Tử đạo và tha thứ như thánh Stêphanô
Tử đạo và tha thứ như thánh Stêphanô
Trải qua lịch sử Hội Thánh, chúng ta thấy vô số các thánh nhân đã nhờ những ân sủng Chúa và Thánh Thần mà đáp ứng Tình Yêu Thiên Chúa, vẫn luôn nêu gương cho các thế hệ nối tiếp. Nhưng điều quan trọng, không phải chỉ để cho ta thấy mà thán phục thôi! Chúa mong mỏi phần góp riêng mỗi người. Nếu như cả thế giới được cứu độ, mà bản thân tôi, không được cứu rỗi, thì tôi trộm nghĩ công cuộc cứu chuộc còn quá ít! Và tôi cũng cần được cứu vớt, vì Chúa thương yêu tôi vô cùng! Vậy tôi cũng phải nên thánh! Phải nhờ ơn Chúa và Thánh Thần, mà trở nên “Của Lễ “ dáp đền Tình Chúa Yêu thương. Và tôi phải bắt đầu sống yêu thương như gương mẫu Thầy chí thánh của tôi ngay tự hôm nay, để khỏi quá muộn màng!…
Hôm nay lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.
Thánh Stêphanô chịu tử đạo tại Giêrusalem vào năm 35. Ngài được coi là vị tử đạo tiên khởi và vị phó tế tiên khởi của Hội Thánh Kitô giáo.
Tất cả những gì chúng ta biết được về cuộc đời, phiên xử, và cái chết của thánh Stêphanô, thì được tìm thấy trong Chương 7, sách Công vụ các Tông đồ. Trong toàn bộ lịch sử tử đạo suốt hai ngàn năm qua, câu chuyện tử đạo của thánh Stêphanô vẫn là câu chuyện cảm động nhất, và đáng ghi nhớ nhất.
Dù ngài mang tên Hy lạp, nhưng Stêphanô là một người Do Thái. Tên Stêphanô có nghĩa là “Triều Thiên”. Chắc là ngài sinh ra ở ngoài đất Paléttin, tại vùng chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Hy Lạp. Tân ước không kể cho ta hay hoàn cảnh nào đã đưa ngài đến việc theo Kitô giáo. Có vẻ như liền sau cái chết của Chúa Kitô, được nhìn nhận như Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa Xức dầu, Stêphanô đã giữ một vị trí trổi vượt giữa các Kitô hữu tại Giêrusalem, và đã sử dụng tài năng của ông để chiếm sự tin theo của các người Do Thái nói tiếng Hy Lạp hiện đang cư trú trong Thành Thánh.
Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá của Ngài. Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước, có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính vị thánh Tử Ðạo tiên khởi là thánh Stêphanô.
Theo Chúa là phải chấp nhận hy sinh, đau khổ. Đau khổ có thể đến từ phía những người đời, những người ghét Chúa, ghét Giáo hội. Đau khổ cũng có thể đến từ phía những người ở trong Giáo Hội, thậm chí nó có thể đến từ những người thân thuộc trong gia đình. Nếu không thể tránh được đau khổ, chúng ta phải chấp nhận để làm chứng cho Chúa, vì phần rỗi của chúng ta:“Ai bền độ đến cùng sẽ được cứu rỗi” (Mt 10,22).
Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về mầu nhiệm tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Phải chăng chúng ta không được mời gọi để nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn? Bóng Thánh Giá phải chăng đã không chập chờn phủ xuống trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu?
Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ ôn lại những bi thảm trong thời thơ ấu của Ngài. Khi tưởng niệm việc tử đạo vị thánh tiên khởi của Giáo Hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta, đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn của cuộc sống Ngài, và như Ngài, như vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã vạch ra cách sống kiên trung cho đến cùng trong sứ mạng làm chứng cho Chúa.
Là một phó tế, Ngài chấp nhận làm người phục vụ, đồng thời tham gia và công việc loan báo Tin mừng. Ngài giảng dạy, biện bác, khuyên nhủ, răn đe…Nói như Thánh Phaolô, Ngài đã rao giảng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (x. 2 Tm 4, 2).
Thánh Stêphanô không những làm chứng bằng lời giảng dạy, mà còn làm chứng về sự tha thứ. Sách Công vụ tông đồ cho biết, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Thánh Stêphanô đã cầu nguyện xin Chúa đừng trách cứ tội của kẻ giết chết mình. Trong các đối tượng mà Thánh Stêphanô cầu nguyện cho hôm đó có cả Saolê. Sách Công vụ tông đồ tường thuật: “Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Sao-lê” (7, 57-58). Sau đó mấy tháng, Saolê đã trở thành Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại. Hành động tha thứ của Thánh Stêphanô hoạ lại hành động tha thứ của Chúa Giêsu trên thánh giá.
Ta thấy thánh Stêphanô, con người được đầy Thánh Thần, đã trở nên giống Thầy mình trong tình yêu mến. Khi sống, ông được đầy ân sủng và mạnh dạn, đã được đầy Thánh Thần và khôn ngoan biện bác trước các đối thủ và làm những điều kỳ diệu cả thể trong dân để minh chứng về Chúa. Và lúc chết, ông đã được thực sự nên giống Thầy mình, trung thành trọn vẹn trong Tình Yêu thương.
Đặc biệt, khi bị người ta ném đá, Stêphanô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu! Xin đón nhận linh hồn con!” Và quì gối xuống, ông kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa! Xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này!” – Nói xong, ông an nghỉ trong Chúa! Đó là vị tử Đạo đầu tiên trong Hội Thánh, mới được khai sinh, từ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống! – Và ở đây chúng ta thấy rõ ràng thánh Stêphanô thực xứng đáng là Của Lễ rất quí giá mà Hội Thánh muốn chọn để trình diện với Thiên Chúa đầy yêu thương và là Đấng Cứu chuộc mọi người, vừa giáng sinh cho nhân loại.
Nhìn vào cuôc đời Thánh Stêphanô, ta phải luôn biết tha thứ cho nhau, tha thứ cho kẻ làm hại mình, không những tha thứ mà còn phải cầu nguyện cho họ nữa. Tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta (Ep 4, 32). Tha thứ không phải chỉ 7 lần mà là 70 lần bảy (Mt 18, 21-22). Đó cũng là điều kiện để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta như lời dạy của Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ với chúng con” (Mt 6, 12). Nếu chúng ta không tha thứ cho anh chị em mình thì Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy, nếu mỗi người không hết lòng tha thứ cho anh em mình”(Mt 18, 35).
Thánh Stêphanô đã chết như Ðức Kitô: Bị kết tội cách sai lầm, bị kết án cách bất công vì ngài dám nói lên sự thật. Ngài chết trong khi mắt nhìn lên Thiên Chúa, và với lời xin tha thứ cho kẻ xúc phạm. Một cái chết “sung sướng” lúc nào cũng giống nhau, dù chết âm thầm như thánh Giuse hay chết đau khổ như thánh Stêphanô, đó là cái chết với sự can đảm, sự tín thác hoàn toàn và với tình yêu tha thứ.