HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Ngày 13 tháng 12
Thứ 4, tuần 2, Mùa Vọng. Các bài đọc: Is 40,25-31; Mt 11,28-30. Lễ nhớ Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo.
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Lucia sinh ra tại Syracusas ở đảo Sicilia thuộc nước Ý. Cô mồ côi cha ngay từ khi còn bé. Cô đã theo đạo ngay từ nhỏ, và đã được giáo dục đức tin vào Chúa thật chu đáo. Cô cũng đã có ước nguyện dành trọn cuộc đời của mình để thờ phụng Chúa.
Cuộc sống tưởng sẽ êm đềm trôi, ai dè khi vừa tới tuổi trưởng thành thì một sự việc đã xảy ra ngoài ý muốn của cô. Mẹ của cô, một người gốc Hy Lạp tên là Eutychia đã ép buộc cô phải lập gia đình với một chàng thanh niên giàu có của một gia đình quen biết theo tập tục thời bây giờ, bất chấp sự thoả thuận của đôi nam nữ này.
Rất may một biến cố bất ngờ xảy ra trong gia đình giúp Lucia “thoát nạn”. Bà mẹ của cô bị một cơn bệnh “thập tử nhất sinh” nhưng cuối cùng bà đã qua khỏi. Lucia cho rằng bà được khỏi là do phép lạ của Chúa, do việc cầu nguyện của cô. Chính sự việc này đã khiến bà đổi ý không còn bắt Lucia phải kết hôn nữa. Từ đó Lucia thêm phần tin tưởng vào Chúa. Cô bán tất cả phần gia tài mình có rồi phân phát cho kẻ nghèo khó.
Sự việc tưởng như thế là xong nhưng có dè đâu chàng thanh niên bị từ chối kết hôn vẫn còn say mê Lucia. Vì bị từ chối kết hôn, anh ta cảm thấy cay cú nên đã tố cáo Lucia với Hoàng đế Roma là Ðiôclêtianô lúc đó. Ông vua này vốn là một người không có cảm tình gì với người Kitô hữu. Ngược lại còn căm ghét những người có đạo một cách điên cuồng. Lucia bị bắt và bị giam cầm chỉ vì cô là người có đạo và hiện đang theo đạo.
Lính tráng đã giải cô đến trước mặt vị quan Paschase. Paschase đã dụ dỗ cô dâng hương tế thần nhưng cô không đồng ý, sau đó ông này âm mưu muốn hủy hoại đời trinh tiết của Lucia bằng cách để cho số thanh niên dâm đãng làm nhục cô cho đến chết. Nhưng tình thương của Chúa thật nhiệm màu. Chúa đã làm phép lạ gìn giữ Lucia làm cho thân xác Lucia hoá ra nặng như đá nên không kẻ nào có thể làm hại được nàng.
Sau đó với sự nóng giận của một người thua cuộc, quan Paschase đã cho quân lính tẩm dầu vào thân xác Lucia và đốt cháy cho đến chết. Lucia đã hy sinh vì Chúa năm 304.
Chúa Giêsu kêu gọi những kẻ khổ cực lầm than đến với Ngài để được nâng đỡ giúp sức. Chúa Giêsu ở giữa con người, sống kiếp con người. Ngài cảm thông với tất cả những lao đao, khốn cùng của con người. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài để được an ủi, đỡ nâng. Hãy đến với Chúa là mạch tình yêu. Tình yêu ban sức mạnh để ách trở nên êm ái và gánh được nhẹ nhàng.
Trong ngôn ngữ do thái, “gánh” và “ách” vừa có nghĩa là luật lệ vừa có nghĩa là giáo huấn. “Mang lấy ách” hoặc “Mang lấy gánh” của ai nghĩa là làm đệ tử người đó, chịu sự giáo huấn của người đó, sống theo luật lệ của người đó.
Văn mạch: trước đoạn này, Chúa Giêsu vừa nói về “những bậc khôn ngoan thông thái” do thái tức là các rabbi, các người biệt phái . Dân chúng đã cảm thấy quá nặng nề và mệt mỏi khi học với họ và sống theo cách giải thích lể luật khắt khe của họ.
Chúa Giêsu mời người ta học với Ngài và sống theo luật Ngài. Giáo huấn và lề luật của Ngài đặt nền tảng trên lòng yêu thương (Ga 13,34). Cách đối xử của Ngài đầy lòng hiền hậu và khiêm tốn (câu 29). Bởi đó ai học với Ngài và sống theo luật Ngài thì sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng và cảm thấy êm ái, nhẹ nhàng.
Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta cũng đã cảm nghiệm được vất vả, mang gánh nặng, chịu gian nan thử thách, chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất, từ bản thân đến gia đình và xã hội.
Bên Chúa, con người hôm nay tìm thấy được một nơi yên nghỉ sau những giây phút mệt mỏi của đời sống và đặt tất cả mọi nỗi lo âu, những gánh nặng trần thế như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). “Các con hãy mang lấy ách của Ta”. Đây là kiểu nói bóng trong truyền thống Thánh Kinh nơi các thầy rabbi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (Hc 51,31; Is 55,1). Chúng ta nhìn nhận và học nơi Thầy Giêsu hiền lành và khiêm nhu, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới như Thầy đã dạy.
Con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài, họ được chính nước Trời khi giữa phong ba cuộc đời giữa những mỏi mệt của cuộc sống đó là mầu nhiệm nước Trời mà người không tin vào Chúa Giêsu không thể cảm nghiệm.
Chúng ta mang tâm tình tín thác trong cuộc sống: “Hãy trao phó mọi việc trong tay Chúa, thì bạn sẽ thành công, Ngài sắp xếp mọi sự để thực hiện ý Người” (Cn 34,4).
Trường học của Chúa Giêsu, người theo học được mời gọi sống theo gương mẫu của Ngài: hiền lành và khiêm nhường, nghĩa là bất bạo động, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới giữa mọi người, đặc biệt là những người bé mọn, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, kỳ thị và đàn áp.
Khi biết cách sống tình yêu thương đại đồng và phát huy tình yêu thương không biên giới đó, nghĩa là không hận thù, không bạo động, con người sẽ đạt được bình an nội tâm và thể hiện nó ra trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội