Mở lòng đón Chúa
Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay
Gr 20, 10-13; Ga 10, 31-42
MỞ LÒNG ĐÓN CHÚA
Trước thảm họa là khổ đau và tội lỗi, Chúa Giêsu đã được Đức Chúa Cha sai đến trên trần gian làm người cứu chữa và đem lại sự sống mới cho nhân loại. Chúa Giêsu ý thức rất rõ sứ mệnh với tất cả những gì mà Ngài phải gánh chịu Ngài đón nhận với tất cả tâm tình yêu mến, phó thác toàn thân cho Chúa Cha, hoàn toàn để cho Chúa Cha hành động và hoàn tất kế hoạch cứu rỗi của Ngài.
Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết. Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng. Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu, họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị. Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18), đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14). Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33), trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại. Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói : “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38). Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30). Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau, Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình. Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình, Con luôn sống như người được Cha sai. Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc, mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.
Chúa Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32). Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37). Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha. Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao. Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài: “Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38). Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36). Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng. Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy, được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu. Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.
Trang Tin Mừng hôm nay, người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố.
Vì tự cao tự đại cũng như tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.
Người xưa có nói: “Giận mất khôn”, người Do Thái vì giận Chúa nên không còn kể gì sự khôn ngoan hay rồ dại nữa. Ðã biết bao lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha. Người cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mong họ thức tỉnh mà suy xét lại. Biết họ giận dữ, Người vẫn tiếp tục nói, không phải Chúa muốn chọc giận họ mà là muốn họ ăn năn sám hối và được cứu rỗi. Sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Chúa Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.
Khung cảnh bên kia sông Giordan lắng dịu và khách quan hơn, ở đó có nhiều người đến với Chúa Giêsu, những người này là những người thành tâm thiện chí, họ muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, họ bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và để tìm hiểu những lời ông Gioan đã nói về Chúa Giêsu, họ tin vào sự chân thật của ông Gioan, bởi ông được mọi người công nhận là một ngôn sứ đích thực.
Thánh Gioan đã nói nhiều điều về Chúa Giêsu, và những điều đó đã xảy ra đúng như lời ông nói. Lời chứng của một người chân thật thì phải là một sự thật, thế thì chắc chắn Chúa Giêsu phải là Ðấng Mêsia mà Kinh Thánh đã từng tiên báo. Dù có nhiều điều họ chưa hiểu tường tận, nhưng dựa vào lời chứng của Gioan, họ đã tin vào lời Chúa Giêsu và họ đã tìm đến với Người. Tấm lòng rộng mở của họ đã dẫn họ đến với sự thật.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mở rộng để đón Chúa vào trong tâm hồn của mình, đón sự thật của Chúa bởi lẽ sự thật sẽ giải thoát anh em.