chăm chỉ làm việc để mong có cái Tết ấm áp bên gia đình
Cùng cảnh mất việc như chị Cúc, ông Nguyễn Hoàng Long (ngụ phường 25, quận Bình Thạnh), giáo dân xứ Thanh Đa, làm việc cho một công ty may mặc ở TPHCM, sau đợt cắt giảm nhân sự hồi tháng 9.2023, ông chuyển sang phụ vợ bán tiệm tạp hóa nhỏ nhưng rồi cửa hàng tạp hóa cũng vắng khách, nên ông nhận việc giao hàng cho người quen, họ hàng, để tìm thêm nguồn thu sắm sửa một cái Tết…
Không chỉ người mất việc mới lâm cảnh vất vả, chị Phan Hồ Thùy Linh ngụ xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn bị giảm giờ làm, khiến thu nhập bị giảm gần 40%. Để có thể lo các chi phí sinh hoạt trong nhà, 2 con tuổi đến trường, mấy tháng qua chị phải tranh thủ phụ việc nhà theo giờ vào buổi chiều tối. Chưa biết tính toán cách nào để những ngày tới cuộc sống ổn định hơn, chị Linh trước mắt đang lo sao cho có cái Tết no đủ.
Gia đình anh Tô Quốc Bình ở giáo xứ Bùi Môn lại vướng vào khó khăn khác. Nghề sửa điện tử của anh ngày càng thưa khách, thu nhập ít ỏi trong khi vợ làm kế toán lại phải nghỉ việc do công ty phá sản. Không có nguồn thu ổn định chi tiêu gia đình, anh Bình vừa lo cơm nước vừa giữ con nhỏ để vợ theo học khóa cắm hoa ở Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận. Sau khi hoàn thành khóa học, nay chị vừa bán hoa tươi, vừa cắm nụ tầm xuân bán Tết. Khách hàng ủng hộ sản phẩm hoa cắm sẵn là những gia đình giáo dân, là những linh mục, nữ tu trong và ngoài xứ đạo. Chị Minh Nhật, vợ anh Bình như mở cờ trong bụng vì tiệm hoa tại gia tuy ở trong hẻm nhỏ vẫn ra sản phẩm đều đặn. Hai tuần qua, 10 bình nụ tầm xuân theo đơn đặt hàng của một linh mục quen đã được hoàn tất và giao đến tận nơi. Chị Nhật chia sẻ: “Trong lúc khó khăn, có được cái nghề và có thu nhập để lo cho gia đình là điều khiến chúng tôi vui mừng. Mong sao năm mới Tết đến gia đình nào cũng có cái bánh chưng nhân thịt, có nồi thịt kho truyền thống bao đời”.
Cũng với niềm mong cho cái Tết có nồi thịt kho như bao nhà, chị Lê Thị Thu Uyên (ngụ phường 15, quận 10) mấy hôm nay ít khách đến sửa đồ nên hay thẫn thờ ngồi ngắm người qua lại bên đường. Theo Uyên, thời điểm này năm ngoái chị làm không hết việc, chẳng bù cho năm nay, tiệm vắng hoe, có khi ngồi chơi hết cả buổi. Uyên dự tính chỉ sắm ít đồ Tết, mua cho hai con mỗi đứa một bộ quần áo mới và tiết giảm việc mua hoa chưng Tết như mọi năm. Là mẹ đơn thân của hai con nhỏ, chị không dám tiêu pha: “Tết này xác định ba mẹ con chỉ có nồi thịt kho tàu, ít dưa món và bánh ngọt đơn giản, miễn trong lúc khó vẫn cùng nhau vượt qua để từ đó ngày càng yêu thương nhau hơn”. BVan
Chi tiết
- Ngày: 12/02/2024
- Tác giả: Lm. Anmai