Phó thác
Thứ Sáu trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm
1 Sm 8:4-7,10-22; Tv 89:16-17,18-19; Mc 2:1-12
Phó thác
Nghe tin Chúa Giêsu về Capharnaum, dân chúng khắp nơi tuốn đến chật trong nhà ngoài sân, và Chúa giảng dạy họ. Bỗng có bốn người khiêng một người bất toại đến, nhưng vì dân chúng đông quá, họ phải dỡ mái nhà thòng giường và bệnh nhân xuống trước mặt Chúa. Chúa thấy họ có lòng tin thì nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”. Các luật sĩ nghe vậy thì cho là Chúa đã phạm thượng, vì họ không tin Người là Thiên Chúa, nên không có quyền tha tội, chỉ Thiên Chúa mới có quyền đó. Chúa biết họ nghĩ thế, Người muốn tỏ cho họ biết Người là Thiên Chúa có quyền tha tội, nên nói với người bại liệt: “Hãy trỗi dậy, vác giường mà về”. Người đó liền trỗi dậy vác giường đi về trước sự kinh ngạc của mọi người.
Qua bài Tin Mừng, chúng ta có thể cảm nghiệm được về niềm tin, niềm hy vọng của người bại liệt cũng như của bốn người khiêng anh ta. Chúa Giê-su chắc hẳn vừa bất ngờ vừa ngạc nhiên khi thấy người bại liệt được thả thòng xuống bởi bốn sợi dây từ mái nhà. Một con đường không qua cửa chính, mà xuyên qua mái nhà. Vâng, khi lối chính đã bị chặn, thì vẫn còn lối khác để vào. Cứ tin tưởng và chính niềm tin sẽ tạo sáng kiến, sự sống vẫn sống động, khi niềm tin và niềm hy vọng vẫn còn. Dù cho bệnh hoạn, dù cho gió bão, dù cho quyền lực của thần thiêng có mạnh đến mấy đi nữa, nhưng nếu chúng ta vẫn mặc chiếc áo giáp của niềm tin, và với vũ khí hy vọng trên tay, thì chúng ta vẫn vững vàng. Họ đã bày tỏ sự kêu xin của mình không qua lời nói mà qua chính hành động của niềm tin và niềm tin đó được đặt trên nền tảng là chính Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Chúa Giê-su thấu suốt tâm tư hành vi và cả khát khao được chữa lành nơi họ. Vì thế, Ngài không để người bại liệt cũng như bốn người bạn của anh ta chờ lâu hơn nữa, Ngài bảo người bại liệt “Này con, con đã được tha tội rồi.” Sứ điệp thật là rõ ràng: con người bị tê liệt do tội lỗi, cần đến lòng Chúa thương xót, và Đức Kitô đã đến để mang lại cho con người lòng thương xót của Thiên Chúa, để cho nó được chữa lành từ trong con tim để rồi được hồi phục trọn cả cuộc đời. Ở đâu niềm tin được phong thánh, thì nơi đó sự nghi ngờ trở thành ma quỷ.
Anh bại liệt đã được tha ngay ngày hôm nay. Từ ngày hôm nay anh được giải thoát, từ ngày hôm nay anh được chuộc về, được nghe lại tiếng nói ngọt ngào của Gia-vê Thiên Chúa, tiếng nói mà Ngài đã nói với anh, với từng con người, trong ngày được sinh ra: “Thật tốt, khi có con!”. Một tâm hồn càng cảm nghiệm sâu sa về công trình cứu chuộc của Thiên Chúa bao nhiêu, thì càng cảm nhận được lòng bao dung của Người bấy nhiêu.
Sau khi nghe lời tha tội của Chúa Giê-su thì các ông kinh sư trong hội đường lấy làm chướng tai và nghĩ thầm trong bụng “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Chúa Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế nên Ngài đã bày tỏ quyền năng Thiên Chúa trong chính Con Người mình khi bảo người bại liệt “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”. Thật vậy, Chúa Giê-su đã bày tỏ tình yêu của một Thiên Chúa bởi vì Ngài là Đấng yêu thương, Đấng chữa lành đối với những người bệnh tật đau khổ và tội lỗi.
Phép lạ chữa người bất toại hôm nay không phải là mục đích chính, đó chỉ là cái khung hay cái cớ để Chúa Giêsu nói về cái khác, đó là quyền tha tội. Chúa muốn cho họ biết Người là Thiên Chúa nên có quyền tha tội.
Vì thế, người ta khiêng anh bất toại đến để mong Chúa chữa cho anh. Nhưng Chúa Giêsu tha tội trước rồi sau đó mới chữa bệnh. Tội là thứ bệnh của linh hồn, nguy hiểm hơn bệnh thể xác. Nhưng chúng ta thường làm ngược với Chúa Giêsu: khi mang bệnh thể xác thì chúng ta lo chạy chữa mau lẹ, còn khi mang tội chúng ta lại không lo.
Người bất toại có lòng tin Chúa nên đã nhờ người khác khiêng mình tới Chúa. Và chính những người này cũng tin Chúa nên đã chịu khó leo lên mái nhà, dỡ ngói ra, thòng người bệnh xuống trước mặt Chúa. Vì thế, muốn gặp Chúa phải có lòng tin, phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại, và có khi còn cần nhờ người khác giúp đỡ.
Vì có lòng tin, Chúa ban cho người bất toại không những điều anh ta xin là chữa lành phần xác, mà còn ban cho anh điều anh ta cần là chữa phần hồn. Việc Chúa chữa trị người bất toại trong Phúc âm hôm nay khỏi bệnh thiêng liêng mặc dầu anh ta không xin phải nhắc nhở cho ta cần tìm đến thầy linh dược.
Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta học được bài học là khi đau yếu, bệnh tật ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Chúa dùng bác sĩ, nha sĩ cùng với thuốc men như là dụng cụ chữa trị. Ðồng thời ta cũng cần cầu nguyện xin Chúa ban cho được khỏi bệnh. Bài học thứ hai là nếu bị đau yếu về phần hồn, ta cũng cần tìm đến thầy thuốc thiêng liêng để được chữa lành trong bí tích cáo giải.
Qua phép lạ chữa người bất toại trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giêsu trong bí tích Hoà giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại: “Tội lỗi con đã được tha”. Tiếp đó, bài Tin mừng mời ta cảm nghiệm sự giải thoát mà người bất toại ấy từng cảm nhận sau khi đã bị ràng buộc đớn đau quá lâu trong bệnh tật và trong tội lỗi của anh.